Những người trẻ khuyết tật vượt lên số phận

(Dân trí) - Gia cảnh khó khăn, bản thân tàn tật, nhưng bỏ qua mặc cảm, Hồ Thị Bình (sinh năm 1978), Hồ Văn Ước (sinh năm 1977) và Hồ Thị Loan (sinh năm 1991) vẫn tích cực tham gia hoạt động thể thao dành cho người khuyết tật và đạt những thành tích xuất sắc.

Hậu họa của chiến tranh

Cuộc sống người dân Đakrông (tỉnh Quảng Trị) gắn với nương rẫy còn hằn sâu vết tích chiến tranh, đó là nguyên nhân dẫn đến tật nguyền của phần lớn người khuyết tật trên địa bàn huyện. Theo điều tra của Ban vận động Chi hội thể thao người khuyết tật huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị), đến năm 2006, toàn huyện có trên 335 người khuyết tật.

Anh Hồ Văn Ước (Phó chi hội thể thao người khuyết tật huyện Đakrông) và chị Hồ Thị Bình là hai trong số đó. Ước vẫn nhớ: "Năm 1985, mình đi thả trâu, nhặt một vật gì là lạ, gõ ra xem. Thế là...". Chị Hồ Thị Bình đồng cảnh ngộ ấy: một lần đi cày ruộng, chị dẫm phải mìn... Từ một cô gái lành lặn, Bình trở thành người tàn tật. Nhớ lại, Bình rơm rớm nước mắt: "Gia đình nghèo may nhờ có sự giúp đỡ của bà con trong thôn, em mới sống".

Cảnh ngộ em Hồ Thị Loan sống tại thôn Klu lại khác. Đến giờ, em vẫn không nhớ lúc nào và vì sao mình trở thành người khuyết tật. Bố mẹ em kể là hồi còn bé, Loan bị một chiếc xe đâm phải cướp đi một bàn chân.

Phút chốc trở thành gánh nặng của gia đình, những thanh niên dân tộc Vân Kiều tưởng như có lúc đã gục ngã. Họ sống âm thầm như những chiếc bóng. Chị Bình giãi bày: "Lúc đầu, mình không biết làm gì, chỉ tủi thân. Mình vẫn tưởng chỉ mình là người khuyết tật".

Còn Loan, hàng ngày thấy bạn bè trong xóm í ới gọi nhau đi học thì trong em dấy lên khát khao được đến lớp. Còn Ước, dù khuyết tật nhưng lại là trụ cột trong gia đình vì mẹ thì già, con còn nhỏ. Hàng ngày, Bình, Loan và Ước vẫn lên nương, như lời lý giải giản dị của họ là "không thì chết đói mất!".

Giải vàng cho nghị lực

Tưởng chừng, cuộc sống của những thanh niên khuyết tật mãi trôi trong mặc cảm. Nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự động viên của Chi hội thể thao người khuyết tật huyện Đakrông, trái tim những thanh niên miền núi ấy nhen nhóm lên niềm vui mới. Cả Ước, Bình lẫn Loan đều lần lượt tham gia tập luyện và thi đấu tại các cuộc thi dành cho người khuyết tật.

"Ban đầu không thích đi đâu, mình tàn tật, cái bụng còn chưa no, làm sao mà tập với thi được. Nhưng các anh chị ấy động viên nhiều quá nên đi cho vui...". Mặc dù tham gia với tinh thần "Vui là chính" nhưng họ luyện tập khá vất vả. Loan tâm sự: "Khó nhất là tập thể lực. Bọn em chỉ biết lên nương thôi, làm gì biết kéo dây, ép vai...". Dần dần, tập luyện bài bản giúp ai cũng cảm thấy khoẻ mạnh.

Đáp lại tấm lòng thầy cô và với sự nỗ lực bản thân, Ước, Bình, Loan đều đạt những kết quả đáng tự hào. Đến giờ, cả Ước lẫn Bình đều không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu cuộc thi và giành bao nhiêu giải.

Kéo những tấm huy chương trong tủ ra, Ước giới thiệu: "Mình có ba huy chương vàng, bốn huy chương bạc và hai huy chương đồng...". Vinh dự hơn Ước, Bình đã thi đấu với các vận đông viên khuyết tật trên toàn quốc sau khi đạt giải nhì môn chạy 400m và giải nhất môn ném lao toàn tỉnh Quảng Trị. Năm nào thi đấu, chị cũng "ẵm" giải về: "Ra Hà Nội, mình đoạt huy chương bạc môn chạy. Vào TPHCM mình có hai huy chương bạc môn nhảy cao và nhảy xa. Vừa rồi vào Huế, lại có thêm hai huy chương bạc nữa...".

Còn Loan thì được tập luyện cùng đội tuyển năng khiếu người khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Ngay giải đầu thi đấu, em đã lập hai kỉ lục môn bơi bướm toàn quốc (50m với 53 giây, 100m với 2 phút 16 giây). Thành tích này vượt cả kỉ lục Asean Paragames 3.

Với thành tích đó, Loan vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham gia thi đấu tại Asean Paragames 4 và kết quả đạt được trên cả mong đợi: huy chương bạc ở cự li 100m bơi tự do, hai huy chương vàng môn bơi bướm ở cự li 50m (phá kỉ lục Paragames với thành tích 46 giây 11) và cự li 100m (lập kỉ lục Paragames với thành tích 1 phút 42 giây).

Như những vận động viên bình thường khác, họ có khá nhiều kỉ niệm đáng nhớ khi tập luyện và thi đấu. Đến giờ các huấn luyện viên vẫn nhắc đến lần vượt hố "đáng kinh ngạc" của Ước. Chả là, Ước thi môn nhảy xa. Do năm đầu tổ chức, hố cát ngắn. Thế là Ước nhảy... vượt ra khỏi hố. Loan và Bình lại xúc động trước tình cảm của anh chị em trong đội và sự nhiệt tình của các tình nguyện viên: "Đó là động lực để chúng em có thể giành giải cao như vậy" - Loan cười bảo.

Khi tôi hỏi về ước mơ của mỗi người. Cả Bình, Loan, Ước đều chung mong muốn: "Được đi thi đấu khắp nơi để mở mang tầm mắt". Loan nói thêm với tôi: "Em muốn nói với những người khuyết tật như bọn em rằng: Dù mình nghèo, tàn tật nhưng hãy biết vượt lên số phận, vươn cao để không ai có thể coi thường".

Trò chuyện với Bình, Ước và Loan, ấn tượng lớn nhất của tôi là nụ cười trên môi họ - những người "Tàn mà không phế".

Trương Quang Hiệp