Những sinh viên trình độ “i tờ”

(Dân trí) - Bên cạnh những sinh viên học ngày, học đêm, thì cũng có biết bao cô cậu sinh viên chỉ biết cắp sách đến trường cho đủ số tiết và tranh thủ ngủ, chơi. Đến lúc thầy cô gọi lên bảng thì chỉ biết gãi đầu, gãi tai ấp úng.

Cái kiểu học để “kiếm cái bằng” đang có xu hướng phổ biến trong giới sinh viên hiện nay. Các cô tú, cậu tú chỉ cần đến trường, điểm danh xong là “ok”, không cần biết mình học đến đâu và học cái gì. Lớp học chỉ là “bãi đáp” để các cậu ấm, cô chiêu mỗi khi cần ngủ thì ngủ, cần buôn chuyện thì đến ngồi cho vui. Hùng - Khoa QTKD - ĐHHN nói: “Bố mẹ tớ chỉ cần tớ đến lớp đủ số tiết học, thi thì đã có bạn bố tớ dạy trong trường lo rồi. Tớ đến lớp chỉ là cho vui thôi. 5 ngày đi học thì 6 ngày tớ ngủ rồi”. Hùng cười đắc chí.

Kiểu học này không chỉ xuất hiện ở tầng lớp con nhà “đại gia”, mà không ít các “ông tướng” con nhà lính tính nhà quan cũng đua đòi theo bạn bè. Cường (Khoa Thông tin đối ngoại - HVBCTT) quê ở Phú Thọ, bố mẹ là giáo viên cấp 2, lương tháng cũng chỉ đủ chi tiêu, dành dụm được đồng nào là lo cho thằng con “ngoan” đang học ở Hà Nội. Bố mẹ đâu có biết con trai ở thủ đô chỉ để chơi và ngủ mà thôi. Cường khoe: “Trường của tớ dễ lắm, thỉnh thoảng thầy cô giáo mới điểm danh thôi. Khi nào đến tiết kiểm tra trình thì bạn bè gọi sang làm bài, tớ ở KTX nên cũng tiện lắm. Có bao giờ tớ bị ghi vắng mặt đâu?”.

Cường là người “may mắn” khi học ở cái trường dễ như cậu ta nói. Còn với Quang (ĐHHN) thì cái may mắn đó lại không đến với cậu. Năm thì mười họa mới có mặt ở lớp, một lần đến lớp với cái đầu bóng mượt, Quang bị cô giáo gọi lên bảng bảo vẽ sơ đồ cây để biểu thị quy luật phát triển… Chàng gãi đầu bứt tai, đã không biết thì xin phép cô giáo về chỗ, đằng này cậu ta vẽ một cái cây, có lá, rễ, cành. Cả lớp chỉ biết lắc đầu cười chứ không còn biết bình luận thêm gì được nữa.

Thử nghĩ xem một tập thể lớp đang lắng nghe thầy cô giáo giảng bài, thì ở đâu đó có tiếng ngáy rõ to của chàng trai ngủ trong lớp, có tiếng cười đùa của những cô nàng đỏng đảnh, thì thầy cô giáo còn lấy hứng thú đâu mà giảng bài, để rồi những bài giảng của thầy cô có còn được trọn vẹn nữa hay không?

Giản Lâm