Những “sự thật” thú vị về đề thi ĐH

(Dân trí) - Đã 7 năm nay, đề thi ĐH được thống nhất trong cả nước do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm. Năm 2008 có thể là năm cuối cùng thực hiện kỳ thi tuyển sinh ĐH và cũng đến lúc nhìn nhận lại những “sự thật” thú vị về đề thi ĐH trong 7 năm qua.

Đề thi chung đẩy lùi lò luyện!

Nếu như vào thời điểm trước năm 2001 là năm mạnh trường nào, trường đó ra đề, các lò luyện mọc tràn lan và mỗi nơi “giương” lên một bí kíp để hút thí sinh. VD: Muốn thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội thì nhất định phải ôn luyện ở khu vực cách bán kính ĐH Sư phạm Hà Nội tối đa là 1km thì mới có cơ hội đỗ, đi ôn luyện xa hơn là trật tủ ngay!

Thế là cứ trước thời điểm kỳ thi ĐH diễn ra khoảng vài tháng là sĩ tử rồng rắn kéo nhau về Hà Nội, thi trường nào ôn thi tại “lò” gần trường đó, thi nhiều trường thì phải chạy xô “lò”. Các lò luyện thi cũng cấp tập moc lên như nấm sau mưa. Sau những tháng đỉnh điểm luyện thi, các chủ lò và các thầy luyện thi cỡ sừng sỏ có thể xây xong căn nhà 4, 5.

Nhưng từ khi có đề thi chung, đẳng cấp các lò được “san phẳng” và lò nào cũng trở nên giống lò nào, ngày một thưa vắng.

Nhìn lại thời hoàng kim đã xa, thầy H., một thầy giáo luyện thi ở lò ĐH Sư phạm thở dài: “Hết thời rồi! Thí sinh khôn ngoan thì các em sẽ không cần tìm đến lò luyện nữa! Mà thí sinh thì ngày một khôn ngoan và thức thời hơn!”.

Cũng theo thầy H, thì đề thi chung trong 7 năm qua đã thực sự trở thành "sát thủ giấu mặt" của các lò luyện bởi nó không ra mặt ngay mà mỗi ngày, nó gặm nhấm một tí khiến quang cảnh luyện thi ngày một điêu tàn hơn!

Loại bớt yếu tố rủi ro và sai sót

Đề thi ĐH: Mối quan tâm của Thủ tướng!

Đề thi ĐH thế nào không chỉ là mối quan tâm phụ huynh, thí sinh, các thầy cô giáo mà còn là mối quan tâm của cả Thủ tướng. Thế mới biết đề thi chung 7 năm qua có giá trị thế nào.

Như trong năm 2007, trước khi kỳ thi ĐH diễn ra, Thủ tướng đã ra công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nêu rõ: Đề thi phải phù hợp với nội dung, chương trình THPT; phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn các khâu liên quan đến đề thi tuyển sinh; bảo đảm an ninh, trật tự địa điểm thi...

Cũng vào thời điểm trước năm 2001, tại nhiều Hội đồng thi tuyển sinh sau mỗi buổi thi lại rô lên tin đề thi nhầm lẫn, đề thi ngoài chương trình... Rủi ro cuối cùng chỉ là thí sinh phải gánh chịu. Nhưng, với đề thi chung thì hầu như không để tái diễn lại tình trạng này, hoặc nếu có thì cũng chỉ là những sai sót nhỏ lẻ và Bộ GD- ĐT luôn đề ra được những phương án tối ưu nhất để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.

Cũng chính vì thế, việc đỗ ĐH của thí sinh đã ngày càng dễ hơn khi họ được đảm bảo quyền lợi một cách triệt để nhất. Cũng 7 năm qua, Đề thi ĐH chưa lần nào ra ngoài chương trình, vượt chương trình trung học, sẽ không quá khó, quá phức tạp, không ra đề vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm...

Lập lại trật tự công bằng

Khi các trường tự ra đề thi, trường ra dễ, trường ra khó, vì thế, trong nhiều năm trước khi áp dụng đề thi chung, đẳng cấp về điểm thi hình thành khá rõ rệt trong kết quả thi của thí sinh. VD: Cũng kết quả thi là 24 điểm nhưng thí sinh thi vào ĐH Nông nghiệp luôn bị coi là không giỏi bằng thí sinh thi vào Bách khoa, Xây dựng...

Tuy nhiên, đề thi chung đã khắc phục được điều này một cách hữu hiệu nhất. Mọi thí sinh có kết quả thi ĐH như nhau thì học lực đều được đảm bảo như nhau và người đỗ ĐH luôn là những người xứng đáng nhất.

Như theo đánh giá của TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD- ĐT) thì khi ra đề thi, chúng tôi phải đặt câu hỏi “đề thi như vậy có bỏ sót học sinh tài năng không?”. Câu trả lời là: Chúng tôi sẽ làm đề thi để các thí sinh tài năng làm được trước sau đó mới đến các học sinh chăm học.

Thí sinh chỉ cần có đủ kiến thức, học tập nghiêm túc, không học vẹt, học tủ sẽ có thể nắm phần thắng trong tay mà không phải nghĩ ngợi gì đến chuyện trường thi dễ, trường thi khó như trước!

Đề thi có mấy chục câu nhưng không có câu nào chép y nguyên trong SGK mà đi vào những cách tiếp cận khác, đòi hỏi thí sinh phải sáng tạo, chỉ có HS giỏi mới vững tâm làm đến câu cuối. Đó là điều đáng tự hào nhất của đề thi chung”.

“Ưu ái” với tất cả thí sinh

Đề thi chung ĐH thường không quay lưng với bất kỳ thí sinh nào và ít có thí sinh phải cắn bút bỏ trắng hay “vẽ voi” như tình trạng thường thấy trong các kỳ thi tuyển sinh chưa có đề thi chung.

Đề thi chung đảm bảo cho thí sinh dốt nhất cũng có thể được an ủi bằng một đôi câu giải được trọn vẹn và cũng “vỗ về” được những thí sinh giỏi nhất bằng những câu hỏi dành riêng cho họ.

Theo Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bành Tiến Long cách ra đề thi và nội dung đề thi chung luôn phải tuân thủ nguyên tắc bám sát chương trình và SGK THPT, chủ yếu lớp 12, không quá khó, không đánh đố, phù hợp thời gian làm bài và có khả năng phân loại. Tuy nhiên, đề thi không dễ vì phải đạt yêu cầu phân loại thí sinh với những câu hỏi dành cho những học sinh tài năng thật sự để cho các em thể hiện mình và tạo điều kiện cho các trường xét tuyển.

Thí sinh nào chuyên cần học tập, nắm chắc kiến thức trong chương trình và SGK THPT, nhất là lớp 12, thí sinh đó sẽ có kết quả thi cao. Vấn đề là nắm chắc kiến thức cơ bản, có vận dụng sáng tạo, độc lập suy nghĩ để đặt ra các tình huống làm bài, tăng cường thêm kỹ năng thực hành; còn luyện thi thì hoàn toàn thụ động và học vẹt, mất thời gian và khó đạt kết quả cao.

Người ra đề - họ là ai?

Tiết lộ về “bộ máy” ra đề thi chung , TS Nguyễn An Ninh cho biết họ gồm khoảng 80 chuyên gia hàng đầu của ngành đến từ các trường ĐH và THPT. Người ra đề là giáo viên phổ thông là những người biết rất rõ thày dạy gì và trò học gì và giúp Hội đồng ra đề sát hơn với chương trình giảng dạy ở phổ thông. Đề của mỗi môn thi sẽ có “tác giả” là 5 đến 7 chuyên gia.

Cuối tháng 2 đầu tháng 3 hàng năm, các chuyên gia nào tham gia ra đề thi sẽ được lên danh sách. Trước khi kỳ thi chính thức diễn ra khoảng 30 ngày, 80 chuyên gia này sẽ bị “nhốt” lại có cách ly và đặt dưới sự giám sát của lực lượng an ninh. Ngay trong thời gian bị nhốt, các phương tiện thông tin liên lạc đều không được sửa dụng, thậm chí, ngay trong bữa ăn, các “tù nhân” cũng tránh bàn tán về công việc ra đề của mình!

Nhiệm vụ của các chuyên gia trong thời kỳ này là tập hợp các yêu cầu về đề thi và những đề thi đã đề xuất. Sau đó, tổng hợp thành 3 đề thi cho mỗi môn thi và giải thử để thẩm định đề thi. Sau thời gian làm thử bài đúng như thời gian thí sinh phải làm để có thể điều chỉnh đề thi cho thích hợp hơn.

Đích thân Bộ trưởng sẽ chọn một cách ngẫu nhiên một trong 3 đề đã được chuẩn bị sẵn và chọn đề đó làm đề chính thức cho kỳ thi ĐH.

Mai Minh