Những thay đổi quyết liệt trước thềm năm học mới

(Dân trí) - 45 phút trong cuộc họp báo “nóng” chiều 30/8, không phải là thời gian đủ để Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ được hết những chiến lược “dài hơi” của ngành giáo dục. Dù vậy, Bộ trưởng cũng tâm sự khá nhiều về những trăn trở và “hé ra” phần nào những dự định mà ngành sẽ làm trong năm học tới.

“Khi phỏng vấn ở Bộ GD-ĐT thì không cần phải gọi tôi là Phó Thủ tướng, cứ là Bộ trưởng thôi”. Cởi mở, nhẹ nhàng và rất chân thành, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã mở đầu cuộc họp báo nhân dịp năm học mới 2007-2008 được tổ chức chiều qua như vậy.

 

Cuộc họp báo chỉ kéo dài trong vòng 45 phút, sau đó, ông Nhân lại phải vội vã ra sân bay để đến Bình Dương tham dự cuộc họp toàn quốc về dạy nghề.

 

Học phí chắc chắn sẽ phải tăng

 

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có kể một câu chuyện về chuyện thu học phí của một trường CĐ tại Nghệ An, đó là một trường CĐ nghề mà tất cả học sinh ở đó chưa học xong đều đã có các doanh nghiệp đến “xin”.

 

Mỗi tháng, học sinh trường đó đóng 100.000đ và UBND tỉnh phải bù thêm vào học phí cho mỗi em 400.000đ/ tháng. Bộ trưởng kết luận: Với mức học phí là 500.000 tháng thì mới có thể tạo ra được những “tay nghề” khá và được doanh nghiệp cần như vậy. Chúng ta muốn tạo ra được nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì học phí không thể không tăng lên. Nếu tiếp tục duy trì khung học phí hiện hành (ban hành từ năm 1998) thì khó có thể nâng chất lượng giáo dục. 

 

Tuy nhiên, dù quyết tâm tăng học phí nhưng Bộ GD-ĐT cũng tính toán rất thấu đáo đến cơ hội đến trường của học sinh nghèo. Học sinh nghèo có thể được miễn, giảm học phí.

 

Học phí sẽ thu theo khả năng chi trả của người dân theo mức mỗi hộ dân dành 4 - 6% thu nhập cho việc đóng học phí. Mức thu nhập của hộ dân nào cao thì học phí sẽ cao và như vậy, học phí của một phụ huynh ở miền núi Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng... phải đóng cho con mình cũng sẽ khác mức học phí của một phụ huynh ở Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM... Cùng đó, Bộ sẽ mở những trường học dành cho những người có khả năng chi trả học phí cao, thậm chí rất cao.

 

Mức học phí mới sẽ đảm bảo cho học sinh nghèo đóng ít, nhưng không phải vì đóng ít mà chất lượng đào tạo kém. Bộ sẽ phải “điều tiết” để chất lượng đào tạo không quá chênh lệch giữa các vùng miền.

 

Mức học phí mới sẽ được áp dụng vào năm học 2008-2009, bắt đầu ở bậc ĐH trước - Bộ trưởng cho hay.

 

Đưa ra khỏi ngành giáo viên không đạt chuẩn

 

Những thay đổi quyết liệt trước thềm năm học mới - 1













Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong cuộc họp báo chiều 30/8.

Đề cập đến việc đưa ra giáo viên không đạt chuẩn ra khỏi ngành, Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng tại tỉnh Nghệ An và nhận xét Nghệ An là một tỉnh rất nỗ lực trong việc đưa giáo viên không đạt chuẩn ra khỏi ngành. Đã có hơn 3.000 giáo viên của tỉnh này vì không đạt chuẩn phải rời ngành.

 

Bộ trưởng khẳng định: Vì vậy, việc một năm sẽ đưa ra khỏi ngành hàng nghìn giáo viên không đạt chuẩn để đưa những sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm vào thay thế là một việc làm được và cần phải làm. Ông Nhân nhấn mạnh lại: Đây là một giải pháp không điển hình nhưng buộc phải làm.

 

Bộ trưởng lại kể một câu chuyện: Giám đốc Sở GD-ĐT một tỉnh miền núi trước yêu cầu của Tỉnh là phải trả lời vì sao kết quả thi phổ thông của tỉnh năm nay giảm gần 60% so với năm trước, đã lý giải vì hiện nay trong khoảng 8.700 giáo viên phổ thông tỉnh nhà, riêng tiểu học và THCS đã có 1.900 giáo viên không đạt chuẩn. Nếu kể cả số giáo viên không đạt chuẩn bậc THPT cộng lại thì đã có khoảng 1/4 giáo viên không đạt chuẩn.

 

Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký một nghị định chính sách hỗ trợ sắp xếp lại công chức Nhà nước khi chúng ta tiến hành cải cách hành chính trong đó có chính sách cho các nhà giáo chuyển từ đứng lớp ra không đứng lớp hoặc ra khỏi ngành. Đây là một vấn đề tuy “sốc” nhưng ngành vẫn phải đối diện - Bộ trưởng cho hay.

 

Vấn đề loại những giáo viên không đạt chuẩn là một vấn đề đã được ngành giáo dục nhắc đến từ nhiều năm qua. Vào khoảng năm 2004, ngành cũng đã có tính toán được số giáo viên ra khỏi ngành sẽ lên đến khoảng 7 vạn người. Tuy nhiên, vì quá “nhạy cảm” nên 3 năm qua vấn đề này hầu như ít được bàn tới và việc giải quyết còn đang rất dang dở.

 

Phát triển mạnh các trường nghề và hệ thống TCCN

 

Bộ trưởng cho rằng: Ở Việt Nam và một số nước Châu Á, chú trọng việc học là một điều rất đáng mừng nhưng đôi khi đã trở nên hơi thái quá khi quan niệm chỉ vào ĐH mới là đạt yêu cầu.

 

Ông Nhân phân tích: Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các bậc dạy nghề trung cấp nói chung khoảng 27-28%. Như vậy, trên 70% số người lao động Việt Nam đi làm mà không học bất cứ một cái gì với nghề mình định làm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đặt yêu cầu đề xuất phương án đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 50%.

 

Vì thế, chủ trương của ngành giáo dục là trong vòng 3 năm tới vừa tuyên truyền, vừa khuyến khích để học sinh thích học nghề hơn. Để hỗ trợ học sinh học nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, hiện nay Bộ GD-ĐT đang tập hợp dự kiến nhu cầu cả nước. Sẽ kiến nghị với Chính phủ nếu cần thiết, hỗ trợ một phần học phí để các em sớm học nghề. Sau khi có việc làm, có thể hoàn trả sau.

 

Đối với những em tốt nghiệp lớp 9 mà ít khả năng vào lớp 10 thì sẽ hướng dẫn chuyển sang học nghề. Việc này còn gọi là tránh cả hiện tượng “ngồi nhầm trường”, thay vì ngồi trường phổ thông thì sang trường nghề thì vẫn có đường phát triển.

 

Một “kỷ niệm” nhỏ cùng Dân trí

 

Có lần Dân trí đã “nhắc” hình như Bộ trưởng đã quên cái “Không đọc chép trong giảng dạy” - một cái “Không” mà ông đã từng khẳng định rằng sau khi  “làm rõ “Hai không” sẽ chuyển ngay sang “Không” thứ ba này.

 

Và Bộ trưởng đã lý giải: “Thực ra “Không đọc chép trong giảng dạy” chính là một “nhánh” của “không với tiêu cực và bệnh thành tích” rồi vì muốn không với tiêu cực và bệnh thành tích thì rất cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy”.

 

Có lẽ, Bộ trưởng không bao giờ quên điều gì mà chỉ vì ông luôn phải “cân đo đong đếm” xem những vấn đề gì cần được ưu tiên hơn. Ông còn tâm sự: Không phải là ngành đã nói không... nhiều quá. Về “gốc” thì luôn chỉ có “Không tiêu cực trong thi cử và không bệnh thành tích trong giáo dục” mà thôi.

 

Một năm đã trôi qua kể từ mùa hè nóng bỏng năm 2006 với khí thế của cuộc vận động “Hai không” lần đầu tiên được phát động trong ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã có vẻ trầm nhiều so với mùa hè năm ngoái. Nhưng, vẻ mặt của ông giờ đây bừng lên một niềm lạc quan, một niềm vui rất đỗi trong sáng khi ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng: “Tôi rất mừng vì nhân dân đã không trách ngành tổ chức thi nghiêm túc”.


 
Mai Minh