Những thầy giáo trồng lan cải thiện đời sống

(Dân trí) - Lương nghề giáo vốn không cao, nếu không muốn dạy thêm thì nhiều giáo viên phải làm thêm trái nghề để tăng thêm thu nhập. Và ở trường THPT Quang Trung (Củ Chi, TPHCM), câu chuyện những người thầy cùng lập “hội” trồng hoa lan để nâng thu nhập là một mô hình khá đặc biệt.

Những năm gần đây huyện Củ Chi nổi lên là nơi có nhiều vườn hoa lan cung cấp cho cả TPHCM. Không ít trong số đó có những giáo viên tham gia trồng loại hoa có hiệu quả kinh tế cao này. Không chỉ giúp mình khá hơn, những đồng nghiệp trong nghề giáo còn chia sẻ với nhau kinh nghiệm, phương pháp trồng để cùng phát triển. Người trước chỉ người đi sau và gần như có một “hội” những nhà giáo trồng hoa lan ở trường THPT Quang Trung.

Thầy Cải (phải) và thầy Quí (bìa trái) cùng trao đổi về kỹ thuật trồng hoa lan
Thầy Cải (phải) và thầy Quí (bìa trái) cùng trao đổi về kỹ thuật trồng hoa lan

Nhắc đến thầy Nguyễn Văn Cải - hiệu phó Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), hẳn nhiều người sẽ không quên được một tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Từ một cậu bé nhà nghèo mồ côi cha, mẹ mắc bệnh tâm thần nỗ lực học giỏi và trở thành thầy giáo dạy Văn, rồi nay phó hiệu trưởng của ngôi trường mình từng gắn bó thời THPT.

Cuối năm 2014, thầy Cải “đánh liều” đầu tư xây dựng vườn lan trên mảnh đất của ông ngoại để lại ở xã Trung Lập Hạ và người giúp khởi nguồn cho dự án này chính là người thầy đáng kính của mình - thầy Lê Đình Hoe (nguyên hiệu trưởng trường THPT Quang Trung). Thầy Cải chia sẻ về việc có thêm nghề tay trái này rằng: “Cả gia đình 7 người không thể trông chờ vào đồng lương giáo viên của mình và lương điều dưỡng của vợ được. Nếu không làm thêm nguồn khác thì khó chăm lo cho các con, cháu có cuộc sống tốt mà bản thân mình không thích dạy thêm”. Sau khi học hỏi kinh nghiệm trồng lan cũng như được chính sự động viên của thầy Hoe, thầy Cải mạnh dạn đầu tư cho vườn lan.

“Khởi điểm ban đầu cũng nhờ thầy Hoe, thầy Quang Hùng bán lại giống lan. Nói là bán nhưng thực chất các thầy vừa bán, vừa cho. Rồi hơn 900 cây do Trạm Khuyến nông Củ Chi phối hợp với Hội nông dân xã Trung Lập Hạ, Trung tâm khuyến nông TP tặng”, thầy Cải kể. Đến nay, vườn lan của thầy Cải đã có gần 2.000 cây lan Mokara cắt cành với nhiều chủng loại màu.

Cùng dạy chung trường THPT Quang Trung, thầy Nguyễn Hồng Quí - Trợ lý thanh niên trường cũng bắt tay cùng trồng lan như đồng nghiệp với hơn 500 cây lan Mokara trên mảnh đất gần 2.000m2. Về trường công tác từ năm 2003 với chuyên môn dạy Giáo dục Thể chất, thầy Quí chia sẻ rằng như nhiều giáo viên ở huyện ngoại thành ngoài thời gian dạy ở trường thì nhiều giáo viên không thể dạy thêm. Trước đó, thu nhập nghề giáo gần như không đủ trang trải cuộc sống nên thầy Quí thường tranh thủ làm thêm nghề chụp ảnh đám cưới. Nhưng từ khi chuyển sang phụ trách thêm công tác làm trợ lý thanh niên, tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh vào cuối tuần nên anh không thể nhận chụp ảnh được.

Thầy Nguyễn Hồng Quí- giáo viên trường THPT Quang Trung (Củ Chi) chăm sóc vườn hoa lan của mình
Thầy Nguyễn Hồng Quí- giáo viên trường THPT Quang Trung (Củ Chi) chăm sóc vườn hoa lan của mình

Từ 2 năm nay, thầy Quí bắt đầu chuyển sang trồng lan để phần nào cải thiện thu nhập. “Việc trồng hoa lan không làm mình mất nhiều thời gian chăm sóc như những công việc khác. Mỗi ngày chỉ cần tưới 1-2 lần nên không làm ảnh hưởng đến công việc của mình ở trường. Dù trồng ít cây nhưng hơn một năm nay mình đã thể cắt hoa bán cho thương lái”.

Không chỉ là đồng nghiệp ở trường, ngoài chuyên môn giảng dạy thầy Quí, thầy Cải và những giáo viên khác trong “hội” trồng lan còn có thể trao với nhau những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây hay những giống lan mới.

Theo thầy Quí chia sẻ, chưa thể gọi là có lãi nhưng mỗi tháng vườn lan nhà thầy cũng bán được khoảng 2 triệu đồng tiền hoa, bằng nửa lương tháng nghề giáo của thầy. Tương tự, thầy Cải cho biết vườn lan của mình đầu tư khá lớn nên chưa thể thu hồi vốn. Tuy vậy mỗi tháng thu nhập từ việc bán hoa lan cắt cành cũng được hơn khoảng 4 triệu đồng/tháng. Năm nay thời tiết không thuận lợi nên cũng ảnh hưởng đến lượng hoa bán dịp Tết nguyên đán, dù vậy thầy Cải cũng nhập thêm một số hoa ở nơi khác về bán.

Thầy Nguyễn Văn Cải chuẩn bị cho một chuyến giao hoa vào ngày giáp Tết nguyên đán này
Thầy Nguyễn Văn Cải chuẩn bị cho một chuyến giao hoa vào ngày giáp Tết nguyên đán này

Những ngày cận tết Đinh Dậu, thầy giáo Cải tất bật với những chuyến hàng đi giao hoa lan cho khách hàng khắp thành phố kịp chưng Tết Đinh Dậu 2017. Dù vất vả nhưng thầy Cải chia sẻ rằng mệt nhưng vẫn thấy vui vì phần nào mang lại sắc xuân cho nhiều người, nhiều nhà mà đó cũng là việc mang lại thêm thu nhập chân chính cho gia đình nhỏ của mình.

Câu chuyện trồng hoa tăng thu nhập của những thầy giáo ở trường THPT Quang Trung sẽ là một mô hình hay và minh chứng rằng giáo viên có thể sống tốt nhờ nghề tay trái.

Lê Phương