Những tiếng kêu cứu gửi tới Bộ trưởng

(Dân trí) - Tỷ lệ thuận với sự “xông pha” của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, đó là những lời kêu cứu của học sinh và giáo viên trong cả nước gửi tới ông. Chưa bao giờ, diễn đàn Edu.net lại có thư gửi đến cho Bộ trưởng nhiều đến như vậy.

“Bộ trưởng! Hãy cứu chúng cháu!”

 

Với nhan đề “Học sinh chúng cháu đã quá sức”, một học sinh có nickname là Thasanava kêu rằng, học sinh không còn sức chịu đựng, cả về thể chất lẫn trí tuệ.

 

Bộ trưởng có biết, chương trình thể dục của chúng cháu rất khủng khiếp. Chẳng hạn môn chạy bền, nếu là nữ, chúng cháu chỉ được một điểm nếu chạy với vận tốc là 4,3m/s và phải duy trì tốc độ này liên tục trong vòng gần 150s.

 

Chúng cháu là học sinh chứ đâu phải là vận động viên điền kinh. Nếu chúng cháu có ý kiến, giáo viên lại bảo rằng, đó là chương trình do Bộ GD- ĐT qui định, giáo viên chỉ biết làm theo.

 

Cho cháu hỏi bác một câu, những qui định đó các bác đặt ra liệu đã thử nghiệm chưa và có bao nhiêu phần trăm học sinh đáp ứng được yêu cầu đó?

 

Chúng cháu vẫn hay đùa nhau, các bác viết sách thế thôi chứ chắc chẳng bao giờ thực hành đâu. Nếu có thực hành, chỉ thực hành trên học sinh thôi. Có phải không Bộ trưởng?

 

Nick Thasanava tiếp tục: “Về giáo dục trí tuệ, chúng cháu còn nhiều điều muốn nói, chúng cháu là học sinh chứ đâu phải là một cái máy để các bác nhồi nhét, bắt ghi nhớ hết mọi điều trong sách giáo khoa.

 

Bác có biết, chúng cháu phải học cả một cuốn sách lịch sử, một cuốn sách địa lý và rất nhiều sách khác nữa cho một kỳ thi. Chúng cháu đâu có bộ nhớ 80G để nhét chúng vào đầu.

 

Các bác có thể cho rằng, đó là do chúng cháu không chịu học bài hằng ngày, nên mới nhồi nhét kiểu ấy. Nhưng nếu có thời gian, chắc chúng cháu học cũng không hết được từng ấy kiến thức.

 

Chúng cháu đâu phải là người đa năng để có thể học giỏi hết từ toán, lý hoá, sang cả văn, sử địa rồi ngoại ngữv.v... Khả năng chúng cháu là có hạn.

 

Chúng cháu chỉ là học sinh cấp ba chứ đâu phải là kiến trúc sư mà bắt chúng cháu thiết kế một căn nhà hai tầng, có cả phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh và vẽ lại cả mô hình truờng học trên khổ giấy A0.

 

Chúng cháu đâu phải là bác học để có thể nắm vững hết các công thức, hiểu được hết các các khái niệm trừu tượng mà nhiều người chưa biết. Thuyết tương đối của Einstein có bao nhiêu người hiểu tường tận mà các bác đưa vào chương trình vật lý 12?

 

Chúng cháu chỉ có một đầu và hai tay chứ đâu phải là người đặc biệt để có thể làm mỗi ngày 30 bài toán, 15 bài vật lý và soạn hai, ba bài văn. Đâu chỉ có một ngày, mà là hàng ngày, hàng tháng”.

 

Cuối cùng, nick Thasanava đưa ra kết luận: “Chúng cháu đã, đang và sẽ không còn sức chịu đựng với những gì mà các bác đề ra, các bác quy định”.

 

Một học sinh khác ở Đà Lạt lại gửi lời than phiền đến Bột rưởng rằng sao lại qua làm phiền chúng cháu vì chuyện... tham quan và lễ hội!

 

Cứ hai năm tổ chức một lần, thành phố chúng cháu lại tổ chức lễ hội hoa. Thế là học sinh, sinh viên sau khi học xong buổi chiều phải tập trung tập đồng diễn từ 17-19h00 chiều để phục vụ cho các ngày lễ hội hoa.

 

Sau khi tập xong thì mệt rã cả người, chúng cháu về nhà tắm rửa, ăn uống xong là muốn ngủ, chẳng học hành được gì. Lên lớp thì bị thầy cô la vì không thuộc bài. Việc tập luyện kéo dài khoảng hai tháng, cho đến tháng 12 diễn ra lễ hội mới xong. 

 

Sau đó, chúng cháu lại lao vào kỳ thi học kỳ mà chẳng học được gì nhiều.

 

Ngoài các lễ hội, chúng cháu còn phải tham gia các cuộc thi tìm hiểu, các lễ kỷ niệm ngày thành lập của các ngành, v.v... Để đối phó, chúng cháu chỉ việc photocopy các câu trả lời sẵn mà người ta phát cho. Nhưng cái quan trọng nhất là chúng cháu thấy các cuộc thi đó rất hình thức, mất thời gian vô ích”.

 

“Chúng tôi bị áp bức quá mức...”

 

“Thưa Bộ trưởng, giáo viên chúng tôi bị áp bức quá mức”, đó là  nhan đề mà nickname Fong bày tỏ những bức xúc của tập thể giáo viên THCS huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

 

Theo Fong, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Châu Thành và và ban giám hiệu các trường bày ra nhiều khoản buộc giáo viên đóng góp. Các khoản tiền đóng góp hỗ trợ lũ lụt, hỗ trợ người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học... và cả khoản mà  ban giám hiệu nhà trường ép giáo viên phải đóng tiền để xây nhà giáo viên!

 

Nick Fong kể: “Sau khi thi học kỳ hai, hoàn thành hồ sơ, chúng tôi vẫn phải có mặt đầy đủ ở trường cho đến ngày chính thức nghỉ hè, dù không có việc gì. Và chúng tôi phải tập trung đến trường từ ngày 15/8.

 

Bên cạnh đó, nhà trường áp đặt quá nhiều việc cho giáo viên chủ nhiệm lớp. Giáo viên phải có mặt đầy đủ các buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ, phải sinh hoạt ngoài giờ lên lớp hàng tuần vào thứ bảy.

 

Giáo viên phải lên kế hoạch đi thăm nhà học sinh hàng tuần, hàng tháng. Mỗi tháng phải đạt 40%-50% số nhà học sinh. Như vậy, chỉ làm giáo viên chủ nhiệm cũng chưa đủ thời gian chứ chưa nói gì đến giảng dạy”.

 

Nickname này cũng cho rằng Phòng Giáo dục - Đào tạo Châu Thành thiếu tình người. Cô giáo Tăng Kim Tiền công tác tại Trường THCS Thị trấn Minh Lương có chồng ở Cà Mau muốn xin chuyển công tác về Cà Mau, nhưng phòng không đồng ý vì lý do chưa đủ năm phục vụ. Vì hoàn cảnh khó khăn, khi cô làm đơn xin nghỉ việc, phòng ký ngay mà không có một lời động viên.

 

Tiếp tục bức xúc của mình, giáo viên này kể: “Nhà trường làm trái công văn của Bộ GD- ĐT. Trường tự ý tổ chức cho học sinh thi lại hai lần nhằm bảo đảm 100% học sinh lên lớp, ép giáo viên chủ nhiệm đăng ký sĩ số học sinh bỏ học 3%”.

 

Và điều mà người giáo viên này muốn gửi tới Bộ trưởng là: “Thưa Bộ trưởng, chúng tôi là giáo viên nhưng chúng tôi cũng là con người. Ngoài việc đi dạy, chúng tôi cũng còn có cuộc sống riêng tư. Nhưng bị áp buộc thế này, cơm chúng tôi còn chưa kịp ăn nói gì đến gia đình.

 

Nếu chịu không nổi, chúng tôi cũng đành nghỉ việc. Nhưng đã gắn bó với nghề, có người đã hơn 20 năm, chúng tôi thôi việc, về làm gì đây?

 

Nhóm PV Giáo dục