Những “tính toán” chi ly của một vị Bộ trưởng

(Dân trí) - Trung tuần tháng 7/2006, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chính thức tiếp quản cương vị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ngay sau khi nhận chức, ông đã phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Ngay từ cuộc vận động đầu tiên này, Bộ trưởng đã tỏ ra một người khá chi ly trong tính toán.

Các phép tính đến từ… trái tim

 

Có hai điều khá thú vị từ sự tính toán đầu tiên này của Bộ trưởng. Một là, tính toán trên hai sự hiện diện tưởng như vô hình là tiêu cực và bệnh thành tích. Bộ trưởng tính toán: Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích cơ bản không tốn tiền bao nhiêu, không đòi hỏi phải tăng chi phí đầu tư cho giáo dục. Tất cả chỉ nằm ở vấn đề nhận thức và cách làm. Thay đổi cách nghĩ, cách dùng người và cách dùng tiền của Nhà nước và xã hội để dạy và học, chúng ta sẽ tạo được chuyển biến ngay hôm nay và tạo tiền đề cho chuyển biến lớn hơn trong tương lai.

 

Điều  rất thú vị thứ hai là sau tất cả những sự tính toán trên thì cái đích của cuộc vận động này lại là cái mà ít người nghĩ tới: Vấn đề tăng lương cho giáo viên. Bộ trưởng Nhân cho biết ngành giáo dục phải làm tốt cuộc vận động này thì ngành mới có “thế” để xin Chính phủ cho tăng lương. Và khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành giáo dục không phải là tiêu cực và bệnh thành tích mà khó khăn lớn nhất là làm sao phải nâng cao đời sồng của giáo viên.

 

Lộ trình tăng lương của giáo viên cũng được tính toán rất chi ly: Với mức lương hiện nay là 1,4 triệu đồng/ tháng đối với bậc Tiểu học, 1,5 triệu đồng/ tháng bậc THCS và 1,8 triệu đồng/ tháng bậc THPT thì mức tăng dự kiến sẽ là 1,7 đến 1,8 lần, tức là 3,2 triệu đồng/ tháng với giáo viên Tiểu học; 3,4 triệu đồng/ tháng với giáo viên THCS và bậc THPT là 3,6 triệu đồng/ tháng. Với mức tăng này thì trong số ngân sách phân bổ cho ngành giáo dục dành cho việc chi lương chỉ tăng khoảng 2% (từ 37 nghìn tỷ đồng mỗi năm lên thành 41 nghìn tỷ đồng) và ngành giáo dục hoàn toàn có thể “gánh” được.

 

Về đề án tăng mức học phí - một Đề án cực kỳ nhạy cảm mà liên tục trong 3 năm, từ năm 2002 đến năm 2005, ngành giáo dục đã nhiều lần dền dứ nhưng không lần nào dám công khai đưa ra trước dư luận. Bộ trưởng Nhân đã tỏ ra rất tinh tế khi công bố quyết định  tăng học bổng và chính sách miễn giảm học phí trước khi đặt ra vấn đề tăng học phí. Và trước khi vén bức màn bí mật về lộ trình tăng học phí, ông cũng đã có những bước đi “bên lề” đầy thuyết phục để rộng đường dư luận cho sự ra mắt của Đề án này được “an toàn”.

 

Trước khi bản đề án được trình lên Chính phủ, Bộ sẽ có buổi làm việc với đại diện giáo viên, sinh viên, các cán bộ quản lí để tìm được tiếng nói chung. Bộ trưởng tính toán: Việc thiết kế mức thu sẽ tính đến khả năng chi trả của người đi học và thu nhập của gia đình. Theo đó, mức học phí sẽ chiếm từ 4-6% thu nhập của gia đình. Mức thu nhập của gia đình ở thành thị và nông thôn khác nhau nên mức học phí cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, điều này phải thực hiện trên nguyên tắc dù vùng khó khăn đóng học phí thấp, nhưng Nhà nước phải chi nhiều hơn để chất lượng đào tạo không quá chênh lệch.

 

“Vòng tròn” giải pháp

 

Rất dũng cảm, ngay sau khi giữ cương vị Bộ trưởng, người đứng đầu ngành giáo dục đã công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng một loạt Đề án, Dự thảo của ngành - Những đề án, dự thảo được dư luận đánh giá là những “cơn mưa” rất kịp thời.

 

Một trong những “cơn mưa” kịp thời đó là Dự thảo Dạy thêm, Học thêm. Khi để cho dư luận xã hội cùng tập tập trung vào mổ xẻ căn bệnh trầm kha này, ngành giáo dục thực sự đã có bước đi rất đúng đắn.

 

Và quả thật, nếu như trước đây ngành giáo dục cố che đậy, dung túng căn bệnh này nên đã khiến nó trong vòng 10 năm qua trở thành một thảm hoạ không chỉ cho riêng ngành giáo dục thì nay lôi nó ra trước ánh sáng, dạy thêm không còn là một “căn bệnh” phải quá lo ngại. Sau hơn 20 ngày trưng cầu dân ý, rất nhiều ý kiến đã cho rằng dạy thêm không phải là hiện tượng đáng lên án và đã chỉ ra rất rõ căn nguyên thực sự của căn bệnh này là gì.

 

Chính vì thế, phân tích của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về hiện tượng này và những giải pháp mà ông đưa ra đã rất chiếm được cảm tình của dư luận. Ông cho rằng bản thân việc dạy thêm học thêm không có gì là xấu, vấn đề là động cơ của người dạy.

 

Khi đề cập về động cơ người dạy, Bộ trưởng Nhân đã chỉ ngay ra rằng đó chính là vấn đề phải tăng lương cho đội ngũ giáo viên. Một vấn đề đã được tính toán kỹ càng và thấu đáo.

 

Trong vòng 10 năm qua, lần đầu tiên ngành giáo dục tự thiết lập được cho mình một vòng tròn giải pháp khá hoàn hảo như vậy.

 

Mai Minh