Những trường đại học trên... bản vẽ!

Chỉ tính từ năm 2007 đến đầu 2008, cả nước có thêm gần 40 trường ĐH mới thành lập hoặc được nâng cấp từ trường CĐ lên. Hiện các trường này đang “chạy nước rút” chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy để kịp đón nhận lứa sinh viên đầu tiên năm 2008.

Hầu hết các trường đều phải thuê mướn trụ sở cho kịp kế hoạch tuyển sinh năm nay.

Cơ sở, chuyện của... tương lai

Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM vừa thành lập. Ban giám hiệu tuyên bố: Mục tiêu của ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM là trở thành một trường ĐH toàn diện, đẳng cấp thế giới với cơ sở đầu tiên tại TP.HCM. Theo đó, khuôn viên của trường được xây dựng trên diện tích 50 ha tại khu Nam Sài Gòn, cung cấp cho sinh viên môi trường giáo dục hiện đại với các trang thiết bị, phòng ốc tương tự như ĐH tại Hoa Kỳ nhưng lại mang dáng vẻ, tính chất rất Việt Nam. Nhưng hiện tại ngôi trường hiện đại này chỉ mới phát triển đến công đoạn... đã vẽ ra trên giấy. Còn trước mắt, cơ sở của trường đều phải thuê mướn ở ba nơi: Cơ sở 1 tại số 214 đường Pasteur, phường 6, quận 3, TP.HCM; cơ sở 2 tại 73 Ngô Thời Nhiệm, phường 6, quận 3, TP.HCM; cơ sở 3 tại 7A Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thành, quận Tân Phú, TP.HCM.

Theo kế hoạch, Trường ĐH FPT sẽ tuyển 1.200 sinh viên tại cả ba cơ sở của trường ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Dự kiến năm đầu tiên, mỗi cơ sở của ĐH FPT ở Đà Nẵng và TP.HCM sẽ có từ 200 đến 300 sinh viên theo học. Những năm sau, các cơ sở sẽ mở rộng quy mô đào tạo. Đến năm 2015, dự kiến ĐH FPT sẽ có 10 ngàn sinh viên tại Đà Nẵng và 15 ngàn sinh viên tại TP.HCM. Để chuẩn bị cơ sở trường lớp cho khối lượng sinh viên đông đúc nói trên, Ban giám hiệu Trường ĐH FPT cho biết: Tại Hà Nội, Trường ĐH FPT sẽ xây dựng một quần thể ĐH hiện đại tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự kiến đưa vào sử dụng tháng 9-2009. Tại Đà Nẵng, trường đã được quy hoạch khu đất 25 ha để xây dựng trường.

Nhưng đó là kế hoạch lâu dài, còn trước mắt ở Đà Nẵng, ĐH FPT đào tạo tạm tại một cơ sở ở quận Hải Châu; tại TP.HCM, trường thuê ba tầng của tòa nhà Innovation thuộc Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, TP.HCM) để làm trường học; và văn phòng điều hành của ĐH này tại đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 cũng thuê của Trường trung cấp Kỹ thuật đường sắt 2.

Chưa thấy trường, đã tuyển sinh

Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định có một cơ sở tại 285/291 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM, được thuê lại từ một câu lạc bộ thể thao. Nhìn vào cơ sở nhỏ hẹp này, khó có thể hình dung được với 900 chỉ tiêu tuyển sinh năm nay các tân sinh viên sẽ được bố trí học tập như thế nào cho hiệu quả! Tuy cơ sở chỉ có bấy nhiêu nhưng vào mùa tuyển sinh năm nay, trường đã cho in tờ bướm giới thiệu cơ sở 1 của trường (tại huyện Củ Chi, TP.HCM) rất hiện đại và có cả khu ký túc xá cho sinh viên, gồm ba dãy nhà liền kề cũng hoành tráng. Nhưng trên thực tế, những hình ảnh này cũng chỉ còn... trên bản vẽ.

Đặc biệt hơn có lẽ là Trường ĐH Việt-Đức. Trường chưa xây xong đã chuẩn bị tuyển sinh. Cuối tháng 2-2008, khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long đã làm việc với UBND tỉnh Bình Dương về việc đề nghị UBND tỉnh Bình Dương có công văn trình Chính phủ cho phép quy hoạch xây dựng Trường ĐH Việt-Đức với diện tích trên 20 ha trên vùng đất của ĐH Quốc gia TP.HCM thuộc huyện Dĩ An, Bình Dương. Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tuy nhiên cho đến nay, hình hài về ngôi trường này trên thực tế vẫn chưa thấy đâu. Trong khi đó, trường này đã có kế hoạch tuyển sinh gửi Bộ GD-ĐT xem xét, dự kiến sẽ tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên các ngành kỹ thuật, kinh tế, quản trị kinh doanh. Chương trình đào tạo của Đức, giảng dạy bằng tiếng Anh...

Theo Trương Hiệu
Pháp luật TP. HCM