Giáo dục đại học Singapore:

Những việc Bộ trưởng làm để xây một trường ĐH mới

(Dân trí) - Để xây dựng một trường đại học mới, Bộ trưởng Bộ giáo dục Singapore mới đây đã quyết định dẫn một phái đoàn tới thăm một số trường ĐH ở Hoa Kỳ và Châu Âu nhằm học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm những mô hình đào tạo phù hợp với đảo quốc này.

Đặc biệt là sau khi dẫn phái đoàn gồm 13 người trở về, Bộ trưởng Giáo dục Singapore Lui Tuck Yew đã tổ chức buổi thảo luận với các sinh viên và dân chúng. Phái đoàn đã báo cáo lại những kinh nghiệm thu thập được và lấy ý kiến đóng góp trước khi đi đến quyết định về một mô hình hoạt động cho trường đại học mới này.

Có hai trường ĐH Hoa Kỳ đã “lọt vào mắt xanh” của phái đoàn Singapore.

Một là trường ĐH Northeastern có trụ sở tại Boston với phương thức đào tạo yêu cầu sinh viên phải tham gia ba chương trình thực tập, mỗi chương  trình kéo dài 6 tháng trong suốt thời gian học tập trong trường ĐH.

Thứ hai là trường ĐH Babson, xếp vị trí số 1 tại Hoa Kỳ về chương trình đào tạo kinh doanh, trong đó tất cả các sinh viên đều phải thành lập và điều hành một công ty trong suốt thời gian học tập tại trường.

Sau chuyến viếng thăm, phái đoàn trở về Singapore và tổ chức buổi thảo luận với sự tham gia của các nhóm sinh viên trường ĐH kỹ thuật.

Trong buổi thảo luận này, Bộ trưởng Lui Tuck Yew đã kể lại những đặc điểm thú vị ở các trường mà phái đoàn đã tới thăm.

Phái đoàn tới thăm một số trường ĐH nghệ thuật tự do Hoa Kỳ, bao gồm trường Amherst, Swarthmore, và trường Harvey Mudd, đồng thời họ có buổi nói chuyện với sinh viên Singapore đang học tập tại các trường ĐH này.

Cách thức đào tạo ở các trường ĐH này đã gây ấn tượng mạnh cho các thành viên trong phái đoàn. Sinh viên không chỉ phải học tập, hiểu biết toàn diện về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội mà còn được khuyến khích suy nghĩ phê phán, những kiến thức tổng hợp và khả năng suy nghĩ đa chiều.

Tuy vậy Bộ trưởng cho biết rằng phái đoàn cũng lưu ý về chi phí khá cao mà sinh viên phải bỏ ra để theo học những trường ĐH này.

Sinh viên tại đây phải trả khoản tiền học phí hàng năm là 45 nghìn USD, nhưng đây cũng chỉ mới là một nửa tổng chi phí một sinh viên phải chi cho một năm học.

Mọi người đều có nhận xét rằng trong số những trường ĐH kỹ thuật và ứng dụng mà nhóm tới thăm tại châu Âu và Hoa Kỳ, phần lớn các trường đều tập trung vào việc hỗ trợ sinh viên lĩnh hội được những kỹ năng cần thiết để thành công trong sự nghiệp sau này.

Các sinh viên có cơ hội quan sát, tìm hiểu về thực tế thông qua việc nghiên cứu việc giải quyết những vấn đề thực tế, những bài tập lớn tổng hợp cùng những giáo viên trợ giảng đang làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp tham gia giảng dạy tại trường.

Giá trị của phương thức đào tạo này chính là mức lương hàng đầu mà những sinh viên tốt nghiệp có thể được nhận. Ví dụ như sinh viên tốt nghiệp trường ĐH ứng dụng khoa học miền Đông Thuỵ Sĩ được hưởng mức lương cao hơn hẳn những sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH truyền thống bởi vì họ có khả năng “thích ứng công việc một cách nhanh chóng”.

Những sinh viên cùng tham gia buổi thảo luận với Bộ trưởng cũng đã có ý tưởng về phương pháp đào tạo gắn liền với công việc này từ lâu. Khi được hỏi về quan điểm về một trường ĐH hệ 4 năm tương lai, họ đều nhất chí rằng cần có nhiều bài tập lớn và nghiên cứu liên quan tới công việc thực tế hơn nữa.

Bộ trưởng cho biết thêm rằng trong tất các các vấn đề được đưa ra thảo luận, các sinh viên bày tỏ mối lo ngại lớn nhất về danh tiếng của trường ĐH mới, cho rằng Chính phủ cần phải đảm bảo rằng ngôi trường mới không trở thành một trường ở mức trung bình.

Bộ trưởng cho biết ngôi trường ĐH mới hệ bốn năm này sẽ có nhiều đặc điểm mới rất linh hoạt. Bộ cũng sẽ tổ chức các buổi thảo luận với sinh viên cao đẳng, các ban ngành và cha mẹ học sinh để trưng cầu thêm ý kiến đóng góp. Công chúng cũng sẽ được mời cùng tham dự buổi hội thảo thông qua một diễn đàn trên mạng.

 

Mai Hương

Theo Straits Times