Niềm tin từ chuyện xưa thầy kể

Trong suốt cả đời người học hành, văn võ, tôi là một học trò của nhiều thầy, cô giáo. Năm tháng trôi qua, thế mà từng giọng nói, cử chỉ dạy bảo, rèn giũa của thầy cô trên giảng đường, bãi tập vẫn không bao giờ phai nhạt trong tôi.

Niềm tin từ chuyện xưa thầy kể
 
Có thầy dạy tôi học chữ, học nghĩa. Có thầy dạy tôi tư thế, tác phong đi đứng, lời chào hỏi thân thiện, cái bắt tay xã giao bạn bè, kính trên, nhường dưới. Tất cả đều lắng đọng trong tôi thật nhiều kỷ niệm không bao giờ quên được.

Trong số những người thầy dạy chữ, dạy nghĩa, thầy giáo Hoàng Văn Tốt, quê ở thôn Làng Tuống, xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã để lại trong tôi dấu ấn thật sâu sắc trong suốt cả đời người mưu sinh ngược xuôi Nam, Bắc.

Thầy Tốt chỉ dạy tôi có một năm thôi, đó là năm học 1964 - 1965. Thời ấy, tôi mới hơn mười tuổi, đang học lớp 4 phổ thông, năm cuối của cấp Tiểu học bây giờ. Đây còn là năm học đầu tiên trường học các cấp toàn miền Bắc phải đối mặt với cuộc chiến tranh ác liệt bằng không quân của giặc.

Để bảo đảm an toàn cho trường, lớp học, với cương vị hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp I Mỏ Tuống, thầy tôi đã quyết định sơ tán cả 4 lớp học của nhà trường vào các hang đá trong núi Sa Choong, một địa danh thuộc xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng để tiếp tục duy trì trường, lớp. Nhờ đó, tôi vẫn còn được học tiếp cho tới mãi những năm sau này.

Hàng ngày đến lớp, thầy trò ai nấy đều phải đội mũ rơm, khoác vành lá nguỵ trang trên lưng để che mắt máy bay địch. Lớp học của tôi và lớp 3, hai lớp lớn tuổi nhất trường được bố trí ở mãi tận một hang đá trên sườn núi dốc đứng khoảng 40 độ, cách mặt đất chừng 200 mét.

Ngày nào cũng vậy, thầy, trò chúng tôi dắt díu nhau cắp cặp sách, vở leo lên, trượt xuống ít nhất hai lần mệt lừ, hổn hển thở ra cả mang tai mà vẫn hồn nhiên, vui nhộn.

Cực nhất là vào những ngày trời mưa, thời tiết ẩm ướt, đường trơn, chẳng may thầy trò trượt chân ngã lấm lem bê bết, rồi cứ thế vào lớp dạy và học. Vậy mà thầy, trò chỉ nhìn nhau cười xòa, thương cảm, chẳng ai ca thán, phàn nàn gì.

Những năm tháng ấy, đời sống vật chất của các thầy, cô giáo thật kham khổ, thiếu thốn nhiều thứ lắm. Hàng tháng, mỗi người chỉ được 13 kg gạo cùng với mấy chục đồng lương Nhà nước cấp. Ngoài ra, chẳng còn khoản thu nhập gì thêm. Thế mà, sự nghiệp làm thầy của các thầy, cô giáo thời đó sao mà công tâm, tận tụy đến thế. Các thầy, các cô luôn coi chúng tôi, những học trò của mình thân thiện, gần gũi như chính con em của thầy, cô vậy.

Bao năm đã qua rồi, mỗi khi nhắc đến thủa học trò là những kỷ niệm xưa lại ùa về thật ấm cúng, sâu sắc. Riêng thầy tôi, thầy Hoàng Văn Tốt, một người thầy giáo có phong cách thật hoạt bát, giản dị, khiêm nhường.

Thầy là một nhà giáo dễ gần, được nhiều học trò yêu mến. Thầy tốt tính như chính cái tên mộc mạc mà các cụ thân sinh đã đặt cho thầy. Với tôi, ông là một thầy giáo dạy giỏi, cởi mở, thương trò, điềm đạm, mát tính.

Được học với thầy, từ những bài giảng sang sảng trên bục tới những lời khuyên bảo nghiêm khắc, độ lượng, nhẹ nhàng sao mà thấm sâu vào lòng người đến thế. Hàng tuần, môn học lịch sử và kể chuyện ngoại khóa của thầy đã tạc khá sâu vào tâm trí của tôi từ thủa thiếu thời.

Với chất giọng ấm áp, truyền cảm, say xưa của thầy, giờ học lịch sử làm cho tôi cứ mường tượng thấy từng bức tranh quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam trên đất nước này từ thời xa, xưa lần lượt tái hiện trở về với bao sự kiện truyền thống văn hiến, kiên trung, quật cường, nhân nghĩa.

Rồi những giờ nghe thầy kể chuyện tưởng chừng như chỉ là một môn phụ để tham khảo, giải khuây thôi, thế mà lại trở thành một kỷ niệm sâu sắc nhất của đời học trò đối với thầy giáo của mình.

Ngày nào cũng vậy, cứ sau giờ cuối của các buổi học, thầy tập trung cả lớp 3 và 4 lại để kể một đôi câu chuyện lịch sử, cổ tích, dân gian hoặc chuyện cười…

Có chuyện thầy kể thật ngắn gọn, dí dỏm, có chuyện lại khá dài, thầy phải kể đến 4, 5 ngày mới hết. Nhưng chúng tôi ai cũng cứ ngẩn người ra mà nghe như cố nuốt lấy từng lời thầy kể.

Liên miên suốt cả năm học, hết chuyện này, thầy lại có chuyện khác kể ngay. Chuyện nào thầy kể cũng thật là hay, mà thầy chỉ toàn nói vo thôi, không cần tới sách vở.

Các câu chuyện thầy kể, chuyện nào cũng có những nhân vật hung hãn, dữ tợn, đại diện cho giai cấp thống trị xấu xa, mưu mô, gian ác xen lẫn với các nhân vật là những người nông dân lương thiện, bần cùng suốt ngày lam lũ, lặn lội mưu sinh.

Rồi có những chàng trai, cô gái ham học, chăm làm, gồng mình vươn lên vượt qua luật tục, mưu trí, dũng cảm, kiên cường đấu tranh với cái ác, cái lạc hậu để giành lấy tình yêu, hạnh phúc và cuộc sống no ấm cho mình, cho dân làng.

Cái hậu súc tích, nhân văn của các câu chuyện thầy kể là cứ mỗi khi cái thiện, cái ác tranh chấp, giành giật nhau trên bờ vực của đỉnh điểm hiểm nghèo thì các ông tiên, ông bụt và những chàng trai, cô gái của thế giới thần tiên hóa thân thành những chàng, những cô cóc, nhái, rắn, rết… kịp thời đến cứu nhân, độ thế, mang lại hạnh phúc cho dân lành.

Sức mạnh đoàn kết, ý trí kiên cường của người dân bần hàn cùng với quyền lực thần bí của các bậc thần tiên cứ ngày càng thấm sâu mãi trong lòng tôi niềm tin vào những con người trung thực, lương thiện của các câu chuyện thời xưa, và ngày nay ở trên trần gian, dương thế này cũng vẫn luôn được các thế lực siêu nhiên trông coi, bảo trợ.

Mãi cho đến giờ, tôi vẫn luôn tin rằng, trong thế giới trường tồn của vạn vật, nhân sinh, các vị thần tiên thời xưa và những người hiền tài ngày nay luôn có mặt ở khắp mọi nơi để dẫn dắt chúng sinh, kịp thời giải hạn, diệt trừ ác bá, mang lại hạnh phúc cho toàn dân, bách tính.

Nhớ những câu chuyện xưa thầy kể, tôi ước ao mình có cơ hội làm được một việc gì đó có nghĩa cho dân, cho bà con hàng xóm. Thầy Hoàng Văn Tốt, người đã nhen nhóm, đốt lên ngọn lửa rực sáng trong tôi về niềm tin, khát vọng học tập, làm theo những tấm gương hiền tài trong các câu chuyện ngày xưa thầy kể.
 
Theo Giáo dục & Thời đại