Niềm vui “kỳ lạ” của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân

(Dân trí) - Tiêu cực trong giáo dục gia tăng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thấy vui; số học sinh yếu kém tăng - Bộ trưởng Nhân cũng thấy vui. Từ trước đến nay, có lẽ ngành giáo dục nước nhà chưa từng xuất hiện một vị Bộ trưởng có những niềm vui lạ như vậy.

Trăn trở buồn - vui

 

Dân trí đặt câu hỏi: Bộ trưởng có thấy sợ khi song hành cùng cuộc vận động “Hai không” là các vụ tiêu cực bùng lên với tốc độ chóng mặt, đến mức một lãnh đạo của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương phải giật mình: “Có tờ báo một ngày đưa đến 17 vụ tiêu cực trong ngành giáo dục!”? Bộ trưởng Nhân trả lời: “Tại sao tôi lại sợ? Tôi phải vui mới đúng chứ!”

 

Niềm vui “kỳ lạ” này được lý giải: Tiêu cực từ trước đến nay tồn tại trong ngành giáo dục như những khối ung nhọt mà cơ chế quản lý cũ không làm sao cho nó vỡ ra được, vì thế nó cứ tồn tại âm ỉ và gây đau đớn không nguôi cho ngành giáo dục. Nay vỡ ra, có thể ban đầu khiến ngành cũng như dư luận choáng váng nhưng phải vỡ ra thế thì mới có thể lành và khoẻ mạnh lại được.

 

Song niềm vui này chứa chất nhiều trăn trở. Không ít lần, ông Nhân âu lo: “Tại sao dư luận nhìn đâu cũng chỉ thấy cái xấu, cái tiêu cực trong ngành giáo dục?” Chính vì thế, nhiều khi chỉ mới nghe thông tin ở đâu có những tấm gương tốt trong giáo dục, ông sẵn sàng lặn lội đến thăm. Mỗi chuyến đi như vậy là mỗi sự khao khát cháy bỏng của Bộ trưởng Nhân vào tương lai “khỏi bệnh” của ngành giáo dục.

 

Thời gian các vụ tiêu cực nổ ra dữ dội mà tâm điểm rơi vào đạo đức nhà giáo và những vụ tiêu cực nhạy cảm lại trùng vào những ngày lễ của các nhà giáo Việt Nam, ông Nhân đã viết thư cho các thầy cô giáo tha thiết kêu gọi: “Xin các thầy cô hãy thổi bùng lên ngọn lửa nhệt tình và lương tâm nhà giáo”.

 

Và quả thật, các vụ tiêu cực đã giảm dần theo thời gian 6 tháng, môi trường giáo dục đã bắt đầu trong lành hơn.

 

“Chiều” theo Bộ trưởng?

 

“Năm nay, số học sinh giỏi và khá giảm đi rất nhiều, từ 70% - 75% xuống chỉ còn 50%, trong khi đó, số học sinh yếu kém tăng lên 2-3 lần. Tuy nhiên, qua khảo sát tại Nghệ An và Phú Thọ, rất nhiều phụ huynh yêu cầu các giáo viên cứ nghiêm khắc để con em họ có động lực học tập” - Đó chính là niềm vui “kỳ lạ” thứ hai của Bộ trưởng Nhân.

 

Ông không giấu giếm: “Chúng tôi vui khi tỷ lệ học sinh giỏi giảm và trung bình, kém tăng. Vì chúng tôi đang tập trung chống bệnh thành tích trong giáo dục. Điều này khiến giáo viên, cha mẹ học sinh không bị sức ép, còn học sinh sẽ hiểu mình cần phải phấn đấu tốt hơn”.

 

Tuy nhiên, sự “nhiệt tình” tăng… học sinh yếu kém của các địa phương khiến dư luận không khỏi lo ngại rằng liệu có phải họ đang muốn “chiều” theo niềm vui của Bộ trưởng Nhân? Lịch sử của ngành giáo dục cho thấy, nếu Bộ trưởng nào thích thành tích, các cơ sở giáo dục sẽ ồ ạt chạy theo thành tích.

 

Nay xu thế đang theo hướng ngược lại, liệu có khiến các cơ sở giáo dục sợ những tỷ lệ khá, giỏi? Điều này cũng sẽ khiến ngành giáo dục đi thụt lùi.

 

Dù vậy, niềm vui này của Bộ trưởng Nhân cũng là hết sức chính đáng khi cái đích của ông chính là sự đi lên của nền giáo dục nước  nhà.

 

Mai Minh