Nợ một môn, học lại cả năm

Em Lê Văn Đồng, học sinh Trường Trung học Tư thục Tin học Kinh tế Sài Gòn, bị nợ môn Anh văn và phải học lại cả năm. Đồng thắc mắc: "Em không hiểu sao chỉ thiếu điểm 1 môn mà phải học lại nhiều đến vậy”.

Quả thật, quy chế “trái khoáy” này không chỉ gây khó khăn cho người học mà còn gây lãng phí thời gian và tiền bạc cho xã hội.

 

Quy chế nó thế

 

Vì hoàn cảnh Đồng khó khăn, nhà trường đã tạo điều kiện cho em làm công tác quản lý hệ thống máy tính, được trả lương và giảm 50% học phí để tiếp tục theo học. Do nợ môn Anh văn, Đồng phải học lại 1 năm và phải học lại tất cả những môn đã học của năm trước.

 

Những trường hợp như Đồng không phải là hiếm. Thống kê của Trường Trung học Lương thực thực phẩm 2 cho biết, 20% (83 em) học sinh THCN khóa 2004-2006 bị lưu ban năm thứ nhất chỉ vì 1 môn học có điểm dưới 4. Trường Trung học Nông nghiệp TPHCM cũng có nhiều học sinh bị lưu ban chỉ vì thiếu điểm 1 môn thi như thế.

 

Khi làm việc tại trường này, chúng tôi đã thấy 5 học sinh kéo nhau lên phòng Hiệu trưởng vì bức xúc “sao phải lại học 1 năm” và xin “chỉ học những môn bị thiếu mà thôi”.

 

Trả lời về vấn đề này, bà Hà Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Quy định của Bộ GD-ĐT như vậy, nhà trường không thể thay đổi được”.

 

Học lại cả năm vì chưa qua môn... thể dục

 

Ông Nguyễn Đại Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT: Sẽ sớm có những điều chỉnh về quy chế

 

Nợ 1 môn học, trả cả năm học. Đó là điểm chưa khắc phục được của Quy chế 29. Tôi không nói quy chế đào tạo của hệ THCN hiện hành là hoàn chỉnh. Nhưng muốn đào tạo theo tín chỉ thì bản thân các trường THCN của chúng ta phải cố gắng hơn nữa.

 

Vụ Giáo dục chuyên nghiệp sẽ sớm có những điều chỉnh về quy chế để trình lên bộ trưởng.

 

Rất nhiều trường hợp không thiếu điểm môn học chuyên ngành, chỉ chưa đạt những môn “phụ” như thể dục, giáo dục quốc phòng cũng bị học lại. Theo thống kê của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, học sinh hệ THCN khóa 2004-2006 năm nay có 30 bạn phải lưu ban chỉ vì thiếu điểm môn thể dục.

 

Ông Hà Thế Vinh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Trung học Kỹ thuật Nghiệp vụ Phú Lâm, cho rằng quy chế đào tạo THCN của Bộ GD-ĐT (Quy chế 29) có nhiều điểm làm khổ học sinh, đặc biệt là những học sinh khá.

 

Theo quy định, khi lưu ban những môn học trên 7 điểm được bảo lưu kết quả. Tuy vậy, học sinh lỡ lưu ban vẫn phải bám lớp, thi cử và làm tất cả các nhiệm vụ của lớp theo học như mọi học sinh khác. Song song với quy định này là học sinh phải đóng toàn bộ học phí của 1 năm học. Như vậy, dù học khá học sinh vẫn chịu mất 1 năm để học lại.

 

Ông Trần Quang Khải, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Trung học Lương thực thực phẩm 2, đề nghị: “Nếu hệ THCN được đào tạo theo tín chỉ như bậc ĐH thì người học sẽ dễ dàng hơn”.

 

Không chỉ người học bị làm khổ, nhà trường cũng bị “quay vòng theo”. Đó là việc phải sắp xếp lớp cho học sinh cũ - mới phù hợp, tổ chức thi lại đến 3 lần...

 

Theo Người Lao Động