Nở rộ chương trình đào tạo đại học chất lượng cao

(Dân trí) - Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực vừa có kiến thức chuyên môn tốt, vừa có năng lực tiếng Anh và kỹ năng làm việc tốt ngày càng cao. Để đáp ứng nhu cầu đó, các trường đại học đã và đang phát triển những chương trình đào tạo chính qui bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế dưới những hình thức và tên gọi khác nhau.

Vậy thực trạng hình thành và phát triển các chương trình này như thế nào? Đặc điểm các chương trình này ra sao?

Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao

Dưới tác động của toàn cầu hóa, nền giáo dục của Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng các trường và các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài.

Sự tăng trưởng này xảy ra ồ ạt nhất ở giáo dục bậc đại học, với sự xuất hiện nhiều chương trình đào tạo đại học 100% vốn nước ngoài (RMIT, British University, Raffle University...) và liên kết với các trường đại học quốc tế nhằm mang lại những chương trình đại học theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu du học tại chỗ và nâng cao nhận thức của xã hội về hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo.

PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sự tăng trưởng này đã và đang đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế của các tổ chức, các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Bộ GD&ĐT đã ủng hộ các trường phát triển các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh để từng bước tăng tính liên thông của các chương trình đào tạo chính qui của các trường đại học.

Từ năm 2006, các chương trình đại học chính qui bằng tiếng Anh đã được từng bước triển khai ở các trường đại học dưới các hình thức như chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo cử nhân tài năng, chương trình đào tạo cử nhân bằng tiếng Anh, chương trình chất lượng cao.

Đặc điểm của các chương trình này là các chương trình chính qui, đào tạo các môn ngành và chuyên ngành bằng tiếng Anh trên cơ sở chuyển giao công nghệ của các trường đối tác trên thế giới, bằng do các trường đại học Việt Nam cấp.

207 trường tổ chức đào tạo chương trình bằng tiếng Anh

Về chương trình tiên tiến (CTTT), theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đến nay, trong cả nước đã có 23 trường đại học triển khai thực hiện 35 chương trình đào tạo tiên tiến trên cơ sở phát triển chương trình của 22 trường đại học trên thế giới. Hầu hết các CTTT phối hợp với các trường đối tác nước ngoài thuộc top 200 trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng là chương trình đào tạo đặc biệt nhằm tiếp cận ngay chuẩn mực chất lượng khu vực, quốc tế đối với một bộ phận sinh viên giỏi trong một số ngành đào tạo mũi nhọn ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

Sinh viên tốt nghiệp đáp ứng các yêu cầu: có kiến thức cơ bản vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi và năng lực sáng tạo cao. Khoá luận tốt nghiệp có giá trị khoa học, có thể được công bố trên tạp chí khoa học, báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành; có trình độ tiếng Anh (hoặc một ngoại ngữ khác) tốt về cả bốn kỹ năng: đọc, viết, nghe, nói; có thể giao tiếp, trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài về chuyên môn và những vấn đề xã hội thông thường.

Việc tổ chức đào tạo các chương trình chất lượng cao bắt đầu xây dựng kế hoạch triển khai từ năm 2010 tại một số cơ sở đào tạo tại phía Bắc. Tuy nhiên, chính thức được các cơ sở giáo dục tổ chức tuyển sinh và đào tạo từ khi có Công văn số 5746/BGDĐT-GDĐH, ngày 29/8/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc tuyển sinh đào tạo chất lượng cao.

Việc triển khai đào tạo chương trình này dưới các tên gọi khác nhau như: chương trình đào tạo chất lượng cao; chương trình đạo tạo đặc biệt chất lượng cao, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế,...

Mặc dù có tên gọi khác nhau nhưng nhìn chung thực trạng việc tổ chức triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao được xây dựng trên cơ sở chương trình đại trà đang đào tạo tại các cơ sở giáo dục có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: bổ sung thêm các học phần ngoại ngữ nâng cao, tham khảo chương trình đào tạo của nước ngoài, tài liệu giảng dạy chính phần lớn là giáo trình của các trường đại học nước ngoài, sinh viên phải viết khóa luận bằng tiếng Anh,...

Ngoài các môn giáo dục đại cương, khoa học chính trị Mác Lê nin, khoa học xã hội dạy bằng tiếng Việt, các môn học chuyên ngành, tuỳ thuộc vào đội ngũ giảng viên sẽ tổ chức giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc dạy bằng tiếng Việt nhưng phải có giáo trình bằng tiếng Anh và slide tiếng Anh.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2005 đến nay đã có 39 trường đại học/ 207 trường đại học trên cả nước tổ chức đào tạo 142 chương trình đào tạo có giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh với nhiều tên gọi và cách thức tổ chức khác nhau. (Số lượng chương trình này không tính đến các chương trình liên kết đào tạo quốc tế do nước ngoài cấp bằng, các chương trình đào tạo của các trường đại học suất sắc được tổ chức đào tạo theo chương trình và các điều kiện cấp bằng của trường nước ngoài)

Sẵn sàng trả mức phí cao để theo học

Các chương trình đại học chính qui bằng tiếng Anh có phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm và tích cực áp dụng mô hình thực tiễn vào học tập; thảo luận nhóm; thuyết trình; làm seminar thực hiện các bài tập hình huống, tham quan thực địa tại các doanh nghiệp.

Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý tham gia giảng dạy các chương trình này đều có trình độ cao, được đào tạo tại nước ngoài và có kinh nghiệm để tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh. Một số trường cũng trực tiếp mời các giảng viên nước ngoài giảng dạy các học phần để tăng tính quốc tế của chương trình.

Ngoài đội ngũ giảng viên nước ngoài, các chương trình này đều có tỷ lệ tham gia giảng dạy từ 10 - 30% của các giảng viên đến từ cơ quan thực tế.

Theo xu hướng chung thì nhu cầu vào học các chương trình này ngày càng cao và cơ hội chọn lọc cho sinh viên này cũng cao dần qua các năm. Nhờ vậy mà cơ hội việc làm với các sinh viên của những chương trình này cũng cao hơn các chương trình truyền thống.

Về cơ sở vật chất thì các trường đều ưu tiên đảm bảo chất lượng dạy và học cho giảng viên và sinh viên tham gia. Qui mô các lớp học của những chương trình này thường nhỏ hơn với mức tối đa là 50 sinh viên.

PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, với cách thức thiết kế khoa học, được đầu tư bài bản, các chương trình này đòi hỏi sinh viên phải trả mức phí cao hơn các chương trình chính qui truyền thống. Điều này đã tăng tính xã hội hóa của chương trình từ phía gia đình sinh viên qua đó khẳng định một xu thế là người dân sẵn sàng trả mức phí cao hơn cho con em mình tham gia học tập những chương trình tốt hơn.

Việc phát triển các chương trình đào tạo chính qui bằng tiếng Anh đã và đang thu hút ngày càng nhiều sinh viên và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của xã hội mặt khác cũng khẳng định hướng đi đúng đắn của Việt Nam trong phát triển giáo dục và đào tạo hệ đại học.

Theo PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, sau gần 10 năm triển khai, đến nay, các chương trình cử nhân chính qui bằng tiếng Anh ở một số trường đại học khối kinh tế và quản trị kinh doanh đã thu hút được lượng sinh viên đông đảo, khẳng định được vị thế và giành được sự tin tưởng của đông đảo phụ huynh và học sinh.

Sinh viên của chương trình khi chuyển tiếp du học cũng được các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài công nhận tín chỉ cho các môn học đào tạo trong nước.

Sinh viên học các chương trình này đều phải là sinh viên trúng tuyển vào hệ chính qui của các trường đại học và phải đạt yêu cầu tiếng Anh tối thiểu tương đương 4.5 IELTS.

Khi tốt nghiệp, chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên các chương trình này đạt tối thiểu 6.0 - 6.5 IELTS và tương đương.

Hồng Hạnh