TPHCM:

Nội bộ trường tư mâu thuẫn, học sinh, giáo viên lãnh đủ

(Dân trí) - Vì mâu thuẫn, nhà đầu tư, ban giám hiệu các trường tư không ngại “choảng” nhau. Kết quả người thua phải ra đi nhưng kẻ thắng cũng chẳng lợi hơn gì khi danh tiếng của trường bị ảnh hưởng. Khổ hơn cả là người học, người lao động chỉ còn biết “khóc ròng”.

Thầy, trò phập phồng lo lắng

Một tháng nay, thầy trò Trường THCS-THPT Đăng Khoa (Q. Phú Nhuận) vẫn lên lớp nhưng tất cả đều cùng phập phồng lo lắng cho tương lai khi trường “bùng phát” căng thẳng trong nội bộ.
 
Diễn biễn mới nhất, vào chiều 11/12/2014, khoảng 80 giáo viên, nhân viên của trường vẫn chưa nhận được lương tháng 11. Cô X. - một giáo viên dạy Văn trường này cho biết: “Bình thường giáo viên được nhận lương từ ngày 1-5 hàng tháng. Cách đây 1 tháng bắt đầu “có chuyện” đã không thấy lương đâu, phía công đoàn phải can thiệp mãi đến giữa tháng mới có lương. Giờ sự việc trở nên căng thẳng hơn không biết bao giờ mới có lương. Chúng tôi hoang mang lo lắng và cả bi quan, không biết trường có ổn lại được không, làm việc có lương không…”.
 
Chung tình cảnh đó, cô Tr. - một giáo viên dạy Sử từ miền Trung vào thuê chỗ trọ để đi dạy vừa nuôi con nhỏ đang phải cố xoay sở qua ngày. Một nhân viên của trường than: “Cứ đà này khả năng không có lương, đổi việc rất cao”.

Sự việc trở nên căng thẳng khi đầu tháng 12 khi hiệu trưởng của trường là ông Lê Trọng Chì cùng con gái dẫn theo nhiều vệ sĩ bên ngoài, luật sư, thừa phát lại, kiểm toán viên… “yêu cầu” nhân viên ra khỏi nơi làm việc và tự ý niêm phong phòng kế toán tài vụ. Ông Nguyễn Văn Bình, thủ quỹ của trường cho biết: “Chúng tôi bị ngăn không cho vào phòng làm việc để Hiệu trưởng thực hiệm kiểm toán”.
Nội bộ trường tư mâu thuẫn, học sinh, giáo viên lãnh đủ
Bên ngoài trường THCS-THPT Đăng Khoa (Q. Phú Nhuận) vẫn yên bình nhưng nội bộ đang có nhiều mâu thuẫn khiến người học, người lao động hoang mang.

Theo một thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) thì trường gồm 4 người góp vốn. Khi ông Chì ủy quyền cho con gái làm thành viên HĐQT thì mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm, lẽ ra phải họp thành viên góp vốn để ông Chì từ nhiệm, bầu người mới rồi chuyển lên Sở GD-ĐT phê duyệt mới đúng. Hơn nữa, khi họp thành viên HĐQT là họp kín nhưng ông Chì lại dẫn thêm luật sư vào nên cuộc họp bất thành.
 
“Dù ngày 9/12 Sở đã yêu cầu trường phải để nhân viên phòng kế toán - tài vụ vào làm việc. Yêu cầu các cá nhân, tổ chức không thuộc trường như luật sư, thừa phát lại, bảo vệ chuyên nghiệp… phải ra khỏi trường ngay. Nhưng đến chiều 10/12, vệ sĩ ông Chì thuê bên ngoài vẫn còn ở lại canh giữ phòng kế toán”, ông Huỳnh Phan Việt Nhân, nhân viên kế toán trường nói.

Người hoang mang nhiều nhất chính là học sinh và phụ huynh của trường. Học sinh các khối đang trong giai đoạn thi học kỳ 1 thì giáo viên của các em lại đang lo trước xung đột của trường. Nhiều phụ huynh cho biết cảm thấy lo lắng khi hay tin nội bộ trường xảy ra mâu thuẫn, nếu không sớm ổn định trở lại, học sinh của trường có nguy cơ phải tìm trường khác chuyển khi năm học còn dang dở. Hiện trường có hơn 300 học sinh đang theo học.

Điều đáng nói là Trường THCS-THPT Đăng Khoa hoạt động trong điều kiện khuyết ban giám hiệu đã nhiều năm nay. Ban giám hiệu của trường chỉ có hiệu trưởng là ông Lê Trọng Chì, thế nhưng ông Chì cũng đã hết nhiệm kỳ hiệu trưởng từ tháng 2/2014. Giáo viên của trường cho biết do không có phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn giáo viên, tổ bộ môn phải tự lo. Vì vậy đến thời điểm này, trường vẫn chưa có kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 12.

"Đồng tiền" làm vẩ̃n đục môi trường sư phạm!

Những tranh chấp nội bộ ở trường tư không chỉ mới xảy ra ở Trường THCS-THPT Đăng Khoa. Trước đó, do xung đột với nhà đầu tư do chính mình kêu gọi và “khoán” học sinh, vị hiệu trưởng của Trường THPT Hoàng Diệu (Q.Tân Bình, TPHCM) sẵn sàng lên lớp học “kêu gọi” học sinh chuyển trường khác. Sau một thời gian cầm cự, nhà đầu tư đã “đẩy” học sinh sang trường khác ngay trong năm học. Nhiều phụ huynh, học sinh đành ngậm ngùi bỏ luôn các khoản phí đã đóng trước đó vì không biết phải đòi ai.

Ông Trần Văn T., một thành viên góp vốn vào Trường THPT Hiền Vương (Q.Tân Bình, TPHCM) ngao ngán kể lại : “Trường Hiền Vương đã từng lùm xùm nội bộ dẫn đến xin tạm dừng hoạt động. Tôi được kêu gọi hợp tác để xin phép mở trường hoạt động trở lại. Tôi góp vốn vào, kiếm thêm nhân sự để trường có thể hoạt động trở lại. Sau khi được cấp phép, năm học rồi tuyển được khoảng 70 học sinh. Chưa vượt qua hết khó khăn, một lần nữa vị chủ trường lại phát sinh “mâu thuẫn” với cả nhà đầu tư và ban giám hiệu. Tôi phải chấp nhận “bỏ của” để ra đi. Chưa hoạt động hết năm trường đã phải tạm dừng hoạt động một lần nữa và mấy chục học sinh buộc phải tứ tán chuyển sang các trường khác ngay giữa năm học.

Liên quan những vấn đề căng thẳng ở trường tư, ThS Hà Thị Kim Sa - Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ rằng: “Có một điểm chung với các trường ngoài công lập do nhiều cổ đông góp vốn rất dễ dẫn đến mâu thuẫn khi có xung đột về lợi ích kinh tế. Nhất là khi trong đó có nhà đầu tư vì mục đích lợi nhuận hơn là làm giáo dục”. Bà Sa cũng kể rằng, một trường bạn từng than rằng muốn xây một hồ bơi đúng chuẩn để phục vụ việc dạy bơi, thể dục cho học sinh nhưng HĐQT vẫn cứ bàn tới bàn lui. Mất 3 năm hồ bơi vẫn trên bàn giấy bởi nhà đầu tư lo ngại bỏ ra số tiền tỷ mà không thấy lợi nhuận. Trong khi đó, trường chúng tôi xây hồ bơi rất nhanh chóng.

Chuyện trường tư gồm nhiều nhà góp vốn là chuyện thường, nhà đầu tư hướng đến mục tiêu lợi nhuận cũng không có gì sai. Nhưng vì sao cứ để nội bộ các trường mâu thuẫn nhau dẫn đến giáo viên, người học chịu thiệt. Điều này không chỉ duy nhất 1-2 trường mà từng xảy ra nhiều như ở Trường THPT dân lập Phương Nam (Q.Thủ Đức, TPHCM), Trường THPT Khai Trí (Q.5, TPHCM)…Vấn đề chính là cần vai trò cầm trịch của cơ quan quản lý để giải quyết những mâu thuẫn nếu có xảy ra để phần nào đảm bảo quyền lợi của người lao động và người học.

Hà Minh

 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!