Bạn đọc viết:

Nỗi buồn “vơ bèo vạt tép”

(Dân trí) - Câu chuyện điểm chuẩn vào khối trường sư phạm thấp và quá thấp đang diễn ra như một nghịch lý và nhức nhối. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhà giáo phải vững “tay chèo” mới đẩy được “con thuyền” tri thức của lớp lớp thế hệ học sinh đi xa được.

Vậy mà, nhìn vào thực tế tuyển sinh của khối trường sư phạm hiện nay, tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở với câu hỏi: Bao giờ sư phạm mới hết cảnh “vơ bèo vạt tép”?

Nếu đánh giá kỳ thi THPT quốc gia 2017 thành công rực rỡ với “cơn mưa điểm 10” và những điểm số ngất ngưởng thì nhìn vào bức tranh tuyển sinh năm nay, chúng ta không khỏi giật mình vì điểm chuẩn. Bao nhiêu “cá lớn”, “cá bé”, “tôm to”, “tôm nhỏ” đang chen nhau bơi về các trường tốp trên, nào là y khoa, nào là quân đội, công an,… Còn lại đây cảnh giảng đường sư phạm vẫn đang “vạt” vội “tép riu” cho đủ chỉ tiêu, thậm chí hạ điểm chuẩn để níu thí sinh mà cảnh đìu hiu vẫn xảy ra.

Không phải bây giờ sĩ tử mới “ngó lơ” nghiệp gõ đầu trẻ mà hầu như mấy năm trở lại đây, việc người người truyền tai nhau câu nói cửa miệng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm...” đã râm ran. Những con số điểm chuẩn sư phạm chỉ bẳng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn một chút ấy thật sự gióng lên hồi chuông báo động mạnh mẽ về chất lượng tuyển sinh ngành Sư phạm.

Một người thầy tương lai thi tốt nghiệp chỉ đạt tầm 5, 6 điểm mỗi môn liệu sẽ học được gì ở giảng đường để có chuyên môn tốt, tay nghề cao? Một sinh viên cao đẳng sư phạm như báo Dân trí phản ánh có điểm đầu vào 3 điểm/môn ấy sẽ mất bao lâu để nhuần nhuyễn khối lượng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm mà gánh vác nhiệm vụ dạy chữ - dạy người cao cả? Tôi e rằng là rất khó!

Dẫu biết đào tạo đại học là cả một quá trình nhưng không ai dám đảm bảo trường sư phạm sẽ đủ sức đào tạo một đội ngũ giáo viên kế cận tiềm năng từ số thí sinh có “lượng” nhưng thiếu “chất” ấy. Một hạt giống tốt sẽ cho quả ngon trái ngọt. Tương tự, một sinh viên có đầu vào chất lượng sẽ có nhiều khả năng trở thành một giáo sinh giỏi, một người thầy giỏi trong tương lai!

Tại sao nghề giáo lại “mất giá” trầm trọng đến như thế? Người ta đã phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng thảm hại ấy. Đầu tiên phải kể đến chế độ lương thưởng và đãi ngộ đối với nhà giáo hiện nay quá thấp. Với mức lương “là là mặt đất” cùng hình thức khen thưởng theo kiểu “động viên cho có” ấy chẳng bao giờ đủ sức hấp dẫn để lôi kéo người tài đổ xô vào sư phạm.

Lương thấp nhưng khối lượng công việc lại lớn và nhiều áp lực, đó là quan điểm mà nhiều người đang nghĩ về ngành giáo dục. Việc dạy chữ với những yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp buộc người thầy phải vận động không ngừng nghỉ. Song song với đó là chuyện dạy người mới đòi hỏi nhiều công sức, tâm huyết của người thầy. Trong khi áp lực từ cơ quan quản lý, phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội vẫn đang ngày ngày gia tăng.

Một nguyên nhân quan trọng khác đang khiến sĩ tử “né” phấn trắng bục giảng chính là thực trạng thất nghiệp hiện nay của cử nhân sư phạm. Công tác tuyển dụng của ngành ngày càng “nhỏ giọt”, nhiều địa phương gần như “bão hòa” về số lượng giáo viên dẫn đến cảnh thất nghiệp tràn lan, người lao đao xin dạy hợp đồng bấp bênh, người lận đận chuyển nghề với nhiều nuối tiếc. Chính nỗi sợ thất nghiệp đã níu chân nhiều người tài, người giỏi khi mơ về nghiệp trồng người.

Nỗi trăn trở về điểm chuẩn sư phạm thấp cũng như phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp kéo người giỏi về trường sư phạm đã được đặt ra khá nhiều. Tuy nhiên, những sự chuyển động cần thiết để cải thiện tình hình vẫn còn rất mơ hồ.

Xin đừng để nỗi buồn này chìm xuống theo dư âm ngày càng lắng xuống khi công tác tuyển sinh chấm dứt! Xin đừng để cảnh “vơ bèo vạt tép” lại tiếp tục diễn ra làm đau lòng người! Xin đừng để cổng trường sư phạm cứ mãi “đỏ mắt” tìm người tài, người giỏi mỗi kỳ tuyển sinh!

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!