Nỗi lo trẻ sống chỉ biết mình

(Dân trí) - Sống chỉ biết mình nhưng lại thiếu trách nhiệm với chính cả bản thân. Trong cuộc sống hiện đại, tính trách nhiệm của trẻ đang bị ảnh hưởng và cần được rèn càng sớm các tốt.

Giật mình trẻ sống thờ ơ

Đưa con gái vào thăm chồng đang nằm điều trị ở bệnh viện, chị Hà (ở đường Trần Huy Liệu, Q.3, TPHCM) không khỏi bực mình khi cháu chỉ hỏi bố vài ba câu rồi lục điện thoại của mẹ… ngồi một góc bấm trò chơi. Mặc cho mẹ nhăn nhó, nhắc nhở cháu bé 11 tuổi vẫn tập trung vào trò chơi của mình không buồn để ý đến người bố đang rất rầu lòng.

Đến khi chơi điện tử chán, quay sang thấy mẹ vẫn ngồi đút cháo cho bố, cháu không ngừng giục mẹ ra về vì đến giờ phát sóng bộ phim mà cháu yêu thích.

Việc một đứa trẻ nóng lòng xem bộ phim mình yêu thích rất cần được sự chia sẻ. Nhưng giá như trong thời gian trước đó, thay vì chơi cúi đầu vào trò chơi điện tử, cháu hỏi han, trò chuyện với người bố nằm viện cả tuần nay, có lẽ chị Hà đã không phải rơi nước mắt vào trong.

Nhiều đứa trẻ đang thờ ơ với cuộc sống xung quanh.
Nhiều đứa trẻ đang thờ ơ với cuộc sống xung quanh. Trong ảnh: Một nhóm học sinh tiểu học chụm đầu vào trò chơi điện tử trong lúc nhà trường đang tổ chức một hoạt động về giá trị sống.

Chị Phạm Thị Anh, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại TPHCM kể khi đến một số trường tiểu học, chị dễ dàng nhìn thấy nhiều hành vi thiếu trách nhiệm của trẻ như xả rác, không quan tâm đến mọi người xung quanh... Có lần, chị Anh tham gia giờ học tự do tại lớp của khối học sinh lớp 4, xảy ra việc cặp sách của một em bị rơi ngay trên lối đi lại. Chị quan sát và thấy nhiều học sinh khác thản nhiên bước qua chiếc cặp, không ai có ý định nhặt nó lên.

“Đến khoảng số nửa học sinh trong lớp bước qua thì một bạn nhặt lên. Lúc này tôi mới hỏi, vì sao em nhặt chiếc cặp thì cậu bé cười: “Cặp sách của con, con không nhặt thì ai nhặt. Còn nhiều em khác cho rằng cặp bạn chứ đâu phải cặp mình mà.. nhặt", chị Anh kể.

Sống trách nhiệm cần có sự tương tác

Không ít phụ huynh ở thành phố khi đến các chương trình tư vấn tâm lý phàn nàn, con cái mình có thể chỉ vì những lý do như yêu cầu nào đó không được đáp ứng, bực bội hay gặp sự cố gì đó liền quay sang hành hạ bản thân như bỏ ăn, hành xác. Nhiều em sống chỉ biết mình nhưng điều này chưa hẳn đồng nghĩa với việc các em có trách nhiệm với bản thân.

“Sau khi trách móc cha mẹ chán chê vì chúng tôi không đồng ý cho cháu tham gia chuyến du lịch dài ngày với bạn bè, con tôi nó bỏ ăn, không nói chuyện với ba mẹ. Đã vậy tôi còn phát hiện cháu dùng dao lam rạch tay rồi thản nhiên nói rằng làm vậy cho bố mẹ tức chơi. Nó không thương bố mẹ thì cũng phải biết thương thân mình chứ?”, cô Lâm Thị Ngọc (nhà ở Q. Bình Tân, TPHCM) nói về cô con gái 15 tuổi của mình.

Tăng cường sự tương tác với mọi người giúp trẻ sống có trách nhiệm hơn
Tăng cường sự tương tác với mọi người giúp trẻ sống có trách nhiệm hơn.

Chưa kể, hiện nay, có một số học trò sẵn sàng tìm đến cái chết vì những lý do rất khó chấp nhận. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng theo các chuyên gia, trong đó nhiều em xuất phát từ lối sống thiếu còn trách nhiệm với mình và với những người xung quanh.

ThS Võ Thị Tường Vy (ĐH Sư phạm TPHCM) cho hay, bối cảnh cuộc sống hiện nay đang tác động rất nhiều đến lối sống trách nhiệm của con trẻ. Trò chơi, công nghệ hiện đại vô cùng hấp dẫn, trong khi sân chơi thực của trẻ lại rất hạn hẹp. Nhiều đứa trẻ bây giờ không thích đi thăm ông bà hay cô chú, đi chơi với bố mẹ hay đi thì các em chỉ tập trung vào… điện thoại, ipad.

“Trước hết, cha mẹ hãy quy định về thời gian, thời điểm sử dụng đồ công nghệ của con để tăng cường tính tương tác, kết nối với đời sống thực”, bà Vy nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, cha mẹ cần tạo cho con suy nghĩ có trách nhiệm, chưa cần yêu cầu phải hành động ngay. Trẻ cần hiểu được rằng mình có quyền lợi thì phải đi kèm nghĩa vụ lẫn trách nhiệm.

Cha mẹ cũng tận dụng tạo nên mọi khoảnh khắc giao tiếp cùng con. Khi con thực hiện hành vi chưa đúng khoan đã vội phê phán mà hãy tìm cơ hội, tình huống để lồng ghép sự việc đó vào lý giải cho trẻ. Điều quan trọng, thông qua đó dạy con thái độ sống đặt mình vào suy nghĩ, cảm nhận của người khác.

“Bố mẹ chính là tấm gương lớn nhất đối với con trẻ nên trước hết cha mẹ phải là người sống có trách nhiệm trong cuộc sống hàng ngày, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, ứng xử phù hợp… Chỉ những điều tốt đẹp mới gieo được hạt giống tốt đẹp", ThS Tường Vy phân tích.

“Hãy tạo mọi điều kiện giúp trẻ thể hiện mình. Mỗi ngày hãy để trẻ làm một việc tốt nào đó là cách trẻ thể hiện bản thân và trách nhiệm của mình. Khi trẻ có suy nghĩ tốt, hành vi tốt ta hãy thừa nhận, khen ngợi trẻ để trẻ thấy được giá trị của công việc đó.

Đôi khi cha mẹ hãy tỏ ra yếu đuối, kêu mệt và nhờ con đấm lưng, bóp đầu. Như vậy đã giúp trẻ biết quan tâm đến người khác.” ThS Tâm lý Võ Thị Tường Vy

“Trẻ hiện nay học quá nhiều thứ, chúng ta yêu cầu ở trẻ quá nhiều do giáo dục đang sa vào thi cử. Trong khi trẻ ở độ tuổi mầm non, tiểu học chỉ cần các em ý thức biết chào hỏi, biết bỏ rác đúng chỗ đã là điều rất tốt. Trẻ nhỏ thiếu ý thức trách nhiệm là một điều rất đáng lo ngại.” - TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ tại một hội thảo giáo dục tại Q.7, TPHCM.

Hoài Nam