Nỗi niềm phụ huynh trước khoản thu đầu năm học

(Dân trí) - Phụ huynh bức xúc trước những “khoản thu” ngoài danh mục quy định nhưng cũng chính họ là tác nhân tạo nên những khoản “lạm thu” dưới các hình thức “tự nguyện”. Trong khi các nhà quản lý thì “bất lực” còn phụ huynh thì lại không có lựa chọn!

Anh Ngô Thiệu Phong có con đang học ở một trường công lập ở quận Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi biết các khoản thu chính thì ít trường làm sai. Điều vốn gây bức xúc lâu này mà thường được nhắc đến chính là khoản đóng góp tự nguyện”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số trường công đều đưa ra lý do ngân sách nhà nước rót về hàng năm không nhiều trong khi đó có rất nhiều khoản cần phải có tài chính thì mới nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó Nhà nước đang có chủ trương xã hội hóa giáo dục nên phụ huynh cũng cần phải đóng góp để cùng nhà trường phát triển.

Khi được hỏi các khoản đóng góp này tuân thủ theo quy định nào thì một lãnh đạo của Phòng giáo dục quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Tất cả các khoản thu ngoài quy định đều phải được sự đồng ý thống nhất cao của phụ huynh và tự nguyện là chính. Bên cạnh đó còn phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Việc đóng góp như thế nào là tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình học sinh. Những người khó khăn thì có thể không cần phải đóng góp”.

Nghe qua thì có vẻ hợp tình, hợp lý nhưng trên thực tế nhiều bậc phụ huynh vẫn phải miễn cưỡng đóng các khoản ngoài quy định nhưng lại được đưa dưới “mác” tự nguyện. Một phần là sự cả nể, phần khác thì nhiều trường đã biết “tận dụng” tối đa Hội phụ huynh của mỗi lớp để huy động đóng góp.

Bài 1: Chúng tôi không có sự lựa chọn!

Là một phóng viên lâu năm trong ngành giáo dục, cứ mỗi lần đi họp đầu năm cho con thì anh Lê Thiệu Phong chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Anh Phong tâm sự: “Nhiều người thì cứ cho rằng đã là tự nguyện thì đóng hay không là quyền của mình nhưng trên thực tế không đơn giản như vậy. Tất cả đều có hệ thống và khi đa số đồng tình thì thiểu số có phản đối cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Tận dụng tối đa Hội phụ huynh?

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay ở các lớp học đều bầu ra người đại diện của Hội phụ huynh. Nhìn bề ngoài thì có vẻ dân chủ công bằng, nhưng trên thực tế việc cử ai làm người đại diện này đều được sắp đặt một cách cẩn thận.

Chị L.T.H ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, có con mới vừa bước lớp 1 của một trường tiểu học thuộc địa bàn tâm sự: “Thật ra việc bầu ra đại diện Hội phụ huynh chủ yếu là do giáo viên chỉ định. Mới đầu năm học thì các phụ huynh đều chưa biết mặt nhau, chỉ thấy cô giáo giới thiệu một người đứng ra làm đại diện Hội phụ huynh của lớp thì chúng tôi chỉ biết vỗ tay tán thành thôi”.

Thông thường những người được cử ra làm đại diện Hội phụ huynh đều là những người có “máu mặt”, họ có tiềm lực về kinh tế, phóng khoáng và có tài ăn nói thuyết phục... Những người này đều đã được nhà trường “ngắm tới” trong hồ sơ nhập học của học sinh. Những người đã được bầu làm đại diện Hội phụ huynh thường sẽ làm suốt cả khóa học chứ không có sự thay đổi hàng năm.

Khi mà công đoạn bầu ra đại diện Hội phụ huynh lớp hoàn thành thì cũng là lúc nhà trường chủ yếu làm việc với người “may mắn” này chứ gần như ít có cuộc tiếp xúc giữa giáo viên chủ nhiệm với toàn bộ phụ huynh của lớp. Các khoản đóng góp ngoài quy định sẽ được nhà trường “quán triệt” tới đại diện Hội phụ huynh của mỗi lớp và người này có trách nhiệm tổ chức những cuộc “bàn thảo” với các phụ huynh trong lớp để đưa ra mức thu hợp lý.

Nói là “bàn thảo” nhưng trên thực tế các khoản thu này đã được “họp kín” và thống nhất trước đó. Việc tập hợp phụ huynh chủ yếu mang tính chất phổ biến và quy định thời gian nộp.

“Nhiều phụ huynh cũng muốn nói lắm nhưng lại không thể đứng lên phát biểu. Ở mỗi cuộc họp như vậy thì giáo viên chủ nhiệm đều có mặt, nếu đứng lên phản đối thì chúng tôi lại sợ con em mình bị gặp khó khăn. Thôi thì các gia đình khác nộp thế nào thì mình theo như vậy”, một phụ huynh chia sẻ.

Không có sự lựa chọn!

Không chỉ dừng lại việc tận dụng Hội phụ huynh mà nhiều trường còn biết tận dụng tối đa chủ trương xã hội hóa giáo dục để thu các khoản ngoài quy định.

Đầu năm học vừa rồi, chị Lan ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đành phải miễn cưỡng đóng góp khoản thu ngoài quy định dưới hình thức tự nguyện. Mặc dù không đồng tình nhưng với phương thức tự ghi mức tiền đóng góp hỗ trợ nhà trường kèm theo ký nhận đã khiến nhiều phụ huynh đành ngậm ngùi chấp thuận.

“Theo giải thích của nhà trường thì các khoản này là tự nguyện, phụ huynh đóng góp bao nhiêu thì cần phải ghi rõ ràng. Tuy nhiên sự công khai “giữa ban ngày” như vậy nên dẫn đến đa số các bậc phụ huynh đều tham khảo mức đóng góp của nhau để nộp. Phản đối thì sợ ảnh hưởng đến cháu, còn nếu đưa ra mức đóng góp thấp hơn những người khác thì cũng thấy ngại”, chị Lan bộc bạch.

Trước vấn đề lạm thu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng chia sẻ: “Tôi biết không ít người với tư cách công dân, họ phản đối mạnh mẽ các khoản thu trong nhà trường. Nhưng là phụ huynh, họ lại “tích cực” nộp những khoản này”.

Để giải quyết bài toán lạm thu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng cần phải phối hợp, giúp đỡ và giám sát nhà trường thực hiện đúng. Khi người cương quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực còn là thiểu số thì tiêu cực vẫn còn. Nếu một lớp có 40 học sinh mà 35 - 37 phụ huynh phản đối các khoản thu không hợp lý thì tình hình chắc sẽ khác.

Tuy nhiên, theo anh Ngô Thiệu Phong thì nếu xét trên phương diện nào đó phụ huynh là những người tiếp tay cho vấn đề “lạm thu” nhưng đứng ở góc độ khác rõ ràng họ không có sự lựa chọn. Chính vì thế cần có chế tài và sự giám sát chặt chẽ thì mới giải quyết được bài toán này.

Vậy giải pháp nào để giải quyết bài toán lạm thu? Chúng tôi sẽ tiếp tục để cập vấn đề này trong bài tiếp theo.

Nguyễn Hùng