"Diễn đàn trẻ em" tỉnh Hậu Giang:

“Nóng” chuyện thiếu sân chơi, học tập nặng nề

(Dân trí) - "Hầu như chúng em không có những kỳ nghỉ hè đúng nghĩa mà nó bị tước đoạt bởi những ngày học thêm. Trong khi đó phim ảnh dành cho người lớn lại nhan nhản xuất hiện khiến nhiều khi chúng em bị cuốn vào trong những thế giới ảo".

Trên đây là ý kiến của đại diện các em học sinh (HS) tại “Diễn đàn trẻ em" tỉnh Hậu Giang năm 2013. Diễn đàn do Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH và Tỉnh Đoàn tổ chức ngày 12/9, thu hút hơn 100 em thiếu nhi là HS các trường học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tham dự.

Tại diễn đàn, các em thiếu nhi đã thảo luận xoay quanh nhiều vấn đề liên quan đến học tập và cuộc sống của các em. Qua đó, các em cũng đã kiến nghị với các ngành chức năng của tỉnh trong việc bảo vệ, chăm lo về vật chất và tinh thần cho các em.

Các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cùng lắng nghe trẻ em nói.
Các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cùng lắng nghe trẻ em nói.

Từ chuyện thiếu sân chơi…

Vui chơi giải trí là một nhu cầu không thể thiếu của con người, đặc biệt là trẻ em. Các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh rèn luyện cho trẻ em những phẩm chất cơ bản về trí tuệ, đạo đức, thể chất. Các em HS cho rằng, các hoạt động vui chơi không chỉ là vui chơi thuần túy mà qua đó, các em còn được rèn luyện kỹ năng sống, trang bị kiến thức để đối phó với những “bài toán” của cuộc sống.

Tuy nhiên, vấn đề sân chơi cho trẻ em hiện nay ở tỉnh Hậu Giang đang thiếu trầm trọng. Nhiều HS đánh giá, ở những thành thị lớn, khu vui chơi dành cho trẻ em được đầu tư khá hoàn chỉnh và hoạt động hiệu quả. Nhưng điều trái ngược hoàn toàn khi ở vùng nông thôn hầu như các khu vui chơi thưa thớt, thậm chí là không có, điều đó đã dẫn đến thiệt thòi rất lớn cho trẻ em ở vùng nông thôn.

Đại diện các HS huyện Phụng Hiệp, em Cao Thị Bích Như (HS Trường THCS Búng Tàu) chia sẻ: “Khó khăn nhất là vào dịp hè, chúng em thật sự không biết đi chơi ở đâu, chơi trò gì. Thiếu nơi vui chơi, giải trí là một trong những lý do dẫn đến một bộ phận trẻ em hư hỏng”.

Trẻ em vùng nông thôn phải tự tìm sân chơi cho mình với những trò chơi thường là đá cầu, nhảy dây, bắn bi hoặc rủ nhau tắm ở kênh rạch, chơi ở ven đường lộ với nhiều nguy hiểm rình rập khi không có sự giám sát của người lớn. Một số em lại sa đà vào các trò chơi nguy hiểm, game online suốt đêm không lành mạnh là điều dễ hiểu.

Hiện nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không có điểm vui chơi, trung tâm huyện không có nhà văn hóa thiếu nhi, ở trường học chỗ học cũng thiếu nên chỗ vui chơi càng thiếu hơn. Như vậy không đủ các điều kiện để giáo dục ngoài giờ, giáo dục kỹ năng sống, đạo đức và các sinh hoạt cộng đồng khác.

Do đó, tại diễn đàn, các em HS kiến nghị các cấp chính quyền cần có kế hoạch xây dựng khu vui chơi giải trí cho trẻ em; các trường học cần xây dựng các khu vui chơi cho các em HS sau những giờ học căng thẳng; cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho các em tham gia.
 
Video clip Diễn đàn trẻ em:



(Thực hiện: Huỳnh Hải)

…học tập nặng nề

Một trong những vấn đề mà các HS quan tâm và nêu lên tại diễn đàn là hiện nay các em đang phải đối mặt với những tác động xấu, những mặt trái của cuộc sống làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách của các em.

Đại diện học sinh thị xã Ngã Bảy, em Trương Hoàng Minh Châu (HS Trường THCS Nguyễn Trãi) cho rằng, môi trường sinh sống sẽ hỗ trợ cho học tập, nhận thức của trẻ em. Tuy nhiên, thời gian tuổi thơ của trẻ em hiện nay thường bị “tước đoạt” bởi những buổi học thêm, vì thế trẻ em hầu như không có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. Ngoài ra, game và phim ảnh chủ yếu dành cho người lớn lại nhan nhản xuất hiện trên các phương tiện khiến trẻ em bị cuốn vào trong một thế giới ảo.

Em Trương Hoàng Minh Châu (HS TX Ngã Bảy) đang trình bày chủ đề về một môi trường học tập an toàn.
Em Trương Hoàng Minh Châu (HS TX Ngã Bảy) đang trình bày chủ đề về một môi trường học tập an toàn.

Có thể nói, hiện nay trẻ em đang phải sống trong cảnh thiếu an toàn và nguyên nhân chủ yếu là thiếu sân chơi lành mạnh. Hậu quả của việc chưa quan tâm đúng mức đến môi trường sống, học tập của trẻ em khiến nhiều bạn trẻ có biểu hiện “già trước tuổi”, nhiều bạn không hát được bài hát thiếu nhi mà lại thuộc rất nhiều ca khúc nhạc trẻ.

Nhiều bạn có thái độ thờ ơ với các hoạt động xã hội, cộng đồng. Các bạn ngày càng ít tham gia các hoạt động như lao động xây dựng vườn trường, thu gom vỏ chai, giấy báo cũ để gây quỹ ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn. Thay vào đó, cha mẹ thường cho con cái tiền để nộp, nó lại tước đi của trẻ em cơ hội được trải nghiệm, để nhận thức giá trị quý báu của lao động. Bên cạnh đó, bạo lực học đường gia tăng, đây là biểu hiện lệch lạc về tâm sinh lý của trẻ em, hậu quả thì đã rõ nhưng xã hội vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giảm bớt.

“Cha mẹ cho chúng em nhiều thứ như đồ chơi, sách vở, máy tính, điện thoại… nhưng cũng đòi hỏi chúng em phải học thật nhiều. Thậm chí còn tìm thuốc bổ, món ăn ngon để giúp chúng em thông minh, học giỏi nhưng liệu rằng sự quan tâm này có giúp chúng em chiếm lĩnh được tri thức cao hay không. Trong tất cả sự quan tâm, chúng em cần nhất đó là môi trường sống và học tập an toàn, tự do và giàu tình thương để có thể phát huy được tối đa những năng lực của mình. Đừng đánh cắp tuổi thơ của chúng em bằng hàng tá những áp lực học hành thi cử, đừng để trường học là nỗi ám ảnh của chúng em mà mỗi ngày đến trường phải là một này vui", em Minh Châu nhấn mạnh.

Đại diện các học sinh thị xã Ngã Bảy cũng kiến nghị các bậc phụ huynh, nhà trường những vấn đề khá thú vị qua việc "hai tăng, hai giảm". Với các bậc phụ huynh, các em kiến nghị tăng cường tâm sự, lắng nghe những chuyện thường ngày ở lớp học, cuộc sống và tăng cường cùng vui chơi giải trí với các em; giảm ép học những môn học mà các em không thích và giảm không cho các em xem những chương trình vô bổ, dành cho người lớn.

Các em kiến nghị nhà trường tăng cường phương pháp học thực hành, ứng dụng thực tế và tăng các hoạt động ngoại khóa, cộng đồng; giảm tải chương trình học vì chương trình quá nặng so với lứa tuổi và giảm bạo lực học đường.

...đến môi trường sống thiếu an toàn

Còn đại diện các em HS huyện Long Mỹ thì chia sẻ, môi trường sống hiện nay trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những dịch bệnh như H1N1, tay chân miệng, tình trạng khói thuốc lá, trẻ em đuối nước khi đi học cũng xảy ra thường xuyên và đâu đó vẫn có những trẻ em bị bắt cóc để bốc lột sức lao động, hành hạ, xâm phạm, phải sống trong cảnh bị đánh đập bởi chính những người thân của mình.

Với những vấn đề trên, bà Hồ Thu Ánh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh hậu Giang cho rằng, việc tìm ra các biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa và bảo vệ để các em thoát khỏi những mặc cảm, thoát khỏi sự xâm hại là rất quan trọng. Theo bà Ánh, các em HS cũng phải có trách nhiệm tự bảo vệ mình bằng cách tránh gặp người lạ và phải báo ngay với gia đình, nhà trường những hành vi không hay của ai đó khi tiếp xúc với các em, từ đó người lớn sẽ kịp thời hỗ trợ cho các em.

Đại diện các học sinh huyện Long Mỹ, em Trương Hoàng Mỹ Linh (HS Trường THCS thị trấn Long Mỹ) bày tỏ: “Chúng em thiết nghĩ cần những giải pháp tích cực và hiệu quả để cải thiện môi trường sống của trẻ em, để trẻ em có được một môi trường sống thật sự an toàn như cha mẹ cần hiểu và gẫn gũi với con cái nhiều hơn, không nên ép con học quá sức và nên cho con giải trí vui chơi ngoài giờ học; cần xây dựng nhiều khu vui chơi, trong đó có hồ bơi để chúng em có điều kiện tập bơi chống đuối nước; để có một môi trường giáo dục an toàn không nên để những tiệm Internet, phòng game gần trường học".

Các em thiếu nhi gửi kiến nghị đến lãnh đạo các ban ngành chức năng tỉnh Hậu Giang.
Các em thiếu nhi gửi kiến nghị đến lãnh đạo các ban ngành chức năng tỉnh Hậu Giang.

Các em HS còn chia sẻ rằng, có nhiều gia đình vì hoàn cảnh khó khăn nên cha mẹ phải đi làm ăn xa, từ đó không chăm sóc, dạy dỗ được nhiều cho con em nên dẫn đến nhiều em không được quan tâm, dễ hư hỏng. Do đó, các em cũng kiến nghị chính quyền địa phương cần có giải pháp tạo công ăn việc làm tại chỗ cho những gia đình nghèo để họ có điều kiện lo lắng cho con cái hơn.

Ngoài ra, các em HS cũng kiến nghị các cơ quan chức năng ở địa phương mở những lớp tập huấn về quan hệ gia đình, nêu rõ trách nhiệm, bổn phận của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con cái. Các em cũng mong muốn trong nhà trường nên mở nhiều diễn đàn để các em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.

Qua những kiến nghị của các em HS tại diễn đàn, ông Trần Thành Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhìn nhận: "Những tâm tư nguyện vọng, mong muốn của các em là chính đáng". Ông Lập đề nghị các ngành chức năng của tỉnh nên nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và tìm những giải pháp hợp lý nhất để khắc phục những cái còn hạn chế, bảo đảm cuộc sống vui tươi, an toàn cho trẻ em.

Huỳnh Hải