Hội nghị giao ban vùng thi đua 6 tỉnh Bắc miền Trung:

“Nóng” vấn đề lạm thu

(Dân trí) - Bên cạnh việc ban hành công văn hướng dẫn nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu tại các trường học, tổ chức thanh, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục vi phạm, đại diện Sở GD-ĐT 6 tỉnh Bắc Trung bộ cho rằng cần có cái nhìn đúng hơn về vấn đề này.

“Nóng” vấn đề lạm thu - 1

Hội nghị giao ban vùng thi đua 6 tỉnh Bắc miền Trung diễn ra hôm nay 16/10 tại Nghệ An.

Sáng nay 16/10, tại Nghệ An đã diễn ra hội nghị giao ban vùng thi đua 6 tỉnh Bắc miền Trung lần thứ nhất, năm học 2011-2012. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã đến tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tình hình thực hiện năm học 2011-2012. Trong năm học mới, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục (GD) đã thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của mình, số lượng học sinh bỏ học sau hè giảm, số trẻ đến trường tăng, đội ngũ chất lượng giáo viên được nâng cao, hệ thống trường lớp cơ sở vật chất được củng cố…

Tuy nhiên vấn đề nóng được các đại biểu đưa ra “mổ xẻ” trong hội nghị lần này đó là cần có cách nhìn đúng hơn về cái gọi là lạm thu trong các nhà trường vào đầu năm học mới.

Ông Lê Xuân Đồng - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn thừa nhận vấn đề lạm thu là bài toán khó giải. Để hạn chế tình trạng lạm thu ở các nhà trường, trong năm học 2011-2012, ngay từ đầu năm Thanh Hóa đã ban hành 3 văn bản quy định về các khoản thu rõ ràng. Tuy nhiên, ông Đồng cũng thừa nhận tình trạng lạm thu vẫn diễn ra tại một số cơ sở GD. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự phối hợp của chính quyền địa phương và ngành GD chưa cao.

“Nóng” vấn đề lạm thu - 2

Ông Lê Xuân Đồng - giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa: "Lạm thu là bài toàn khó giải".

“Một thực tế là tình trạng lạm thu tại các trường THPT lại ít hơn các trường tiểu học và mầm non. Sở cũng đã văn bản hướng dẫn và ghi rõ các phụ huynh có quyền từ chối các khoản thu ngoài quy định mà gia đình mình không có khả năng đóng nộp nhưng dưới “sức ép” của tập thể những phụ huynh có điều kiện và Hội Phụ huynh thì vẫn phải nộp vì nhiều lý do tế nhị”, ông Đồng nhấn mạnh.

Hiện nay tình trạng lạm thu đang được lãnh đạo ngành GD Thanh Hóa chỉ đạo giải quyết quyết liệt. Chỉ cần có đơn từ hay dư luận từ phía nhân dân, Sở sẽ giao cho phòng ban chuyên môn tiến hành thanh - kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh.

“Nóng” vấn đề lạm thu - 3

Ông Nguyễn Khắc Hào - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh: "Không thể chấp nhận tình trạng thu vô tội vạ nhưng cần phải biết huy động nguồn lực trong nhân dân".

Trong khi đó, lãnh đạo ngành GD Hà Tĩnh lại cho rằng cần có cái nhìn đúng hơn về cái gọi là lạm thu. “Không thể chấp nhận tình trạng thu vô tội vạ nhưng khi ngân sách nhà nước đầu tư cho GD còn hạn hẹp cần phải huy động nguồn lực rất dồi dào trong nhân dân”, ông Nguyễn Khắc Hào - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh phát biểu.

Cùng chung quan điểm với ông Hào, lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Bình cho biết ngay từ đầu năm học, Sở cũng đã có hướng dẫn dẫn thu chi và chấn chỉnh thu chi đến tận các cơ sở GD nhằm không để xảy ra “loạn” thu chi. Tuy nhiên lãnh đạo Sở cho rằng cần phải thông cảm cho các cơ sở GD vì hiện tại cơ sở vật chất ở các trường còn hết sức khó khăn và thiếu thốn.

“Nóng” vấn đề lạm thu - 4

Ông Phạm Văn Hùng - giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế cho rằng cần phải xem xét việc lạm thu nằm ngoài quy định của Luật GD nhưng được sự đồng thuận của phụ huynh.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hải Vân - phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cho biết tình trạng lạm thu ở các trường học trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể. Ngay từ đầu năm học, UBND tỉnh Quảng Trị cho phép áp dụng mức thu học phí mới, các trường có thêm nguồn kinh phí để phục vụ cho các hoạt động do vậy áp lực đến vấn đề thu - chi ở các trường đã được giảm. Tuy nhiên một số hiệu trưởng các trường vẫn vi phạm. Mặc dù tình trạng lạm thu ở các trường đã được kịp thời chấn chỉnh bởi vậy bà Lê Thị Hải Vân cho rằng cần có cần có sự chỉ đạo trong vấn đề thu chi, các khoản thu cần phả được quy định rạch ròi, cụ thể.

Ông Phạm Văn Hùng - giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế lại cho rằng cần phải xem xét việc lạm thu nằm ngoài Luật GD hay nằm ngoài sự tự nguyện của dân. Các khoản thu tự nguyện có thể nằm ngoài Luật GD nhưng nếu được sự đồng ý, tự nguyện, đồng tình của phụ huynh, của tập thể Hội Phụ huynh thì cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hùng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT có sự chỉ đạo rõ hơn về vấn đề xã hội hóa GD.

“Nóng” vấn đề lạm thu - 5

Bà Lê Thị Hải Vân - phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị: "Tăng học phí sẽ giảm áp lực cho nhà trường trong vấn đề thu chi".

Tại hội nghị giao ban vùng thi đua 6 tỉnh Bắc miền Trung, đại diện các Sở GD-ĐT các tỉnh đã thẳng thắn đưa ra những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét, tháo gỡ. Đó là việc thực hiện chuyển đổi loại hình các trường mầm non từ bán công sang công lập còn nhiều vướng mắc về biên chế và tài chính; đời sống giáo viên mầm non còn hết sức khó khăn; việc tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là giáo viên giỏi về các trường học, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa rất khó; tình trạng giáo viên dôi dư; chế độ phụ cấp cho cán bộ quản lý GD; việc giải quyết nhà công vụ cho giáo viên; nâng cao chất lượng GD miền núi, chế độ cho cô nuôi dạy trẻ…

Việc chi trả chế độ miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên theo quy định mới gây khó khăn cho đối tượng được thụ hưởng. Hiện tại nguồn ngân sách Bộ Tài chính phân bổ về các địa phương chỉ chiếm một phần rất nhỏ số tiền cần chi trả cho học sinh, sinh viên do vậy ngành GD các địa phương này rất lúng túng việc phân chia số tiền này về các đơn vị. Bởi vậy, đại diện Sở GD-ĐT các tỉnh Bắc miền Trung đã có kiến nghị nên tiếp tục thực hiện chi trả trợ cấp, miễn giảm học phí ngay tại các trường ĐH, CĐ để tạo thuận lợi cho sinh viên và giảm áp lực cho các địa phương.

“Nóng” vấn đề lạm thu - 6

Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu kết luận tại hội nghị giao ban vùng thi đua 6 tỉnh Bắc miền Trung.

Đại diện các vụ của Bộ GD-ĐT tại hội nghị giao ban đã tiếp nhận các đề xuất, trả lời một số vấn đề mà đại diện ngành GD các địa phương đã đưa ra. Đồng thời hứa sẽ chuyển các nội dung, kiến nghị đề xuất này lên lãnh đạo Bộ.

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn của 6 tỉnh Bắc miền Trung, đặc biệt là qua 4 đợt lũ lụt đầu năm học 2011-2012. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại cần phải giải quyết như tình trạng lạm thu, thu sai quy định vẫn diễn ra ở các địa phương. Bộ chia sẻ khó khăn với các cơ sở GD với các khoản thu hợp pháp nhưng ngoài quy định.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tiếp thu các kiến nghị và hứa sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền có những chính sách phù hợp để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ cũng mong muốn các địa phương tiếp tục hiến kế và có các đề xuất để đổi mới chất lượng GD; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua; tham mưu cho tỉnh để giải quyết tình trạng giáo viên dôi dư, đảm bảo đời sống cho giáo viên đặc biệt là giáo viên mầm non; chấn chỉnh tình trạng lạm thu, không tập trung dồn các khoản thu đầu năm, không đề ra mức thu cào bằng các khoản xã hội hóa cho tất cả phụ huynh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc chuyển đổi mô hình trường mầm non để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình phổ cập mầm non, đảm bảo chế độ chính sách cho trẻ 5 tuổi và nâng cao đời sống cho đội ngũ giáo viên ở bậc học này. Bộ sẽ tiếp tục triển khai các vấn đề mà các địa phương kiến nghị, sửa đổi các thông tư hướng dẫn phù hợp hơn để đảm bảo chất lượng GD thực chất ở các nhà trường.

Hoàng Lam