Khánh Hòa:

Nữ giáo viên 10 năm vượt biển dạy chữ cho học sinh xứ đảo

(Dân trí) - Đó là câu chuyện xúc động về cô Hà Thị Ngọc Hòa, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THCS Bạch Đằng (nằm trên đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Sau khoảng 20 phút đi đò, PV Dân trí đã có mặt tại đảo Trí Nguyên, hòn đảo cách đất liền gần 1 hải lý nằm trên Vịnh Nha Trang. Đây là hòn đảo có khoảng 3.000 dân, sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Do đó, học sinh trên đảo đa phần là con em ngư dân miền biển. Để đến được hòn đảo này, không có cách nào khác là đi đò từ bến tàu du lịch Cầu Đá, nằm trên địa bàn phường Vĩnh Nguyên, ở phía Nam TP Nha Trang.

Để qua đảo Trí Nguyên, trên Vịnh Nha Trang dạy học, các giáo viên phải đi trên những chuyến đò này
Để qua đảo Trí Nguyên, trên Vịnh Nha Trang dạy học, các giáo viên phải đi trên những chuyến đò này

 

Đến thăm hòn đảo này, chúng tôi được nghe kể câu chuyện đầy xúc động về cô giáo Hà Thị Ngọc Hòa, giáo viên có 10 năm vượt biển ra đảo dạy học cho học sinh. Cô Hòa cũng là giáo viên có thời gian công tác lâu năm nhất tại trường THCS Bạch Đằng trên đảo Trí Nguyên.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Huế), cô Hòa được phân công về Trường THCS Bạch Đằng giảng dạy. Vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm vì hàng ngày phải đi đò, vượt biển để ra đảo, ấy thế mà cô Hòa đã có 10 năm dạy học ở đảo này.

Trò chuyện cùng PV Dân trí, cô Hòa nói rằng sự vất vả ấy cũng là sự vất vả chung của những giáo viên dạy học trên đảo, nhưng trong ánh mắt sâu thẳm ấy, chúng tôi nhận thấy cô có những nỗi niềm riêng.

 

Cô Hòa trò chuyện cùng PV Dân trí
Cô Hòa trò chuyện cùng PV Dân trí

Nhà cách điểm đò những 16km, trường lại “cách sông trở đò” nên việc tính toán thời gian đi lại và “canh” giờ đò chạy là một bài toán khá đau đầu. Cô kể, Vịnh Nha Trang tương đối kín gió, ấy thế mà khi mùa mưa đến là mỗi mùa “ám ảnh” với những giáo viên dạy học trên đảo.

Chủ đò đưa khách qua đảo nói gì?

Ông Nguyễn Minh Ngọc, chủ đò KH-0077-H ở đảo Trí Nguyên, cho biết, trước kia họ có lấy tiền đò các giáo viên, nhưng sau đó họ đã miễn phí hoàn toàn cho tất cả các giáo viên dù địa phương cho phép họ được thu một nửa (5.000 đồng/1 lượt đò). “Các giáo viên họ qua đây để dạy học cho con em chúng tôi nên không ai lấy tiền đò. Dù mưa gió, các giáo viên vẫn đội mưa qua đảo để dạy học bình thường, chỉ khi nào có bão, đò bị cấm chạy thì mới nghỉ. Đi đò vào mùa đông thì rất vất vả, phần vì mưa gió, phần vì bị sóng biển tạt”, ông Ngọc nói.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, chủ đò KH-0077-H ở đảo Trí Nguyên, cho biết, trước kia họ có lấy tiền đò các giáo viên, nhưng sau đó họ đã miễn phí hoàn toàn cho tất cả các giáo viên dù địa phương cho phép họ được thu một nửa (5.000 đồng/1 lượt đò). “Các giáo viên họ qua đây để dạy học cho con em chúng tôi nên không ai lấy tiền đò. Dù mưa gió, các giáo viên vẫn đội mưa qua đảo để dạy học bình thường, chỉ khi nào có bão, đò bị cấm chạy thì mới nghỉ. Đi đò vào mùa đông thì rất vất vả, phần vì mưa gió, phần vì bị sóng biển tạt”, ông Ngọc nói.

Mùa mưa bão, chuyện những giáo viên dạy học ở đảo Trí Nguyên bất chấp hiểm nguy đi đò rồi bị sóng biển đánh ướt sũng quần áo, ướt hết cả tài liệu, sách vở…  là chuyện có thật và vẫn thường xảy ra. Qua đến trường, có giáo viên xông quạt, chờ cho áo quần khô rồi lên lớp, nhưng có lần không ít giáo viên không kịp thời gian để làm khô quần áo. Vậy là với bộ quần áo ẩm ướt, các giáo viên dạy học ở đảo Trí Nguyên vẫn “cắn răng” đứng lớp trong cái lạnh vì không có đồ để thay. Và thế là, sau tiết học, chuyện giáo viên bị cảm cúm, viêm mũi… là khó tránh.

“Những sự việc như thế thường xảy ra vào những ngày mưa to, gió lớn hoặc đang có bão. Do đó, khi đi dạy vào mùa mưa, chúng tôi thường đi dép, còn giày, áo quần… thì gửi lại nhà trường. Ấy thế mới có chuyện, ai mới qua dạy thì người dân vẫn thường nhầm là đi buôn!”, cô Hòa hóm hỉnh.

Hơn 10 năm đi đò qua đảo dạy học, không ít lần chuyến đò chở cô Hòa suýt bị lật giữa biển vì mưa bão. “Tôi bị mấy lần xém lật đò vì gặp sóng lớn. Cảm giác lúc đó thật kinh khủng!”, cô Hòa tâm sự.

Hiểm nguy là thế, nhưng vì tình yêu học sinh, sự thân thiện, hòa đồng của người dân là lý do khiến các giáo viên dạy học trên đảo Trí Nguyên nói chung và cô Hòa nói riêng gắn bó với đảo.

Cô Hòa cho biết học sinh trên đảo rất ngoan và thông cảm với khó khăn của giáo viên
Cô Hòa cho biết học sinh trên đảo rất ngoan và thông cảm với khó khăn của giáo viên

 

“Có một lần tôi đi đò nhưng bị rơi một triệu đồng nhưng sau đó chủ đò tìm tôi trả lại. Dù vất vả nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với đảo, với người dân nơi đây vì họ rất thân thiện và học sinh ở đây rất ngoan, không quậy phá, thông cảm với những khó khăn của giáo viên”, cô Hòa thổ lộ.

Trao đổi thêm với PV Dân trí, thầy Đào Quang Khánh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cô Hà Thị Ngọc Hòa là một giáo viên tận tình, tâm huyết và có nhiều kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp.

“Cô Hòa có 10 năm dạy ở trường và cũng là giáo viên công tác lâu nhất ở đây. Các giáo viên khác thường học được ở cô rất nhiều về công tác chủ nhiệm lớp”, thầy Khánh cho biết.

Viết Hảo