Nữ nghiên cứu sinh trong nước: Khó khăn chất chồng khó khăn!

(Dân trí) - Các chị phải cùng lúc giành được hai tấm bằng: bằng tiến sĩ do Nhà nước cấp và “bằng hạnh phúc” do gia đình cấp!

Thời điểm viết luận án tiến sĩ cũng là lúc các nữ nghiên cứu sinh (NCS) đang gồng gánh trên vai trách nhiệm gia đình. Bằng mọi cách, các chị phải thu xếp thời gian dành cho nghiên cứu: hoặc tranh thủ vài giờ nghỉ trưa, hoặc thức dậy khi trời chưa rạng sáng, hoặc phải thức thâu đêm…

Mới đây, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu, chia sẻ khó khăn và kinh nghiệm giữa các nữ TS - nữ NCS viết luận án TS trong nước với nhiều chia sẻ xúc động và nhiều kinh nghiệm hay. TS Nguyễn Thị Minh Nhàn - ĐH Thương mại, cho biết: Các thầy, cô trường này thường nói vui rằng, các chị phải cùng lúc giành được hai tấm bằng - bằng tiến sĩ do Nhà nước cấp và “bằng hạnh phúc” do gia đình cấp!

TS Phạm Thị Vân Anh - trưởng bộ môn Dược lý, ĐH Y Hà Nội, kể: Khi viết luận án, chị đã là mẹ của ba cậu con trai; hai bé sau sinh đôi thiếu tháng, nên việc chăm sóc cực kỳ vất vả!

Nữ nghiên cứu sinh trong nước: Khó khăn chất chồng khó khăn!
TS Vân Anh kể lại: “Tôi làm việc như một con ong từ 8 đến 12 giờ mỗi ngày ở cơ quan. Ngoài thời gian đó, tôi dành trọn vẹn cho gia đình. Tôi không thức quá khuya vì tự nhủ mình không được phép ốm.”

Nếu nam giới viết luận án phải cố gắng một, thì các chị phải cố gắng gấp đôi. Đối với TS Lê Thị Liên, ủy viên BCH Hội Nữ trí thức Việt Nam, thì việc chồng qua đời đúng vào lúc chị nhận bắt đầu viết luận án, khiến chị gần như… đột quỵ! Nhưng rồi chính câu nói của anh trước lúc ra đi, “dù trong hoàn cảnh nào, em cũng phải học xong, để làm gương cho con” đã động viên chị một mình vừa nuôi dạy hai con, vừa bảo vệ xuất sắc luận án.

Chia sẻ kinh nghiệm, chị nói: “Khó khăn nhất là kinh phí và nghị lực, còn thời gian thì có thể thu xếp được”. Trong sáu tháng liền, chị Liên dành ra hai tiếng, từ 4 đến 6 giờ sáng, để viết luận án. Bên cạnh đó, chị nhận được sự giúp đỡ cả về tinh thần và khoa học của hai người thầy yêu kính là PGS, TS Nguyễn Thị Trâm và GS, TS Hoàng Tuyết Minh.

Nữ nghiên cứu sinh trong nước: Khó khăn chất chồng khó khăn!
Tại buổi giao lưu, Hội Nữ trí thức Việt Nam khen thưởng 8 TS bảo vệ xuất sắc năm 2011. Nhiều TS chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm các đề tài cấp Bộ hoặc hợp tác với một đơn vị nào đó để xin kinh phí.

TS Doãn Thị Hồng Nhung cho biết: Ngày thi đỗ NCS cũng là ngày chị biết mình mang thai. Chồng và gia đình ủng hộ chị tiếp tục học dù có phải bỏ thai!… Kể lại chuyện cũ, nay cậu con trai đã lên mười, chị nhòa lệ: “Tôi quyết giữ cháu. Cháu trở thành động lực thúc đẩy tôi viết luận án với sức mạnh gấp đôi.”

Bên cạnh vô vàn khó khăn trong cuộc sống gia đình, các nữ NCS còn phải đối diện với nhiều khó khăn từ cơ chế, chính sách. TS Phạm Thị Tố, nguyên đại tá, giám đốc Viện Nghiên cứu, ứng dụng quân nhu, kể rằng phải gian truân gần 30 năm trên con đường nghiên cứu, bà mới nâng được trình độ từ cử nhân lên tiến sĩ!

Nữ nghiên cứu sinh trong nước: Khó khăn chất chồng khó khăn!
TS Phạm Thị Tố khẳng định, bài học quý giá nhất là: “Trong mọi hoàn cảnh, có sức khỏe và sự kiên trì thì sẽ tới đích”.

TS Cao Thị Anh Đào, ĐH Y Hà Nội, bày tỏ: “Con đường nghiên cứu càng đi càng gặp nhiều chông gai. Quan trọng là cần phải có những cái đích cụ thể, cao dần theo từng nấc thang, và bước đi để chinh phục từng nấc thang cao dần đó”.

Ba kiến nghị lớn cho các nữ NCS bảo vệ luận trong nước: kinh phí, đề tài, thời gian

Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Sơn, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay tại nơi chị công tác có tới 80% số tiến sĩ bảo vệ ở nước ngoài. Đây cũng là lý do khiến cho ThS Sơn và nhiều nữ NCS khác băn khoăn: Có nên bảo vệ trong nước hay không? Có hay không định kiến chưa coi trọng giá trị công trình nghiên cứu trong nước?

Kết thúc buổi giao lưu, GS, TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, bày tỏ lòng ngưỡng mộ các nữ NCS bảo vệ luận án trong nước, về đức tính kiên cường và ý chí vươn lên.

GS Trân Châu nói: “Tôi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, cũng có khó khăn, nhưng dù sao vẫn thuận lợi hơn các chị nhiều, về điều kiện làm việc. Viết luận án TS trong nước có thuận lợi là không phải xa gia đình, nhưng quả thật có thêm nhiều khó khăn, nhiều áp lực. Và có thể còn có cả các yếu tố phức tạp, ngoài khoa học, dễ làm nản chí, gậm nhấm thần kinh chúng ta, mà không phải ai cũng thu xếp được ổn thỏa".

Bà cho biết: Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ kiến nghị Nhà nước về hai vấn đề chính để hỗ trợ các NCS bảo vệ luận án trong nước:

Trước hết là về thời gian. Cần phải cộng thêm thời gian nghỉ sinh con cho các nữ NCS. Nếu họ sinh con trong quá trình làm nghiên cứu sinh thì, theo đúng luật, phải được cộng thêm thời gian (6 tháng nếu có một con, 12 tháng nếu có hai con). Ở các trường, việc quy định giờ giảng dạy/ nghiên cứu cho các cô giáo cũng cần tính đến thời gian nghỉ sinh con, theo đúng luật.

Thứ hai, Nhà nước nên cấp học bổng cho các NCS, đặc biệt là nữ NCS, hoặc cho vay theo chế độ ưu đãi, tạo điều kiện cấp kinh phí để thực hiện đề tài nghiên cứu. Với các TS ở nước ngoài về, có thuận lợi là dễ đăng ký đề tài của quỹ Nafosted  (Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia), trong khi các NCS trong nước rất khó tiếp cận quỹ này. Bởi lẽ yêu cầu để có tài trợ là phải có một số bài báo được công bố trên tạp chí nước ngoài, trong 5 năm gần đây, đó là điều quá khó đối với NCS trong nước. Vì vậy, phải chăng cần có một quỹ nào khác để khuyến khích thực hiện luận án TS trong nước. Điều này còn đem lại lợi ích khác là giải quyết các vấn đề thực tiễn của VN, vì đề tài các luận án NCS trong nước thường  xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, và họ vẫn thực hiện được các công việc hằng ngày của cơ sở đào tạo trong quá trình làm luận án.

Nữ nghiên cứu sinh trong nước: Khó khăn chất chồng khó khăn!
GS, TSKH Phạm Thị Trân Châu cho biết bà sẽ vận động tăng Quỹ Phát triển tài năng nữ; động viên, khen thưởng kịp thời, giúp san sẻ bớt khó khăn, tiếp thêm sức mạnh để các chị em củng cố thêm sự kiên trì trên con đường đã chọn, làm gương và động viên các thế hệ kế cận bước tiếp trên con đường khoa học, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và đem lại lợi ích cho cộng đồng.
 

Hiện nay, tỷ lệ nữ - nam từ bậc đại học trở xuống gần như tương đương, thậm chí nữ cao hơn nam. Tuy nhiên, càng lên cao, tỷ lệ này càng giảm.

Theo số liệu của Hội LHPN Việt Nam, năm 2012, số nữ thủ khoa tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội chiếm 63, 5%, tính đến cấp khoa là 71%. Trong khi đó, số nữ ThS chỉ chiếm khoảng 40%, và số nữ TS chỉ là 21,4%, số nữ TSKH 4%, nữ PGS 25,7%, số nữ GS 10,27%.

Theo số liệu của Văn phòng Quỹ Giải thưởng VIFOTEC (Giải thưởng Khoa học sáng tạo), từ năm 1995 đến 2009, chỉ có khoảng 15% phụ nữ được tặng giải.

Bài, ảnh: Hàn Thủy