Nữ nhà giáo hai lần đoạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND”

Do yêu cầu công việc, tôi thường xuyên có dịp công tác tại Học viện Chính trị CAND, và một số lần được trực tiếp làm việc với chị. Thời gian gặp chị tuy không nhiều, nhưng đủ làm cho tôi ấn tượng về chị, bởi ẩn sau vẻ trầm tĩnh và tinh tế của người lãnh đạo, chị còn có một đức tính khác rất quyết liệt, tâm huyết và hết mình vì công việc.

Bản lĩnh quyết đoán, kiên trì học hỏi đã giúp chị hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao, trên cương vị công tác của người lãnh đạo, quản lý đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Đó là PGS.TS Đinh Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND, người hai lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND” và đang được đề nghị xét tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” năm 2017.

Gần 25 năm công tác trong lực lượng CAND, PGS.TS Đinh Ngọc Hoa đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 15 Bằng khen của Bộ Công an về thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, phục vụ chiến đấu, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và rất nhiều phần thưởng khác của Tổng cục Chính trị CAND, Văn phòng Bộ Công an trao tặng, mà đặc biệt là sự quý trọng và cảm mến của cán bộ chiến sỹ trong Học viện Chính trị CAND.

Nữ nhà giáo hai lần đoạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND” - 1

PGS.TS Đinh Ngọc Hoa.

Đằng sau những phần thưởng đó là sự phấn đấu nghiêm túc trong hoạt động khoa học của PGS.TS Đinh Ngọc Hoa. Chị kể, 21 năm công tác ở Văn phòng Bộ là quãng thời gian chị học hỏi, tiếp thu được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ, từ các tướng lĩnh, đồng nghiệp và cộng sự.

Ngày mới vào nghề, lý luận về công tác tham mưu còn rất mỏng, có vấn đề gần như “trắng” về khoa học, chị làm chủ yếu bằng kinh nghiệm. Với tâm niệm “trăm hay không bằng quen tay”, chị tự rèn cho mình thói quen sao chép, chắt lọc tài liệu từ những vấn đề tưởng như rất đơn giản. Chính áp lực đặc thù ở một đơn vị tham mưu hàng đầu của lực lượng CAND đã thử thách, rèn luyện chị, nhưng cũng cho chị cơ hội để thổi bùng lên niềm đam mê nghiên cứu khoa học và rèn giũa kỹ năng sư phạm.

Thời gian đầu công tác tại Văn phòng Bộ Công an, nhiều văn bản do chị tham mưu, soạn thảo được “các bác lãnh đạo Bộ sửa đỏ cả trang giấy”, nhưng chị không nản lòng, mà luôn đặt câu hỏi, vì sao lãnh đạo lại sửa như vậy để rút kinh nghiệm lần sau làm tốt hơn. Qua đó chị càng hiểu sâu sắc hơn về “tầm nhìn sâu, nhìn xa” của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; giúp chị trưởng thành hơn trong tư duy về công tác lãnh đạo, chỉ huy; nâng cao tầm trí tuệ và hình thành ở chị tính chuyên nghiệp trong tham mưu, xử lý văn bản.

Nữ nhà giáo hai lần đoạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND” - 2

PGS.TS Đinh Ngọc Hoa đã trực tiếp chỉ đạo biên soạn 8 chương trình, giáo trình đào tạo đại học ngành, chuyên ngành.

21 năm công tác tại Văn phòng Bộ, từ Phó Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp, rồi Trưởng phòng Tham mưu chuyên đề Xây dựng lực lượng, Hậu cần - Kỹ thuật, chị đã cùng tập thể lãnh đạo đơn vị đề xuất nhiều giải pháp kịp thời, phục vụ lãnh đạo các cấp chỉ đạo xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Chị đã tham mưu, phục vụ lãnh đạo Văn phòng Bộ xây dựng nhiều loại báo cáo và văn bản quan trọng, chiến lược, làm cơ sở để Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương về bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng CAND. Bản thân chị đã được lãnh đạo tin tưởng giao chuyên trách dự thảo chắp bút các bài nói, bài viết, bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ chỉ đạo các mặt công tác công an, đặc biệt là công tác xây dựng lực lượng CAND, công tác đảng, công tác chính trị trong CAND.

Với khả năng nghiên cứu khoa học và năng khiếu sư phạm vốn có, nên khi Học viện Chính trị CAND được thành lập vào tháng 3/2014, PGS.TS Đinh Ngọc Hoa được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng đề bạt giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND. Trở về môi trường sư phạm, chị như được trở về ước mơ cháy bỏng thời con gái của mình.

Chị kể, chị yêu nghề giáo vì trước hết muốn được theo nghề bố, một thầy giáo dạy Văn cấp II. Cuộc đời và nhân cách trong sáng cùng tình yêu thương vô bờ bến của bố dành cho các con, cho học trò đã khiến chị mãi mãi tôn thờ và coi bố là “hình mẫu khoa học”. Chị đã ảnh hưởng ở bố, ở những người thủ trưởng của mình phong cách làm việc nghiêm túc, đã lao vào công việc là xả thân.

Nữ nhà giáo hai lần đoạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND” - 3

Chị tâm niệm, cuộc sống không thể làm vừa lòng tất cả, nhưng nếu đã làm việc bằng trái tim và tình yêu cháy bỏng thì không bao giờ phải hối tiếc. Trở về môi trường sư phạm tuy mới nhưng rất gần gũi, quen thuộc với chị. Như “con tằm”, bao nhiêu kiến thức tích lũy từ thực tiễn, bây giờ là lúc chị “nhả tơ”. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi về Học viện, chị đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong công tác nghiên cứu khoa học.

Chị còn hướng dẫn nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh bảo vệ luận văn, luận án xuất sắc. Khi về công tác tại Học viện Chính trị CAND, chị có cơ hội, điều kiện để sắp xếp, nâng cấp, hiện thực hóa mọi ý tưởng khoa học của mình bằng việc xuất bản các cuốn giáo trình, sách chuyên khảo, bài báo khoa học do chị trực tiếp biên soạn.

PGS.TS Đinh Ngọc Hoa đã trực tiếp chỉ đạo biên soạn 8 chương trình, giáo trình đào tạo đại học ngành, chuyên ngành: Tham mưu chỉ huy CAND, Quản trị nhân lực, Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước; chủ biên 4 cuốn sách chuyên khảo được triển khai ứng dụng trong công tác ở công an các đơn vị, địa phương; đồng chủ biên 3 giáo trình dùng cho hệ sau đại học và bồi dưỡng nâng cao. Không dừng ở đó, PGS.TS Đinh Ngọc Hoa còn chủ nhiệm 2 đề tài khoa học cấp Bộ, 1 đề tài cấp cơ sở và là thư ký khoa học 3 công trình khoa học cấp Bộ đã được nghiệm thu xuất sắc…

Học viện mới thành lập, khó khăn còn nhiều, đặc biệt là về cơ sở vật chất, nhưng chi lại được Ban Giám đốc giao kiêm nhiệm thêm công tác hậu cần, chăm lo cơ sở vật chất cho nhà trường. Đây có lẽ là một thử thách đối với chị. Số lượng cán bộ ngày một tăng, quy mô học viên ngày càng đông, trong khi cơ sở vật chất cũ của trường T41 phần nhiều đã xuống cấp, vượt quá công suất, tạo áp lực rất lớn về công tác hậu cần. Nhưng chị đã thể hiện rõ là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có nhiều sáng kiến, giải pháp đột phá để chỗ làm việc, sinh hoạt của cán bộ giáo viên và học viên được khang trang, đẹp đẽ hơn.

Đến nay, hơn 300 cán bộ giảng viên và hơn 1.000 học viên của Học viện đã được công tác, học tập, rèn luyện, sinh hoạt trong điều kiện tốt hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, mới đây Học viện Chính trị CAND đã được Thủ tướng Chính phủ cấp 20 ha đất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để xây dựng trụ sở mới. Đạt được những kết quả như vậy, chị luôn tâm niệm là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị chức năng và sự ủng hộ của tập thể Ban Giám đốc Học viện, nhất là đồng chí Giám đốc Học viện.

Nhưng phải khẳng định rằng, đằng sau đó còn là sự cố gắng, nỗ lựcs không ngừng, là những đóng góp quan trọng của chị trên cương vị Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND.

Theo Thu Phương/CAND