Nữ sinh 20 tuổi đứng lên chống nạn “cô dâu nhí” ở Ấn Độ

(Dân trí) - Bị “gả chồng” từ khi mới 11 tháng tuổi, cô gái 20 tuổi Santadevi Meghwal đang nỗ lực theo đuổi vụ kiện giành quyền bãi bỏ cuộc hôn nhân không mong muốn này. Cô sinh viên năm cuối ngành Nghệ thuật, Trường đại học Jodhpur (Ấn Độ) mong mỏi rằng mình sẽ thắng kiện.

Ba năm qua, Meghwal bị đe dọa, bị quấy rối, bị tẩy chay và thậm chí bị phạt nặng bởi một hội đồng những người lớn tuổi ở ngôi làng của cô ở bang Rajasthan (Ấn Độ) khi cô quyết không chung sống với chồng. Dù vậy, cùng với một số các cô gái trẻ khác, nữ sinh viên Meghwal đang đứng lên để chống lại hủ tục tảo hôn lạc hậu này.


Cô dâu Santadevi Meghwal (bên trái) đang nhờ cậy sự giúp đỡ của một quỹ từ thiện để bãi bỏ cuộc hôn nhân của mình.

"Cô dâu" Santadevi Meghwal (bên trái) đang nhờ cậy sự giúp đỡ của một quỹ từ thiện để bãi bỏ cuộc hôn nhân của mình.

Khi Meghwal mới được 11 tháng tuổi thì gia đình gả cô cho một cậu bé 9 tuổi ở làng bên thuộc bang Rajasthan (Ấn Độ), nơi có tỷ lệ tảo hôn rất cao.

Meghwal nhớ lại, mình đã gặp “chồng” lần đầu tiên vào lúc 16 tuổi, khi một người bạn chỉ cho cô một người đàn ông say rượu ngã nhào ngoài cổng trường của cô. Gia đình của người bạn này đã từng dự “đám cưới” của Meghwal khi “cô dâu” mới chập chững tập đi.

Meghwal kể: “Bạn tôi quay về phía tôi và nói Nhìn kìa, đó là chồng bạn”. Khi ấy tim Meghwal thắt lại và cô chạy vội về nhà hỏi bố mẹ.

“Tôi hỏi họ, tại sao bố mẹ lại gả chồng cho con như thế? Khi ấy con còn quá nhỏ và thậm chí không nhận ra rằng chuyện gì đang xảy ra”.

Mặc dù nạn tảo hôn là trái phép, nhưng ở Ấn Độ có hàng triệu người bị kết hôn khi còn nhỏ, đó là truyền thống lâu đời ở các vùng nông thôn nghèo khó của nước này. Số liệu chính phủ cho biết, gần 50% số phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi cho biết họ bị gả chồng trước độ tuổi hợp pháp là 18 tuổi.

Nạn tảo hôn thậm chí còn phổ biến hơn ở bang Rajasthan, quê hương của cô sinh viên Meghwal.

Nhưng một số ít cô gái trẻ ở đó đang chống lại nạn tảo hôn và nhờ cậy sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ để tìm cách bãi bỏ những cuộc hôn nhân mà họ không bao giờ đồng ý.

Lẽ ra cô gái Meghwal phải sống với “chồng” khi cô 17 tuổi. Nhưng thay vì thế, cô đã chiến đấu ròng rã 3 năm chống lại cuộc hôn nhân sớm của mình, và lánh đi khi nhà chồng đến tìm cô.

Sự chống đối của Meghwal đã gây ra hậu quả nặng nề khi những người nắm quyền trong làng đã nổi giận và cấm cô cùng gia đình cô không được tham gia hoạt động của làng. Đồng thời, họ cũng yêu cầu bố cô phải nộp phạt 1,6 triệu rupi (khoảng 24.000 USD), một khoản tiền mà ông không thể trả được.

Vào tháng 5 vừa qua, Meghwal đã tìm đến quỹ từ thiện Sarathi Trust, hiện là quỹ từ thiện duy nhất ở Ấn Độ trợ giúp việc bãi bỏ các cuộc tảo hôn sau khi thắng kiện vụ đầu tiên vào 3 năm trước.

Người đứng đầu quỹ này, bà Kriti Bharti, cho biết quỹ dựa vào một điều luật trong Luật chống tảo hôn của Ấn Độ trong đó cho phép bãi bỏ hôn nhân.

“Tảo hôn giống như một căn phòng lớn u tối. Và trong căn phòng đó, chúng tôi tìm thấy một tia hy vọng từ một điều luật nhỏ nhoi”, bà Bharti ví von.

Đến nay, quỹ của bà Bharti đã giúp bãi bỏ 27 cuộc tảo hôn ở bang Rajasthan. Bà Bharti cho biết, hình thức bãi bỏ hôn nhân thì hơn là ly dị, vì thủ tục nhanh hơn và cũng chiếm ít giấy tờ hơn. Nếu hình thức bãi bỏ hôn nhân được hai bên chấp nhận thì cũng tránh được “vết nhơ” của việc ly dị xét về phía cô dâu.

Hiện nay, cô sinh viên Santadevi Meghwal đang nuôi hy vọng sẽ được bãi bỏ hôn nhân, mặc dù “chồng” cô, người mà cô chưa bao giờ chung sống, ra sức phản đối việc bãi bỏ hôn nhân và anh ta dọa sẽ bắt cóc cô.

Meghwal đi học đại học với mong muốn trở thành giáo viên. Cô nói rằng ước mơ của cô là có thể chứng minh cho cộng đồng thấy rằng chính cô chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.

“Tôi sẽ kết hôn một ngày nào đó nhưng chỉ sau khi tôi đã học xong và có thể đứng trên đôi chân mình”, cô sinh viên khẳng định.

Xuân Vũ

Tổng hợp