Nữ sinh Báo chí và nỗ lực phòng chống xâm hại tình dục trẻ em

(Dân trí) - Dự án “Giáo dục giới tính” (S Project) vừa tổ chức chương trình ngoại khóa phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại Trường THCS Bắc Nghĩa (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Chương trình đã góp phần trang bị những kiến thức, kỹ năng quan trọng để các em có thể tự bảo vệ mình trước nạn xâm hại tình dục trẻ em, tránh hậu quả xấu.

Trong chương trình ngoại khóa phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại Trường THCS Bắc Nghĩa, chúng tôi đã được chứng kiến sự nỗ lực, nhiệt tình của bạn Nguyễn Thị Song Trà, sinh viên năm thứ ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền (quê xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cùng các cộng sự tích cực là các em học sinh Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp.

Tại đây, các em học sinh Trường THCS Bắc Nghĩa đã được tham gia giao lưu, vẽ tranh, giải đáp các câu hỏi về giới tính và những hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, lựa chọn câu trả lời “an toàn” hay “không an toàn” trong các tình huống. Cũng thông qua các tình huống được xây dựng rất gần gũi và đời thường, các em học sinh có thêm những kiến thức về bình đẳng giới.


Nguyễn Thị Song Trà giao lưu với các em học sinh.

Nguyễn Thị Song Trà giao lưu với các em học sinh.

Trao đổi với chúng tôi về mục đích và những hoạt động của S Project, Song Trà cho biết, rào cản giữa các bậc phụ huynh và con em mình khi bàn về chủ đề này cũng là mối quan tâm lớn của dự án, nên trong chương trình hoạt động, việc tạo ra sự kết nối giữa hai thế hệ, từ đó tìm ra tiếng nói chung để giúp cha mẹ và con cởi mở với nhau hơn khi nói về chủ đề giới tính và giáo dục giới tính là mục đích quan trọng của dự án.

Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả những hoạt động của dự án, Song Trà cùng cộng sự đã xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp, tự tìm nguồn tài trợ, liên hệ với các trường học...

“Xâm hại trẻ em là tội ác, im lặng cũng là tiếp tay cho tội ác. Không chỉ đóng góp tiếng nói cùng cộng đồng xã hội, em mong muốn dự án sẽ góp phần giúp các em có thể bảo vệ chính mình trước sự xâm hại. Nên dù khó, em và các cộng sự cũng sẽ tiếp tục cố gắng”, Song Trà tâm sự.

S Project được thành lập vào tháng 10/2015 tại thủ đô Hà Nội với sự hỗ trợ của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số. Nguyễn Thị Song Trà là Trưởng ban tổ chức dự án. Sau hơn một năm thành lập và đi vào hoạt động, S Project đã tổ chức nhiều hoạt động tại các trường tiểu học và THCS tại thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Bình. Cùng với các chương trình ngoại khóa nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về giới tính, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, S Project đã tổ chức các cuộc thi vẽ tranh “Giáo dục giới tính: Nói đi, đừng ngại!”, thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh.

S Project tổ chức các cuộc thi vẽ tranh “Giáo dục giới tính: Xin hãy tôn trọng cơ thể của chúng em!”, thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh
S Project tổ chức các cuộc thi vẽ tranh “Giáo dục giới tính: Xin hãy tôn trọng cơ thể của chúng em!”, thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh

Đến thời điểm này, S Project đã triển khai hoạt động tại gần 10 trường học ở thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Bình. Và điều đặc biệt là sau chương trình ngoại khóa, các trường đã thành lập câu lạc bộ với khoảng 30 - 50 thành viên. Các em sẽ là những người tiếp nối S Project tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng về giáo dục giới tính, trong đó có nội dung phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh sự nỗ lực của S Project, sự chủ động, tích cực của đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học cũng góp phần quan trọng để tạo nên thành công cho hoạt động. Cô giáo Phan Thị Hà, Trường THCS Bắc Nghĩa cho biết, khi nắm được thông tin về chương trình hoạt động của S Project tại Quảng Bình, nhà trường đã liên hệ và sắp xếp để chương trình diễn ra thuận lợi, giúp các em học sinh được tiếp cận nội dung bổ ích này.

Giáo dục giới tính cho trẻ em nói chung, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, cần sự chủ động, tích cực, quan tâm và đồng hành của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. “Trang bị kiến thức, kỹ năng cho các em là cách phòng chống hiệu quả nhất, thay vì “mất bò mới lo làm chuồng”. Em hy vọng với sự góp sức của S Project, các em học sinh sẽ không chỉ có khả năng bảo vệ bản thân mình, mà còn góp tiếng nói chung để phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em trong cộng đồng, tránh được những hậu quả đáng tiếc”, cô sinh viên báo chí chia sẻ.

Mai Ngọc - Đặng Tài