Nữ sinh Cơ Tu “trốn” lấy chồng để không phải bỏ học

(Dân trí) -Sinh ra trong gia đình Cơ Tu nghèo khó ở thôn Phú Son, xã Ba, huyện vùng cao Đông Giang (Quảng Nam), khi mà các bạn cùng trang lứa đều bỏ học theo chồng khi tuổi chưa tròn 14-15, Nguyễn Thị Kan đã vượt qua hủ tục của bản làng để theo ước mơ đèn sách.

Hiện Nguyễn Thị Kan đang học năm 4, lớp Anh K5B Trường ĐH Ngoại ngữ Huế.
 
"Nhất quyết chưa chịu lấy chồng"
 
Vượt qua ải Dốc Kiền, chúng tôi tìm đến nhà Nguyễn Thị Kan khi biết em mới từ Huế trở về bản làng thăm ba mẹ. Vùng cao những ngày mưa bấc cuối xuân, con đường làng ngoằn nghoèo càng thêm ngập ngụa bùn đất. Căn nhà sàn vắng hoe nằm hun hút cuối thôn Phú Son mà nhìn quanh chỉ thấy toàn là rừng là núi.  
 
Ba mẹ đều đã đi lên nương từ sáng sớm, Kan đang chăn trâu sau vườn. Thấy chúng tôi đến bất ngờ, em có vẻ lúng túng nhưng rồi với nụ cười thân thiện, em rót nước mời khách và câu chuyện "vượt qua hủ tục để tìm ước mơ con chữ" được em kể với giọng chùng xuống và rất đỗi chân thành: Nhà có 4 chị em, bố mẹ làm nương rẫy, quần quật quanh năm suốt tháng mà nghèo vẫn hoàn nghèo.  
 
Nguyễn Thị Kan sinh năm 1987, là chị gái lớn trong nhà nên từ nhỏ đã quen việc bếp núc, gùi củi, chăn trâu. Cấp I và cấp II, em học tại Trường THCS Kim Đồng (xã Ba, Đông Giang). Ngày ngày em phải vượt đường rừng đi bộ hơn 4 cây số để đến trường. Kan cho biết: "Người dân làng em ngày đó không xem trọng việc học như bây giờ mô nên bạn bè cùng trang lứa đều nghỉ học rồi có chồng hết, vậy là hằng ngày lủi thủi trên con đường làng chỉ một mình em đến lớp, buồn lắm anh à! Buổi đi học, buổi em phải lên nương giúp mẹ. Chiều về lúc nào cũng nặng gùi cũi trên lưng. Nhiều lúc cực quá, rồi ba mẹ lại cứ bảo Mày bỏ học đi rồi bắt chồng, con gái học chi cho nhiều. Nhiều lúc cũng nản và đã từng có ý định bỏ học. Nhưng rồi ước mơ con chữ cứ thôi thúc hoài và em đặt quyết tâm dù thế nào cũng phải học. Em nói với mẹ Con được đi học thì mỗi ngày con chỉ ăn một bữa cơm thôi cũng được nhưng ba mẹ đừng bắt con phải bỏ học".  
 
Nữ sinh Cơ Tu “trốn” lấy chồng để không phải bỏ học - 1
Cô sinh viên Nguyễn Thị Kan trong ngôi nhà sàn đơn sơ vách nứa của gia đình mình.  
 
Câu chuyện cứ đứt quãng giữa chừng vì giọng Kan nghe nghèn nghẹn: "Học hết cấp 2, em đòi chết đòi sống mới được gia đình cho lên thị trấn Prao trọ học. Đang học lớp 11 thì ba mẹ nhắn về có chuyện gấp, về đến nhà thì mới biết có một người giàu có từ huyện Tây Giang muốn bắt em làm vợ cho con của họ. Của hồi môn toàn là đồ quý hiếm chum ché cổ, vòng bạc, mã não... quý hiếm. Ba mẹ và bà con thì bắt ép, em thì nhất quyết chưa chịu lấy chồng. Và rồi em cũng thắng và càng quyết tâm hơn để học cho đến nơi đến chốn".  
 
Dù hoàn cảnh khó khăn, phải xa nhà trọ học nhưng thành tích học tập của Nguyễn Thị Kan khiến bạn bè phải nể phục. Những năm học cấp 3 tại Trường THPT Quang Trung (Đông Giang) em luôn là học sinh tiên tiến, đặc biệt em học môn Anh văn rất giỏi. Tốt nghiệp THPT, nhiều bạn bè cùng trường vui mừng khi thuộc diện cử tuyển vào Đại học. Còn Kan thì không và em cũng không có tiền để học lớp luyện thi ĐH. Ngày lên nương rẫy, tối lại tự mày mò ôn luyện, cuối cùng em cũng đã thi đậu vào Trường ĐH Ngoại ngữ Huế trong niềm tự hào của ba mẹ và bà con trong làng.  
 
Ước mơ giản dị
 
Hiện Kan đang học năm 4, lớp Anh K5B Trường ĐH Ngoại ngữ Huế. Ngoài giờ học, em đi dạy kèm, làm thêm để đỡ một phần khó nhọc cho cha mẹ. Rảnh em lại về quê phụ giúp gia đình, Kan tâm sự: "Dù ở nhà thời gian không nhiều và ba mẹ cũng không cho đi làm, cứ bảo  ở nhà chơi với mấy em nhưng thấy ba mẹ vất vả quá, em lại mang gùi lên nương cùng mẹ. Học cao đến đâu đi nữa thì em vẫn không quên mình là cô gái Cơ Tu đâu".  
 
Nữ sinh Cơ Tu “trốn” lấy chồng để không phải bỏ học - 2
Ngày nghỉ học, Kan lại về quê làm các việc để giúp đỡ gia đình.
 
Khi được hỏi về ước mơ cho tương lai, Kan tâm sự: "Em chỉ mong ra trường được về quê hương Đông Giang làm cô giáo dạy học. Và em sẽ tham gia nhiệt tình phong trào xã hội "về sự tiến bộ của phụ nữ". Anh biết đó, nơi bản làng xa xôi người phụ nữ Cơ Tu chưa thật sự được bình đẳng. Những hủ tục, những quan niệm lạc hậu vẫn đang kiềm chân và còn đè nặng trên vai người phụ nữ nên cơ hội học tập để hiểu biết chưa nhiều. Từ thực tế bản thân, em sẽ cố gắng thuyết phục để làm thay đổi quan niệm xa xưa của bản làng để người phụ nữ Cơ Tu có cơ hội được tự khẳng định mình...".
 
Đông Phước