Nữ sinh day dứt với “báu vật của nhân loại”

“Tôi nghẹn ngào trước những trang viết như thế, tôi rùng mình nghĩ nếu như ai cũng thờ ơ như thế thì khác nào chúng ta đào mồ mà chôn đi tình Yêu Thương, thứ báu vật của nhân loại?”.

Với đề bài yêu cầu suy nghĩ từ một câu nói của Martin Luther King (“Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn cả vì sự im lặng của những người tốt”), một học sinh lớp 11 ở Vũng Tàu đã trình bày góc nhìn riêng của mình. Dưới đây là bài văn của học sinh.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một lần, khi nghe tin miền Trung có bão, thấy người ta ngồi trên mái nhà, dưới chân một màu trắng xóa chờ đợi, mẹ tôi bảo:

- Nhà ta còn nghèo quá, không có tiền ủng hộ đâu con ạ!

Mẹ tôi, người tôi yêu thương nhất vừa nói thế ư? Nói trước những cảnh chết chìm, chết nổi của miền Trung ư? Mẹ nói như chính mẹ đang là một phần của “thế giới này”, cái thế giới khiến chúng ta “xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng của những người tốt”.

Cuộc đời không phải là màu hồng, tôi biết. Tôi thấy những gam màu đen loang lổ. Những tên sát nhân, giết người chỉ vì 50.000đ trong túi của kẻ khác; những thằng kẻ cướp sẵn sàng chặt tay, chân và lấy mạng sống của cả một gia đình; những ông bố mất tính người hiếp dâm con gái, những tài xế vì sợ tốn tiền nuôi một đứa trẻ mà cán qua người nó đến chết mới thôi… Tôi biết ! Người ta đang ngày một trở nên khủng khiếp như quỷ dữ. Và tôi còn biết, có một điều đáng sợ hơn nữa, có bao nhiêu người tốt đang im lặng trước cái xấu. Im lặng, im lặng và chỉ im lặng…Im lặng nhìn bé Duyệt Duyệt bị cán qua mấy lần. Bình thản! Im lặng nhìn một sinh viên bị móc túi trên xe Buýt. Vẫn bình thản! Im lặng  móc túi đưa tiền cho con đi xin việc làm. Trời ơi, lại cứ bình thản như thế!...Người phương  Tây nói: im lặng là vàng. Nhưng không thể cứ im miệng, im luôn cả đầu óc, im  thúc giục đôi tay, đôi chân, thúc giục trái tim nghĩ về người khác. Sự im lặng ấy là gì? Là kim cương chăng?

Hình như ngày càng nhiều người chấp nhận việc để cho quỷ dữ ra giá trái tim mình, ngày càng nhiều người thích hùa theo đám đông, im lặng. Họ bán lòng trắc ẩn, nỗi xót xa trước bao thân phận người, để mua sự an toàn. Chao ôi, tôi cứ nghĩ rồi người ta đang tự đi thụt lùi hàng mấy chục năm mất thôi. Cái thuở cả làng Vũ Đại trong tác phẩm của Nam Cao lục đục kéo nhau về sau khi xem thằng Chí Phèo ăn vạ tưởng đã qua lâu rồi. Thì họ cũng  muốn yên ổn thôi, khéo lại mang họa vào thân… thế thì ta đang đi về đâu? Đi đến đâu?

Ngày nhỏ, tôi cứ ám ảnh mãi những câu chuyện trong cuốn “ Những tấm lòng cao cả” của Et – môn -  đê – Ami – xi, mẹ Enrico viết thư cho con thế này: "Khi bà ấy đưa tay ra xin con một ít tiền, con đã ngoảnh mặt quay đi, trong khi đó mẹ biết chắc rằng trong túi con có vài xu nhỏ. Sao con không tưởng tượng ra người phụ nữ đó ở nhà cũng có con trai trạc tuổi con, nhưng lại đói khát, bệnh tật, nằm rũ rượi trên giường, mắt long sòng sọc, tội nghiệp, nghèo đói, dơ bẩn bao vây…"

Enrico không xấu, thâm chí trong trái tim cậu ấy có biết bao mầm thiện đang nảy nở. Vậy mà cậu im lặng khóa trái tim mình, chắc để giành cho cái gì đó vĩ đại hơn chăng? Chân và tay không động đậy, cứ bước thẳng. Rồi cái bước thẳng của bao nhiêu phường ngông ấy sẽ dẫn đến lối đi vào cõi Vô Cảm. Đã bao giờ chúng ta đặt chân vào lối đi ấy?

Mẹ Enrico viết tiếp rằng: “Nhà ta không giàu đâu con ạ. Nó còn có thể nghèo bất cứ lúc nào, và có thể mẹ sẽ phải đi ăn xin như người phụ nữ ấy, nhưng khi mẹ thấy con không cho mẹ tiền để mua bánh mì cho đứa con bệnh tật của mình, mẹ sẽ buồn lắm. Mẹ sẽ thấy cả thế giới như hoàn toàn sụp đổ, không ai biết yêu thương nhau. Đó là sự cô đơn thống khổ nhất, khi con gào thét và không ai đến cứu”

Vâng! Tôi nghẹn ngào trước những trang viết như thế, tôi rùng mình nghĩ nếu như ai cũng thờ ơ như thế thì khác nào chúng ta đào mồ mà chôn đi tình Yêu Thương, thứ báu vật của nhân loại? Khi ai cũng vì mình, vì mình thôi là đủ mệt lắm rồi, thế thì ta sống hay đang trôi đi? Ngày tháng năm thành hư vô, con người sống hư vô, tình yêu là hư vô…ta cứ đổ lỗi cho cuộc đời, cho người khác, ta cứ im lặng mặc kệ và yên tâm ta là người tốt. Ta mài mòn trái tim mình, cho nó cùn đi, cùn hẳn. Rồi đặt tay lên vùng ngực trái bỗng thấy trái tim không đập mà vẫn sống. Chao ôi, bàng hoàng!

Mẹ tôi không xấu, mẹ là người tốt. Nhưng câu nói của mẹ là sự im lặng đáng sợ. Nghèo thì sao? Là có quyền không giúp được người khác ư? Tôi nghĩ đến cái điều mà Nam Cao đã nói “ Khi người ta có một cái chân đau, người ta sẽ không cần nghĩ đến cái chân đau của người khác”. Lại một biện hộ cho thói vô cảm. Ai chả có nỗi đau, mẹ tôi cũng thế, mẹ nghèo quá, cháy da cháy thịt mới có tiền cho con ăn học. Thế mà xoẹt một cái, cho người ta 100.000đ, tiêng tiếc, mà biết tiền của mình có đến được tay người ta không? Mẹ không ác, mẹ không sai, mẹ nghèo, nhưng sao mẹ không yêu người hoạn nạn theo cách của người nghèo? Sao mẹ không thắp một nén nhang lên bàn thờ rồi cầu cho mọi gia đình được đoàn tụ? Không ai bị lũ cuốn đi, phải, không ai để lũ cuốn đi….

Có những người xấu, có những người han rỉ tâm hồn…Chúng ta không ác, chúng ta chưa xấu, nhưng nếu chúng ta cứ đi qua, đi qua dửng dưng… Nếu như thế, cái ác, cái xấu còn khủng khiếp hơn nữa, nó đưa ta đi đâu?

Tháng 11/2012

Theo VietNamNet