Nữ thủ khoa đam mê công nghệ nano

(Dân trí) -“Công nghệ nano như một mảnh đất màu mỡ đầy bí ẩn mà em muốn tìm hiểu và khai phá, nó mang nhiều thách thức nhưng cũng mang đến cơ hội thành đạt lớn cho những người có đam mê” - chia sẻ của Phạm Thái Hà, thủ khoa tốt nghiệp của Trường ĐH Công nghệ-ĐHQGHN.

Với điểm học tập toàn khóa: 3.70/4.00, Thái Hà được xếp loại rèn luyện toàn khóa mức Xuất sắc. Cô bạn cũng được giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội trao bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện khóa học 2008 - 2012.

Phạm Thái Hà, thủ khoa tốt nghiệp của Trường ĐH Công nghệ-ĐHQGHN năm 2012.
Phạm Thái Hà, thủ khoa tốt nghiệp của Trường ĐH Công nghệ-ĐHQGHN năm 2012.

 Là một trong những gương mặt thủ khoa tiêu biểu được thành đoàn Hà Nội tuyên dương năm 2012, Thái Hà gây ấn tượng bởi lối nói chuyện thông minh và dí dỏm. Lựa chọn cho mình ngành học “khó nhằn” mà con gái ít khi theo đuổi nhưng với cô bạn nghị lực và cá tính này thì đó là cả một sự đam mê từ khi còn rất nhỏ. Không giống với bạn bè cùng trang lứa, Thái Hà sớm thể hiện niềm yêu thích đặc biệt với việc tìm hiểu sự vận hành của máy móc và mọi hiện tượng xunh quanh cuộc sống. Cũng chính sở thích đặc biệt này đã nuôi giấc mơ được học và tìm hiểu về công nghệ nano của Hà.

Nói chuyện về ngành học, cô thủ khoa tâm sự: “Ban đầu khi em bắt đầu lựa chọn thi và học ngành này, bố mẹ em cũng rất lo lắng bởi sợ con gái vất vả và nó dường như phù hợp với con trai hơn. Tuy nhiên do em thích và có một sự thật đó là công việc ở ngành Vật lý kỹ thuật không hề nặng nhọc bởi các thiết bị máy móc, quy trình chế tạo đã được tự động hoá. Hơn nữa, em được biết rằng các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu rất cần những kỹ sư, nhà khoa học nữ vì bên cạnh chuyên môn cao, phụ nữ có những tố chất “thiên phú” riêng như sự tinh tế, khéo léo và sáng tạo. Điều này rất quan trọng đối với một thành công của một tổ chức khoa học. Vì những lí do đó nên em quyết tâm theo đuổi sở thích của mình”.

Hà kể lại hồi em học cấp 3, có một mẩu chuyện trên báo khiến em thực sự thích thú với ngành Công nghệ nano đó là câu hỏi “Tại sao thạch sùng lại bám dính và di chuyển được trên tường?”. Và lí do đó là vì bàn chân thạch sùng có hàng triệu lông tơ cực nhỏ cỡ nanomet, liên kết với tường bởi lực Van der Walls. Nếu như công nghệ nano phát triển, con người có thể chế tạo quần áo mô phỏng theo thạch sùng, mỗi chúng ta có thể trở thành người nhện leo trên các tòa cao ốc. Tìm hiểu thêm về ngành qua sách báo, em quyết định thi vào Khoa Vật lý kỹ thuật & Công nghệ nano của Trường ĐH Công nghệ - một trong số không nhiều cơ sở đào tạo chuyên về Công nghệ nano có chất lượng cao tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Thái Hà cũng chỉ ra khó khăn lớn nhất của sinh viên Vật lý kỹ thuật là các môn học chuyên ngành, đặc biệt là chuyên ngành Công nghệ nano. Các môn học này sinh viên cần thực hành nhiều để có thể hiểu thấu đáo lý thuyết. Hơn nữa, giáo trình tiếng Việt của chuyên ngành Công nghệ nano khá hiếm, đòi hỏi sinh viên phải tìm tòi nghiên cứu thêm trong tài liệu nước ngoài. Tình hình nghiên cứu Công nghệ nano trên thế giới rất sôi động, nên sinh viên cũng chịu áp lực thường xuyên cập nhật kiến thức thông qua các bài báo và hội nghị khoa học. Để học tốt các môn chuyên ngành cần phải đầu tư rất nhiều thời gian tâm sức.

Kinh nghiệm học của Hà là chăm chú trọng việc nghe giảng, nghe giảng và ghi chép đúng cách để tiết kiệm thời gian và công sức học ở nhà. Em thường đọc trước tài liệu cũng như sách tham khảo trước mỗi buổi học, đánh dấu những vấn đề quan trọng và khó hiểu, nhờ vậy bạn tiếp thu kiến thức tốt hơn đồng thời thấy bài giảng hay và dễ hiểu hơn. Nếu cảm thấy kiến thức khô khan, cô bạn thường dùng hình vẽ, màu sắc, âm nhạc hay bất cứ cách gì để làm nó trở nên vui nhộn.  

Bên cạnh đó, em cũng cố gắng sắp xếp thời gian tham gia các hội thảo về công nghệ nano tổ chức ở Hà Nội, hội thảo là những nguồn thông tin và kiến thức quý báu và tham gia nghiên cứu khoa học tại Phòng thí nghiệm Công nghệ micro và nano của Trường ĐH Công nghệ từ cuối năm thứ hai.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, Hà cho biết: “Em muốn trở thành nhà khoa học giỏi nên đã tham gia vào nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Công nghệ micro và nano và chương trình cao học ở Trường ĐH Công nghệ. Trong thời gian học tập và nghiên cứu ở trường, em cũng sẽ tìm kiếm học bổng du học để nâng cao kiến thức trong ngành học mà em đam mê”.

Phạm Oanh