Nước mắt thầy giáo cắm bản

(Dân trí) - Đôi mắt đỏ hoe, thầy Bùi Văn Thắng tâm sự: “Tôi sẵn sàng về hưu sớm để cháu (con gái thầy) được vào dạy ở trường nhưng không được. Hơn 30 năm cắm bản nhưng tôi không thể giúp con gái mình”.

Điểm trường bản Xốp Cháo (thuộc Trường tiểu học Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) nằm sâu trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Để vào được Xốp Cháo, phải vượt qua 17km lòng hồ cộng với 3km trèo đèo, lội suối, những người không quen đi rừng như chúng tôi vừa đi, vừa huy động cả mồm, mũi để thở.

Cô giáo duy nhất của điểm trường đã về nhà lo cơm nước, hai thầy giáo 1 già 1 trẻ chụm đầu chuẩn bị bữa trưa. Nói cho oai chứ bữa cơm cũng chỉ có quả bầu non cắt nhỏ xào và món cá suối nấu theo cách riêng của các thầy. Chợ búa xa, thôi có gì thì ăn nấy, cũng chẳng phải câu nệ gì.

Thầy Bùi Văn Thắng (SN 1962) là “trưởng lão” ở điểm trường này. Quê thầy ở thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) nhưng có đến 32 năm đi cắm bản. Hồi trẻ thì hết Yên Tĩnh, Nga Mi, Nhôn Mai (những xã vùng sâu của huyện miền núi Tương Dương - PV), có tuổi thì thầy về Lượng Minh. 12 năm thầy công tác ở Trường tiểu học Lượng Minh thì có đến 6 năm cắm bản ở Xốp Cháo. Thầy phụ trách lớp ghép 4+5 của điểm trường này.

Đôi mắt thầy Thắng đỏ hoe khi tâm sự về gia đình, về cô con gái tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng vẫn chưa có việc làm ổn định.
Đôi mắt thầy Thắng đỏ hoe khi tâm sự về gia đình, về cô con gái tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng vẫn chưa có việc làm ổn định.

 

Đặc thù của giáo dục miền núi, đặc biệt là giáo dục ở vùng sâu, vùng xa như thế này thì hoàn thành được chương trình dạy, đảm bảo học sinh đạt yêu cầu lên lớp cũng khó rồi chứ nói gì đến đạt thành tích này nọ. Nên 32 năm công tác, hỏi thầy về các danh hiệu như giáo viên dạy giỏi hay số lượng học sinh giỏi, thầy chỉ cười buồn. Nhưng có nỗi buồn lớn hơn mà khi vô tình chạm đến, người thầy và là người cha ấy đã không nén được cảm xúc của mình.

32 năm công tác xa nhà nên việc bảo ban, dạy dỗ con cái thầy “nhường” hết cho vợ. Cậu con trai đi bộ đội xong thì về làm công an viên của xóm. Cô con gái út Bùi Thị Như Hoa (SN 1993) quyết theo nghiệp “gõ đầu trẻ” của bố. Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Nghệ An khoa giáo dục tiểu học với tấm bằng loại khá, Hoa hăm hở về quê mang theo giấc mơ gieo chữ cho trẻ em bản nghèo vùng cao.

“Ra trường không xin được việc nên Trường tiểu học Lượng Minh cho Hoa vào dạy hợp đồng tại trường, công tác ở điểm trường bản Minh Tiến. Hợp đồng được 2 năm rồi, không biết bao giờ mới được vào biên chế vì trường chưa có chỉ tiêu. 32 năm công tác của bố không giúp gì được cho Hoa cả.

Nhiều khi tôi nghĩ, hay xin về hưu sớm nhường cho con “suất” biên chế nhưng quy định mới cũng không được. Nghĩ thương con mà tủi thân cho mình”, thầy Thắng tâm sự.

Đồng nghiệp của thầy Thắng là thầy Lô Văn Tuân cũng mang nhiều tâm tư của giáo viên cắm bản. Thầy Tuân năm nay 30 tuổi, quê xã Thanh Sơn (Thanh Chương, Nghệ An), cắm bản ở Xốp Cháo được 3 năm, phụ trách lớp ghép 3+1.

Thầy Tuân cũng có thâm niên 3 năm cắm bản ở điểm trường Xốp Cháo.
Thầy Tuân cũng có thâm niên 3 năm cắm bản ở điểm trường Xốp Cháo.

 

“Chuyện nghề thì nhiều lắm, kể không hết đâu. Khó khăn của giáo viên cắm bản là khó khăn chung rồi. Ngoài việc đảm bảo đúng chương trình, vận động học sinh đến lớp đủ, thường xuyên thì cũng phải làm quen với việc một giáo án 2 mục tiêu dạy học (1 giáo án cho 2 lớp). Làm giáo viên cắm bản phải giỏi “ngoại ngữ” nữa, nhiều khi phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Khơ-mú, tiếng Thái để học sinh có thể tiếp thu được nội dung bài giảng”, thầy Tuân tâm sự.

Vui buồn trong nghề thì nhiều nhưng nhắc đến gia đình, nụ cười của thầy giáo trẻ cũng kém tươi đi. Thầy công tác ở đây, vợ con lại ở quê, tháng đôi lần mới về thăm được bởi lẽ mỗi lần về là một lần tốn kém, ngót nghét nửa triệu bạc cả đi lẫn về.

Xốp Cháo chưa phủ sóng điện thoại nên việc thông tin từ ngoài vào hoặc từ trong bản ra chỉ có thể nhờ vào những chuyến thuyền vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Hơn 1 tháng trước, bố thầy Tuân mất, người nhà không thể thông tin cho thầy, đành thuê thuyền chạy ngược vào thông báo. Nhận tin dữ, ngay trong đêm, thầy phải thuê thuyền chạy ngược ra, thêm 2 chặng ô tô nữa mới về đến nhà, chẳng kịp nghe cha trăng trối một câu…

Chuyện khó khăn của giáo viên cắm bản ở vùng sâu, vùng xa là điều không mới. Với lòng yêu nghề, yêu trẻ, trách nhiệm với nghề nghiệp, các thầy, các cô đều cố gắng vượt qua để bám lớp, bám trường. Thế nhưng, đằng sau mỗi bài giảng, đằng sau mỗi giờ lên lớp luôn là những ưu tư, những nỗi buồn không dễ sẻ chia...

Hoàng Lam