Quảng Bình:

Nuôi ước mơ cho học sinh nghèo vùng biên

(Dân trí) - Chương trình "Nâng bước em đến trường" được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động năm 2014, trong đó có BĐBP tỉnh Quảng Bình. Và tính đến nay, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh này đã nhận đỡ đầu 71 học sinh Việt Nam và 7 học sinh nước bạn Lào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa được đến trường như các bạn bè cùng trang lứa.

Biên giới là nơi các chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, canh gác bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, biên giới cũng là nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống kinh tế còn thiếu thốn, lại thêm nhiều phong tục, tập quán trói buộc từ ngàn đời khiến việc tới lớp, tới trường để học và biết cái chữ của con em khu vực biên giới là điều rất khó khăn.

Để thay đổi cuộc sống vùng biên, điều kiện tiên quyết là nâng cao dân trí. Với mục tiêu đó, BĐBP Quảng Bình đã vào cuộc với nhiều chương trình hành động cụ thể, giúp con em đồng bào dân tộc được đến trường.

Trong quá trình thực hiện chương trình "Nâng bước em đến trường", Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa vào nghị quyết, xây dựng kế hoạch tổ chức phát động sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng và đã tạo được sự đồng thuận rất cao.

Em Nguyễn Văn Vũ, một trong số các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình nhận làm người đỡ đầu
Em Nguyễn Văn Vũ, một trong số các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình nhận làm người đỡ đầu

Các đơn vị biên phòng trên hai tuyến biên giới đề ra những phương án cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường nơi đóng quân tiến hành vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, vận động cán bộ, chiến sĩ của đơn vị trích tiền lương, phụ cấp của mình để gây quỹ hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đại tá Vũ Mạnh Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Quảng Bình nhấn mạnh: Chương trình "Nâng bước em đến trường" là một chủ trương hiệu quả thiết thực của Bộ Tư lệnh BĐBP đã giúp đỡ cho nhiều học sinh nghèo trên vùng biên giới tiếp tục được cắp sách tới trường, thời gian tới BĐBP Quảng Bình sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh để giúp đỡ con em đồng bào các dân tộc, con em các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập”.

Đại tá Lượng cho biết thêm, đến nay Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã nhận đỡ đầu 71 học sinh Việt Nam và 7 học sinh nước bạn Lào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa. Đơn vị nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ mỗi em học sinh từ 300 đến 500 ngàn đồng/tháng.

Ngoài định mức hỗ trợ, tùy hoàn cảnh của mỗi em và căn cứ điều kiện đơn vị, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình còn có thể tặng quà xe đạp, tiền mặt và hỗ trợ quần áo, sách vở, đồ dùng và dụng cụ học tập khác cho các em với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Những việc làm ý nghĩa đó đã được chính quyền địa phương và đội ngũ giáo viên, học sinh nhà trường hết sức ghi nhận. Thầy giáo Nguyễn Thọ Sinh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Những việc làm thiết thực của Bộ đội Biên phòng đã giúp nhà trường cùng các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp thêm ý chí và nghị lực để phấn đấu, vươn lên trong học tập”.

Em Hoàng Thị Via, học sinh lớp 7A, Trường Tiểu học THCS xã Lâm Thủy xúc động nói: “Cháu cảm ơn các chú Bộ đội Biên phòng nhiều lắm! Cháu xin hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng các chú”.

Các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình chăm sóc tường tận từ việc ăn mặc đến học hành cũng như mọi sinh hoạt trong cuộc sống
Các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình chăm sóc tường tận từ việc ăn mặc đến học hành cũng như mọi sinh hoạt trong cuộc sống

Cũng như bao học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác, Đinh Nân năm nay 8 tuổi, em là một trong những học sinh tiêu biểu người Ma Coong của bản 61, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Đinh Nân mồ côi bố từ nhỏ, và để khích lệ tinh thần của em, Đồn Biên phòng Cà Roòng - một đơn vị đỡ đầu cho bản 61, đã đưa Đinh Nân vào danh sách của chương trình “Nâng bước em đến trường”, mỗi tháng, Đồn Biên phòng Cà Roòng hỗ trợ Đinh Nân và một số trẻ em ở bản 61, nhiều sách vở, quần áo và 500 ngàn đồng/tháng.

Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Ròong cho biết: “Tất cả các em ở đây hoàn cảnh rất khó khăn nhưng đều có ý chí vươn lên trong học tập, qua việc làm này chúng tôi thấy rằng tình cảm quân dân nơi biên giới càng được thắt chặt và gắn bó nhiều hơn”.

Ngoài việc hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng biên giới ở Quảng Bình, Đồn Biên phòng Cà Roòng còn phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Khăm Muộn nước CHDCND Lào thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” giúp đỡ một số em học sinh nước bạn Lào có hoàn cảnh khó khăn được đi học.

Sa Vin, học sinh Trường Tiểu học Noọng Ma, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào) là một trong các học sinh mồ côi, đã nhận được sự giúp đỡ của Bộ Đội biên phòng tỉnh Quảng Bình. Sự quan tâm đó đã khiến em có thêm động lực để cố gắng hơn trong học tập. “Cháu rất cảm ơn các chú Đồn Biên phòng Cà Roòng đã giúp đỡ cháu có điều kiện được đến trường học chữ như bao bạn trẻ khác”, Sa Vin xúc động nói.

Trong niềm vui ấy, ông Xiêng Khăm,Trưởng bản Noọng Ma, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm (Lào) hồ hởi: “Bà con dân bản ở đây rất phấn khởi trước tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng và mong rằng thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đó để con em ở đây có điều kiện được đến trường học hành tốt hơn”.

Chương trình “Nâng bước em tới trường” không chỉ dừng lại ở ý nghĩa giúp đỡ, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới có điều kiện học tập tốt hơn. Chương trình còn thể hiện tinh thần đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa các lực lượng bảo vệ biên giới và sự gắn kết bền chặt giữa quân dân hai tỉnh nói riêng và 2 nước Việt Nam - Lào nói chung.

Người lính biên phòng ngoài nhiệm vụ là bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia còn có những việc làm nhân văn đầy trách nhiệm, đầy tình thương với thế hệ tương lai, góp phần nâng cao dân trí cũng như cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống nơi vùng biên cương.

Đức Trí - Đặng Tài

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục