“Ốc đảo” của các “kỹ sư tâm hồn”

Có “thực tế” tại hai trường mầm non và tiểu học xã Yên Lương (Thanh Sơn, Phú Thọ) mới thấu hiểu được những thiệt thòi và sự hy sinh thầm lặng của các giáo viên tình nguyện gắn bó với đồng bào dân tộc vùng cao.

Xa chợ và trung tâm huyện hàng chục cây số, tập thể giáo viên ở đây như sống trong một “ốc đảo”, biệt lập với nhịp sống hối hả bên ngoài.

 

Cùng nằm trong một khuôn viên, hai trường có 8 lớp học với gần 100 học sinh của 3 bản vùng cao là Bồ Chồ, bản Quất và bản Náy. Đã từ lâu, không chỉ dạy trong những phòng học tranh tre nứa lá mà nơi ở của các giáo viên cũng rất tạm bợ với vách tre (4 gian dành cho 10 người).

 

Trong không gian chật hẹp ấy, các thầy cô phải sắp xếp cho đủ nào là giường ngủ, phòng làm việc ghép lại bằng những thanh tre dán thêm báo và bạt để mưa đỡ hắt vào trong nhà. Nhiều hôm, mưa thấm qua vách ướt hết quần áo nên thầy cô mặc luôn đồ ẩm ướt đi lên lớp là “chuyện cơm bữa”.

 

Nước sinh hoạt cũng thiếu, sau những giờ lên lớp, các thầy cô phải xách nước để dùng. Tắm, giặt thì thường ra suối hoặc nhờ nhà dân. Lương thực chủ yếu là đồ khô, cá mắm được tích trữ hàng tháng trời. Thỉnh thoảng lắm, mới có người xuống chợ để được bữa ăn tươi. Các giáo viên hóm hỉnh: “Chúng tôi có nhiều tiền lắm vì chẳng có chỗ tiêu”.

 

Đời sống vật chất thiếu thốn như vậy, nhưng trớ trêu thay, đời sống văn hóa tinh thần của những người dạy văn hóa càng khó khăn hơn. Các thầy cô gần như sống tách biệt với thế giới, xa mọi thông tin vì “3 không” (đài, ti vi, báo chí)...

 

Ngoài việc động viên các thầy cô gắn bó với trường bằng cách thi đua dạy tốt thì nhà trường cũng chẳng biết làm gì hơn. Hiểu được phần nào những khó khăn của các giáo viên ở đây, hàng năm chính quyền địa phương đều trích ngân sách xã và huy động sức đóng góp của nhân dân (vật liệu và ngày công) để sửa chữa phòng học, nhà ở cho giáo viên.

 

Nhưng cũng không không xuể vì ngân sách có hạn, mọi sửa chữa cũng chỉ mang tính chất “giải pháp tình thế”...

 

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện cuộc vận động “2 không” với 4 nội dung nhằm nâng cao chất lượng và chấn hưng giáo dục. Tuy nhiên, với thực trạng cuộc sống của giáo viên như trên thì liệu kết quả đạt được có như mong muốn không bởi thầy cô giáo chỉ “nhấp nhổm” mong chuyển vùng hay chuyển nghề (?!).

 

Theo Hương Thu
Tiền Phong