Ông giáo làng dạy sử Hoàng Sa

Nhiều năm nay, chương trình giảng dạy lịch sử địa phương cho học sinh khối THCS của huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) có một tiết học đặc biệt về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trăn trở với một chương đau thương của lịch sử dân tộc, thầy giáo Trần Văn Vàng đã dày công nghiên cứu, soạn thảo với mong muốn Hoàng Sa, Trường Sa sẽ sống mãi trong tim những học trò của ông.
 
Đi tìm Hoàng Sa, Trường Sa

Thầy Trần Văn Vàng - tổ trưởng tổ lịch sử - địa lý - GDCD trường THCS Đức Chánh (H. Mộ Đức) năm nay tuổi khai sinh mới chỉ 56 nhưng tuổi thật đã qua lục tuần, với thâm niên hơn 30 năm giảng dạy môn lịch sử, thầy Vàng thường được Phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức tín nhiệm phân công viết các chuyên đề liên quan đến đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.

Năm học 2007 - 2008, thực hiện quy chế của Bộ GD&ĐT về giảng dạy lịch sử địa phương, thầy Vàng được phòng phân công soạn thảo 7 bài học về lịch sử Quảng Ngãi để đưa vào chương trình của khối THCS. Trong 7 bài học ấy, “Nhân dân Quảng Ngãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” là bài học ông dành nhiều tâm huyết nhất. Ông chia sẻ: “Đó là nơi không chỉ tôi mà mỗi người Việt Nam đều đau một nỗi đau chung”.

Thầy Vàng kể: “Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974 khi đất nước đang chia cắt, lúc đó tôi còn đi học và đã xuống đường để phản đối Trung Quốc, đến năm 1988 Trung Quốc lại đánh chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, đất nước thống nhất nhưng đang đối mặt vô vàn khó khăn”. Dù là người chứng kiến những mốc lịch sử bi hùng ấy, nhưng thầy Vàng cho biết quyết định viết về Hoàng Sa, Trường Sa là một lựa chọn “xương xẩu”. Bởi lịch sử không chỉ được viết bằng cảm xúc mà phải có dữ liệu chính xác, trong khi thời điểm đó các tài liệu chính thống về chủ quyền biển đảo được xuất bản khá ít ỏi, nhiều tài liệu nằm ngoài khả năng tiếp cận của một ông giáo làng.

Suốt nửa năm sau, thầy Vàng một mình rong ruổi khắp nơi để tìm kiếm tư liệu lịch sử, tìm kiếm sự giúp đỡ của những nhà nghiên cứu lịch sử, thư viện tỉnh… để được tiếp cận tài liệu chính sử về Hoàng Sa - Trường Sa. Thầy Vàng chia sẻ: “Trong lúc nghiên cứu có một số khúc mắc về Đội Hùng binh Hoàng Sa chưa tìm ra lời giải thấu đáo, tôi phải khăn gói ra huyện đảo Lý Sơn để gặp những truyền nhân của họ, lịch sử lưu truyền trong dân gian kết hợp với các tài liệu thu thập được làm cho các khúc mắc được sáng rõ”. Giữa năm học 2007 - 2008, bài học “Nhân dân Quảng Ngãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” đã hoàn thành, được sự ủng hộ của Phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức, bài học được bố trí vào tiết học 56 trong chương trình lịch sử lớp 7 trên toàn huyện.

Bài học gây được tiếng vang, bởi đó là bài học đầu tiên dạy cho học sinh về Hoàng Sa - Trường Sa ở Quảng Ngãi, một tỉnh gắn bó mật thiết với chủ quyền biển đảo. Nhiều người tìm đến nhà không khỏi ngạc nhiên khi biết ông và vợ còn chăm đến 8 sào ruộng để nuôi con ăn học, nói vậy để thấy tâm huyết ông dành cho “bài học chủ quyền” ấy lớn đến nhường nào. Thầy Vàng tâm sự: “Nhiều khi quá bận rộn, tôi chỉ cần hình dung ra cảnh học trò sẽ chăm chú nghe giảng về Hoàng Sa, Trường Sa là bao mệt mỏi tự nhiên tan biến đâu hết”.
 
Thầy Trần Văn Vàng và tài liệu giảng dạy về Hoàng Sa - Trường Sa cho học sinh.
Thầy Trần Văn Vàng và tài liệu giảng dạy về Hoàng Sa - Trường Sa cho học sinh.

Thổn thức với bài học chủ quyền

Bài học đã “lên khuôn” nhưng tâm nguyện của ông vẫn còn dang dở, bởi điều cấp thiết nhất bấy giờ là phương pháp truyền đạt để kiến thức đến được với học trò trọn vẹn nhất. Thầy Vàng chia sẻ: “Trong lúc tập huấn nghiệp vụ để phổ biến chương trình, tôi đã nói với các đồng nghiệp rằng quan trọng nhất là ở người thầy, với mong muốn họ sẽ tìm tư liệu, hình ảnh để bài học thêm trực quan, sinh động”.

Về phần mình, thầy Vàng tiếp tục mày mò nghiên cứu công nghệ thông tin để thử nghiệm bài giảng điện tử, sưu tầm thêm hình ảnh về Hoàng Sa - Trường Sa cho trình chiếu trực quan. Cuối năm học 2007 - 2008, bài học chủ quyền kết hợp trình chiếu bằng những hình ảnh sống động, với sự giảng giải tận tình của thầy Vàng được học trò đón nhận một cách say mê. Thầy Vàng kể: “Đến đoạn tôi nói về những người lính hy sinh trong hai trận hải chiến làm nhiều em mắt đỏ hoen, có em bật khóc nức nở”.

Thầy Vàng chia sẻ: “Có em hỏi rất ngây ngô là Hoàng Sa còn mấy đảo của mình, tôi chỉ nhẹ nhàng giảng giải vì biết em chưa được học, không phải học sinh không quan tâm đến lịch sử mà do cách dạy của mình thôi”. Thầy Vàng giải thích: “Bài học về Hoàng Sa - Trường Sa được đưa vào giảng dạy cho lớp 7 vì trong sách giáo khoa có bài về giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, đó là thời điểm Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được thành lập”. Sắp xếp các sự kiện bằng mối liên kết như vậy học sinh sẽ dễ liên tưởng và tiếp thu bài học.

Ngoài tiết học 56 về chủ quyền, thầy Vàng còn đề xuất trường THCS Đức Chánh mở cuộc thi về biển đảo hằng năm. Những phần thi như hát về biển đảo, viết về biển đảo quê em vừa là giờ “thực hành” của tiết học 56, vừa là chất xúc tác để hun đúc tình yêu quê hương, biển đảo trong các em.

Nặng lòng với Hoàng Sa - Trường Sa, tiết học thứ 56 thành nỗi trăn trở thường trực trong ông. Đến nay, bài học đã được chỉnh lý, bổ sung ba lần. Lần gần đây nhất là năm 2013, ông đã đưa bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh vào bài học để khẳng định cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. “Tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện bài học này chừng nào tôi còn đứng lớp”, ông nói.

Gặp ông trong những ngày biển Đông dậy sóng, thầy Vàng cho biết ông không bỏ sót một chương trình thời sự nào để bám sát thông tin về tình hình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam. Ông giáo làng vẫn đau đáu với biển, với Hoàng Sa - Trường Sa dù tuổi già, vai mỏi. “Tôi chỉ còn một tâm niệm, là không chỉ học sinh trường THCS Đức Chánh, học sinh huyện Mộ Đức, mà chương sử bi hùng về Hoàng Sa - Trường Sa sẽ được đưa cặn kẽ, chi tiết vào sách giáo khoa để thế hệ trẻ biết đến một thời ông cha rẽ sóng ra khơi mở cõi, biết đến những người lính hy sinh vì tổ quốc. Để Hoàng Sa - Trường Sa sống mãi trong tim các thế hệ mai sau”.
 
Theo Linh Phạm
Lao Động