Ông thầy “điện thoại di động”

Giáo viên giỏi cấp toàn quốc, được Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong giảng dạy.

Sống trong một gia đình nông dân nghèo khó, sau khi tốt nghiệp cấp 3 ở Huế năm 1979 Nguyễn Văn Nhị thi vào Trường Công nhân Bưu điện II - Đà Nẵng, anh đã phấn đấu nỗ lực vượt qua khó khăn trở thành học viên tốt nghiệp loại giỏi của trường và được giữ lại để bồi dưỡng làm công tác giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật Cáp máy.

 

Tiếp những năm sau đó, theo yêu cầu chuẩn hóa, vừa dạy vừa học anh đã tốt nghiệp Khoa Điện tử Viễn thông ĐH Bách khoa TPHCM. Năm 1997 anh đã đạt danh hiệu giáo viên (GV) giỏi cấp TP, năm 2000 đạt danh hiệu GV giỏi cấp toàn quốc và đặc biệt là được Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong giảng dạy.

 

Thành tích nổi bật của Nguyễn Văn Nhị là sự nỗ lực cải thiện chất lượng giảng dạy. Tâm huyết với nghề, anh đã tự tạo ra những học cụ cần thiết để giảng dạy cho sinh viên như: mô phỏng hệ thống cáp thông tin, mô phỏng máy điện thoại trải rộng Siemens... Những dụng cụ này có một ý nghĩa rất quan trọng bởi nó là “kính hiển vi” soi rõ những vi mạch để học sinh có thể tiếp cận một cách rõ ràng, khi ra trường có thể bắt tay vào làm việc mà không gặp bất kỳ một bỡ ngỡ nào.

 

Khi nhà trường cho nhập các trang thiết bị mới về, Nguyễn Văn Nhị cùng các đồng nghiệp ngày đêm nghiên cứu để dạy lại cho học viên. Chẳng hạn việc chuyển đổi hệ thống điện thoại từ cơ sang phím ấn (analog-> digital), máy “hàn nối cáp quang”, anh Nhị đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, thử đi thử lại nhiều lần để nắm chắc nguyên lý và viết giáo trình cho học viên nghiên cứu.

 

Mới đây là cùng các GV trong tổ bộ môn nghiên cứu nguyên lý hoạt động của máy điện thoại di động, tốn rất nhiều thời gian và kinh phí so với đồng lương của giáo viên nhưng anh Nhị cố gắng để sớm đưa vào giảng dạy môn này trên lớp. Ngoài các mô hình học cụ đã tạo ra, Nguyễn Văn Nhị còn viết ra 3 giáo trình về kỹ thuật viễn thông, vật liệu điện tử, lý thuyết cáp quang.

 

24 năm trong nghề, mong ước của anh không gì hơn là muốn tạo ra được nhiều học cụ giúp cho học viên hoàn thiện kỹ năng chuyên môn, từ đó khi ra trường sẽ có những người thợ đúng nghĩa mà xã hội cần.

 

Theo Tr.Hân - Anh Tuấn

Người Lao Động