PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Đừng đặt nặng vấn đề điểm số

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, lâu nay, trong nhận thức phụ huynh luôn kỳ vọng, đã đi học là phải giỏi các môn văn hóa, đặc biệt phải giỏi Văn - Toán nên thường chỉ quan tâm điểm số. Họ không có ý thức con học như thế nào, có năng lực gì mà quan tâm, định lượng năng lực con bằng điểm.

Hơn nữa, truyền thống giáo dục nước ta từ trước đến nay là đánh giá bằng điểm số, lấy điểm số làm căn cứ đánh giá, xếp loại trẻ. Thậm chí có những đứa trẻ bản thân rất tốt nhưng vì điểm học tập chưa tốt mà bị xếp hạ bậc hạnh kiểm. Như vậy, cách đánh giá của nhà trường và cách đánh giá của phụ huynh đã gây áp lực lên đứa trẻ rất nhiều. Trong khi theo học thuyết thông minh đa trí tuệ, con người có nhiều loại hình thông minh khác nhau, có loại hình này nổi trội hơn loại này khác: ví dụ như ngôn ngữ, toán học, không gian thị giác, âm nhạc, tự nhiên, giao tiếp, nội tâm...

“Trên thực tế, những người có chỉ số IQ cao nhưng thành đạt chỉ đạt 25%. Trong lúc đó, nhiều người không có chỉ số IQ như vậy họ ra đời lại rất thành đạt, điều này được lý giải là do họ có chỉ số cảm xúc EQ tốt. Mà chỉ số EQ được hình thành qua quá trình trải nghiệm, từ đó hình thành cảm xúc, sáng tạo”, PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh phân tích”.

Cũng theo PGS, chính cha mẹ là người chưa hiểu mục tiêu giáo dục đứa con phải phát triển theo hướng nào nên chỉ biết ép con phải học giỏi, để có chỉ số IQ cao, phải lọt top đầu để thành đạt cho nên tạo áp lực lên con rất lớn. Ví dụ, cầu thủ đá bóng giỏi sẽ có chỉ số thông minh về cơ thể; ca sĩ sẽ có chỉ số thông minh về âm nhạc, người thợ cơ khí có chỉ số thông minh về độ chính xác, kỹ thuật... Thế giới đã rút ra bài học, nhiều người nổi tiếng, thành đạt không hẳn là người có chỉ số IQ cao. Trong khi tâm lý của người Việt hiện vẫn nặng về bằng cấp.

PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng, Bộ GD&ĐT đang thực hiện đổi mới giáo dục, đổi mới mục tiêu giáo dục và đánh giá HS, vì vậy sắp tới cũng sẽ không chỉ chú trọng về điểm số. Phụ huynh cũng cần phải thay đổi, bằng việc thường xuyên tương tác với trẻ, biết năng lực của con mình, biết con mình nổi trội năng lực gì để khuyến khích trẻ phát triển. Ngoài ra, phải dạy cho trẻ hiểu và tôn trọng giá trị sống của mình và giá trị của người khác, đừng đặt nặng vấn đề điểm số.

Trên thực tế, câu chuyện học giỏi chưa chắc đã thành công, bằng cấp không nói lên tất cả đã được minh chứng rất nhiều. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện (Hà Nội) chia sẻ, quá trình đào tạo ở trường ông chứng kiến nhiều cử nhân thậm chí là thạc sỹ bằng giỏi phải quay trở lại trường để học nghề. Nhiều em phải giấu bằng ĐH để xin vào các khu công nghiệp, khu chế xuất làm công nhân. “16 hay 18 năm đèn sách, có ai khẳng định những học sinh này không học giỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là phải có kỹ năng và các phẩm chất khác, không chỉ học giỏi hay bằng cấp”, ông Ngọc nói.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, bố mẹ, thầy cô nào cũng đặt kỳ vọng vào con cái, tuy nhiên nên kỳ vọng ít thôi để lắng nghe, hỗ trợ con. Khi con gặp các áp lực trong học tập, các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô thì các em rất cần sự quan tâm từ gia đình, bố mẹ. Nhiều gia đình chỉ vì mong muốn con học thật giỏi mà làm thay hết tất cả các việc trong nhà, trong khi chính những công việc đó có thể là cơ hội để con hiểu giá trị lao động, gần gũi, chia sẻ với bố mẹ.

Hãy hỏi “hôm nay con đi học có vui không?”

PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Giáo dục lâu nay vẫn nặng về áp đặt, thầy cô nói, học trò nghe. Nhưng khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học có thể thấy, hiện nay tâm lý của phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tích cực của học sinh về tâm lý và chỉ quan tâm xem con có giải được bài này, có hiểu được bài kia không. Tôi nghĩ, cần có sự hỗ trợ của phụ huynh, thông cảm cho giáo viên, không nóng vội, đừng chỉ tập trung vào xem con có học giỏi hay không”. Ông Thành cho rằng, cha mẹ nên hỏi con xem “hôm nay đi học có vui không” thay vì câu cửa miệng “hôm nay con được mấy điểm?”.

Theo Nguyễn Hà

Tiền Phong