Phải đổi mới quản lý trước khi bỏ biên chế giáo viên

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT hãy tập trung vào đổi mới chương trình, đội ngũ cán bộ quản lý, xóa bệnh thành tích rồi hãy tính đến việc bỏ biên chế đối với giáo viên.


Trước khi nghĩ đến chuyện bỏ hình thức biên chế của giáo viên thì phải suy nghĩ lại xem chất lượng giáo dục kém nguồn gốc là do đội ngũ giáo viên hay là đội ngũ quản lý giáo dục?

Trước khi nghĩ đến chuyện bỏ hình thức biên chế của giáo viên thì phải suy nghĩ lại xem chất lượng giáo dục kém nguồn gốc là do đội ngũ giáo viên hay là đội ngũ quản lý giáo dục?

Trong khi các thầy cô giáo còn đang băn khoăn, trăn trở trước Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới với nhiều vấn đề bàn chưa ngả ngũ, thuyết phục thì vừa qua hàng triệu giáo chức cả nước lại xôn xao trước một thông tin: sẽ tiến tới xóa bỏ biên chế đối với giáo viên!

Xem lại đội ngũ quản lý

Theo bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, chế độ hợp đồng lao động, có vào - có ra, có chính sách đãi ngộ hợp lý để nâng cao chất lượng và thanh lọc đội ngũ nhà giáo. “Việc sắp xếp này không phải giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền”.

Vậy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thực hiện chế độ hợp đồng đối với tất cả giáo viên là vì mục đích nâng cao chất lượng giáo dục. Vậy phải chăng điều đó có nghĩa là những giáo viên trong biên chế bấy lâu nay là nguyên nhân của những yếu kém, trì trệ trong giáo dục?

Nhưng, hiện tượng một số giáo viên trong biên chế có tác phong làm việc ì ạch, trì trệ, không phải không có, nhưng trường hợp này rất ít. Và nguyên nhân không phải từ chế độ biên chế giáo viên.

Những trì trệ, yếu kém trong thời gian qua của ngành không phải lỗi ở biên chế, mà chủ yếu ở tầm vĩ mô, cơ chế quản lý, điều hành của ngành.

Chương trình giáo dục quá tải, nhồi nhét; sách giáo khoa bất cập; tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; bệnh thành tích chưa giảm; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhiều nơi còn thiếu thốn. Bạo lực học đường gia tăng, có nơi có lúc trường học chưa phải là nơi an toàn. Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) với tổng kinh phí hơn 1900 tỷ đồng bị thất bại. Đề án ngoại ngữ quốc gia tiêu hết khoảng 5.400 tỷ đồng nhưng không về đích. Rất nhiều năm giáo dục chỉ loay hoay với chuyện thi cử. Chính Bộ trưởng cũng từng so sánh “Bộ GD&ĐT giống Bộ thi” để nói về tình trạng này.

Trước khi nghĩ đến chuyện bỏ hình thức biên chế của giáo viên thì phải suy nghĩ lại xem chất lượng giáo dục kém nguồn gốc là do đội ngũ giáo viên hay là đội ngũ quản lý giáo dục?

Cải cách không thể làm từ dưới lên trên

Biên chế của giáo viên từ đâu mà có? Theo Luật Viên chức do Quốc hội ban hành. Vậy Bộ GD&ĐT căn cứ vào đâu để xóa bỏ biên chế đối với giáo viên? Bộ GD&ĐT không thể đủ thẩm quyền để bỏ biên chế viên chức. Phải thay đổi luật trước rồi mới nói đến chuyện tiến tới xóa bỏ chế độ biên chế đối với giáo viên.

Tất nhiên, việc bỏ biên chế sẽ là động lực để giáo viên hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh lành mạnh, sàng lọc đội ngũ, thu hút người tài, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Nhưng đổi mới mang mang tính tổng thể, nếu chỉ cải cách hành chính đối với giáo viên, e rằng mục tiêu nâng cao chất lượng sẽ khó khả thi.

Mục đích xóa bỏ biên chế để tạo một sân chơi cạnh tranh cho những người thực sự có năng lực, buộc người thầy cần phải tự nâng cao năng lực chuyên môn, trau dồi phẩm chất của mình để không bị đào thải. Nếu như vậy thì không riêng gì giáo viên, các quan chức lãnh đạo giáo dục từ Bộ, Sở, Phòng cũng phải như thế, không để “tư duy nhiệm kỳ” của họ làm cản trở bước tiến của giáo dục.

Có người nói, các trường học cũng như nhà máy, cần phải công nhân tay nghề cao thì mới ra sản phẩm tốt, nhưng họ quên mất yếu tố quản lý của ban lãnh đạo, điều hành, yếu tố thiết kế, cải tiến của những kỹ sư. Đổi mới, cải cách phải từ trên xuống, từ gốc đến ngọn. Cải cách mà làm từ dưới lên thì rất ngược đời.

Đội ngũ quản lý giáo dục dùng hợp đồng, chế độ đãi ngộ để đánh giá giáo viên vậy dùng cái gì để đánh giá chất lượng của đội ngũ quản lý ấy? Trong khi chất lượng giáo dục phải trải qua một quá trình, chứ không phải ngày một ngày hai là nhìn thấy được.

Chất lượng giáo dục phải do học sinh, phụ huynh và xã hội đánh giá mới thật chính xác, chỉ dựa vào ý chí quản lý hành chính để đánh giá là chưa đầy đủ, thiếu khách quan.

Lo thiếu tính thực tiễn

Nói xóa bỏ biên chế để sàng lọc đội ngũ thì không riêng gì ngành giáo dục mà tất cả các ngành khác cũng đều cần áp dụng. Vậy tại sao không xóa bỏ công chức, viên chức trong toàn bộ máy hành chính? Vì tham nhũng, hối lộ chủ yếu diễn ra ở cơ quan công quyền chứ không phải giáo viên, những người chỉ có giấy và phấn. Có người băn khoăn hỏi rằng: Khi bỏ chế độ viên chức trong ngành giáo dục thì giáo viên được xếp vào thành phần nào của xã hội ?

Bộ cứ tập trung vào đổi mới chương trình xem kết quả như thế nào đã vì còn bao vấn đề chưa thuyết phục rồi hãy tính đến việc bỏ biên chế. Đây có phải là nguyên nhân chính đâu vì nếu vậy thì cần gì phải đổi mới chương trình. Hãy đổi mới quản lý trước rồi hãy nghĩ đến chuyện xóa biên chế đối với giáo viên.

Bỏ thì dễ hơn làm. Quản lý không được thì bỏ, đó là hạ sách. Bỏ biên chế thì dễ nhưng với trình độ quản lý như hiện nay ai kiểm soát, đánh giá được chất lượng giáo viên? Ai sẽ có quyền ký hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng với giáo viên? Và liệu người đó có phải là một vị “Bao Thanh Thiên” cầm cân nảy mực?

Bỏ chế độ công chức, viên chức đối với giáo viên là một ý tưởng tốt nhưng thiếu tính thực tiễn, tính khả thi. Bởi lẽ, cơ chế quản lý hiện nay còn thiếu minh bạch, còn không ít những biểu hiện yếu kém, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu.

Mỗi khi chưa đổi mới được bộ máy quản lý, bất cập trong thi cử, bệnh thành tích còn hoành hành... thì xóa bỏ biên đối với giáo viên... sẽ tạo thêm mảnh đất mới cho tiêu cực, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, bè phái, cục bộ nảy sinh.

Lê Xuân Chiến