Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm:

“Phải học cái xã hội cần, học để làm, học để cống hiến…”

(Dân trí) - Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, 57 năm hoạt động trong ngành ngoại giao, được chọn là nhân vật nổi tiếng (Eminent Person) trong khối ASEAN... tân Chủ tịch Hội Khuyến học VN Nguyễn Mạnh Cầm còn được nhắc đến như một tấm gương hiếu học, suốt đời học tập và phấn đấu không ngừng.

Nhân dịp xuân mới Bính Tuất 2006, ông có cuộc trò chuyện thân mật với Khuyến học & Dân trí về những chặng đường hoạt động của  mình và mục tiêu công tác phát triển  khuyến học trong nhiệm kỳ 2005- 2010.

 

Được biết đến như một tấm gương hiếu học, suốt đời học tập, phấn đấu, Chủ tịch có thể cho biết đôi nét về những chặng đường học tập và hoạt động của mình?

 

Tôi  sinh ra và lớn lên ở xã Yên Dũng thượng, Hưng Nguyên (nay là phường Hưng Dũng, Thành phố Vinh, Nghệ An), một xã sớm có phong trào cách mạng và là nơi chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập, là cơ sở của nhiều đồng chí lãnh đạo xứ uỷ và một số đồng chí Trung ương. Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nhiều con em của xã đã anh dũng hi sinh trong đó có những người là họ hàng thân thích của tôi. Do đó xã đã được Bác Hồ tặng danh hiệu “Làng Đỏ”. 

 

Bố tôi là công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, tham gia Cách mạng từ 1931. Trong môi trường đó, tôi sớm được giác ngộ. Tháng 7/1945, mới 16 tuổi tôi đã được tham gia Ban khởi nghĩa chuẩn bị giành chính quyền ở xã và tiếp đó giành chính quyền ở thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh). UBNDCM xã được thành lập, tôi nhận nhiệm vụ Thư ký uỷ Ban. Ít lâu sau, tôi được điều động lên huyện làm Bí thư thanh niên kiêm Chánh văn phòng huyện ủy.

 

Quê tôi có truyền thống hiếu học và nhiều người nửa đùa nửa thật gọi dân quê tôi là “dân học gạo”. Giữa năm 1948, tôi được cử đi học lớp văn hóa kháng chiến của Liên khu 4 dạy các môn văn, hoạ, nhạc, kịch. Chính những kiến thức tôi nhận được ở lớp này đã giúp tôi rất nhiều trong hoạt động ngoại giao sau này. Kết thúc khoá học, tôi được điều động về làm việc tại UBHC Liên khu 4.

 

Năm 1950, Đảng và Nhà nước chủ trương chọn một số khoảng 300 cán bộ trẻ ở khắp các địa phương gửi ra nước ngoài học tập để chuẩn bị cho công cuộc kiến thiết đất nước sau này. Tôi may mắn được chọn trong số đó. Chúng tôi tập trung ở Việt Bắc học chính trị và chuẩn bị lên đường.

 

Vào một buổi chiều tháng 5, trong khi các đoàn học sinh (được phân công từng ngành học) đang rộn ràng chuẩn bị cho ngày lên đường thì Bác Hồ đến. Bác đến bất ngờ, không báo trước làm cho niềm vui sự xúc động của chúng tôi lần đầu tiên được gặp Bác tăng lên gấp bội. Hàng trăm con người quây quần xung quanh Bác trên thảm cỏ, giữa rừng Việt Bắc, im phăng phắc nghe Bác dặn: “Ngày xưa, con quan, con nhà giàu đi du học để về đè đầu dân. Ngày nay, các chú đi học là để về phục vụ nhân dân, phục vụ Cách mạng. Do trong nước chưa có điều kiện nên Đảng và Nhà nước cử các chú sang nước bạn , nhờ nước bạn đào tạo nên các chú phải ra sức học tập, học cho tốt để về làm việc cho tốt”.

 

Bác còn dặn dò rất kỹ về cách đối xử với bạn, về thái độ học tập, về ý thức tổ chức kỷ luật đối với việc  phân công ngành học và phân công công tác sau này (lúc này việc đi học cũng như đi làm việc gì, ở đâu hoàn toàn do sự phân công của tổ chức, không có chuyện lựa chọn theo sở thích). Chính giờ phút thiêng liêng, giờ phút không thể nào quên ấy đã đưa tôi sang một lĩnh vực công tác hoàn toàn mới mẻ mà tôi gắn bó gần như  cả cuộc đời công tác của mình.

 

Sau thời gian học tập tiếng Nga và chính trị ở Trung Quốc, tôi được cử vào đoàn cán bộ của đồng chí Nguyễn Lương Bằng sang Matxcơva thành lập đại sứ quán, một trong hai Đại sứ quán của nước ta ở nước ngoài. Từ một cán bộ bình thường, rồi lên cấp phòng, cấp vụ và đầu năm 1973 tôi được cử làm đại sứ ở Hungari, kiêm nhiệm đại sứ ở Áo và Iran, sau khi nước nhà thống nhất tôi làm đại sứ đầu tiên tại CHLB Đức kiêm nhiệm đại sứ tại Áo, Thuỵ Sỹ và Iran.

 

Cuối những năm 1980 tôi được cử làm đại sứ tại Liên Xô và năm 1991 được Quốc hội bầu làm Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao. Từ 1997 là Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao. Sau khi rút khỏi các chức vụ về Đảng và Nhà nước tôi vẫn tiếp tục làm việc chủ yếu về đối ngoại và nghiên cứu tình hình Quốc tế để tiếp tục cống hiến.

 

Được chọn là một trong những nhân vật nổi tiếng (Eminent Person) của ASEAN, điều gì đã làm nên một chính khách Nguyễn Mạnh Cầm nổi tiếng trong khu vực như vậy, thưa Chủ tịch?

 

Tôi nghĩ dùng từ “nhân vật nổi tiếng” thì hơi quá vì mình đã có gì mà dám nhận là “nổi tiếng”. Với cụm từ gốc là Eminent Person có lẽ dịch là “danh nhân” như Trung Quốc dùng hay “Người có uy tín” thì có thể chấp nhận được. ASEAN lập nhóm 10 người này (mỗi nước thành viên một người) gồm chủ yếu là những người đã từng làm Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao ngoại trừ ông Ramos là nguyên Tổng thống Philippin để góp ý kiến giải quyết vấn đề quan trọng mà trước mắt là xây dựng Hiến chương ASEAN. Sở dĩ các nước ASEAN biết tôi vì tôi đã từng Bộ trưởng ngoại giao, thay mặt Chính phủ ký văn kiện và dự lễ trọng thể ra nhập ASEAN trong nhiều năm tham dự các hội nghị của  ASEAN.

 

Hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao là một quãng thời gian dài, Chủ tịch có thể cho biết ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của mình là gì?

 

Do tôi làm công tác ngoại giao trong một thời gian khá dài như đã nói ở trên nên có không ít sự kiện để lại những ấn tượng sâu sắc. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với cả cuộc đời tôi mà đã dẫn tôi vào con đường hoạt động đối ngoại là buổi gặp Bác đầu tiên tại rừng Việt Bắc và những lời huấn thị của Bác in sâu trong tâm khảm mình. Còn trong quá trình làm ngoại giao có lẽ điều ấn tượng nhất là ba sự kiện quan trọng diễn ra trong cùng một tháng (7/1995).

Ba sự kiện đó là: Việt Nam ra nhập ASEAN (thể hiện hội nhập khu vực), ký hiệp định hợp tác với Liên minh Châu Âu (thể hiện sự hội nhập quốc tế), và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đánh dấu việc ta có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước lớn trên thế giới, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An LQH, những nước có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Điều đó chứng tỏ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng cao rõ rệt, là kết quả tổng hợp của gần bốn năm thực hiện đường lối đối ngoại đổi mới  “đa phương hóa, đa dạng hoá quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đầu vì hoà bình độc lập và phát triển”, do đại hội Đảng lần thứ 7 đề ra.

 

Hoạt động ngoại giao được tiếp cận với nhiều nền giáo dục, nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) trên thế giới, giờ lại nhận nhiệm vụ lớn là Chủ tịch Hội Khuyến học. Chủ tịch có nghĩ tới việc sẽ chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm đó trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ này?

 

Thực tình tôi muốn dành những năm tháng còn lại của cuộc đời cho công tác đối ngoại. Nhưng khi được đề nghị tham gia công tác khuyến học tôi có tìm hiểu tình hình và nhận thấy chủ trương “xây dựng cả nước thành xã hội học tập” của Đảng và Nhà nước  là rất hay, rất cần thiết và rất hiện thực vì dân tộc ta có vốn có truyền thống hiếu học.

 

Khi nhận nhiệm vụ của Hội tôi nghĩ trong điều kiện hiện nay, khi toàn cầu hoá phát triển sâu rộng, các nước lớn nhỏ đều phụ thuộc lẫn nhau, khi cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra như vũ bão với những thành tựu kỳ diệu mà trước đây không lâu chỉ còn là trong trí tưởng tượng, thì đồng thời với việc phát động phong trào thi đua học tập ở trong nước, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, cần mở rộng quan hệ với các nước, học tập kinh nghiệm của họ thu nhận thành tựu, những kiến thức của họ để làm phong phú thêm nội dung khuyến học của ta là điều nên làm và cần cố gắng làm.

 

Chủ tịch đánh giá thế nào về công tác khuyến học thời gian qua và mục tiêu của Hội trong thời gian tới là gì?

 

Tôi thấy chúng ta đã xây dựng được cơ sở rất khá cho công tác khuyến học. Với hơn 9 năm, thời gian tương đối ngắn kể từ ngày thành lập, Hội đã đạt được một bước tiến khá dài, hiếm có Hội nào đạt được. Hội đã xây dựng được ở tất cả 4 cấp từ Trung ương đến xã phường và còn đi sâu xuống tận thôn, xóm, cơ quan, trường học, xí nghiệp... lập thành một mạng lưới hàng chục nghìn chi hội, hàng triệu gia đình hiếu học được đăng ký, hàng nghìn Trung tâm giáo dục cộng đồng được xây dựng, đồng thời đã xuất hiện các dòng họ hiếu học, các thôn làng khuyến học. Một phong trào thi đua học tập từ trong nhà trường đến ngoài xã hội đang được phát động.

 

Thực hiện chủ trương của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, ta phải phấn đấu để đến năm 2010 bước đầu xây dựng cả nước thành một xã hội học tập để mọi người đều được học tập, học cái mà xã hội cần, học để làm, học để cống hiến, học để thực hiện lời dạy của người xưa "Nhân bất học bất tri lý", học để thực hiện mong muốn của Bác Hồ là “Mỗi người đều có cơm ăn áo mặc, đều được học hành”.

 

Muốn thế trong những năm trước mắt ta phải nâng công tác khuyến học, khuyến tài lên một tầm cao mới có nghĩa là phát triển phong trào cả bề rộng lẫn chiều sâu, cụ thể là nhanh chóng nhân rộng mô hình gia đình hiếu học, Trung tâm học tập cộng đồng ra khắp cả nước, đặc biệt chú ý vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người, vùng khó khăn, đồng thời làm cho gia đình hiếu học và Trung tâm học tập cộng đồng có nội dung ngày càng phong phú, thiết thực. Cũng cần tìm thêm những mô hình mới phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương.

 

Nhiều người còn nhắc đến Chủ tịch như một người tiên phong trong môn thể thao gôn ở Việt Nam?

 

Tôi đến với gôn rất tình cờ và cũng xuất phát từ yêu cầu của công tác đối ngoại. Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 1994 ở Băng Cốc, vấn đề đặt ra là ta phải trả lời Việt Nam đã sẵn sàng ra nhập ASEAN chưa để chuẩn bị làm lễ kết nạp. Khi tôi thay mặt Chính phủ trả lời ta đã sẵn sàng thì một đồng nghiệp đứng dậy nói: Điều kiện của Việt Nam đã đầy đủ rồi, nhưng riêng đối với Bộ trưởng còn hai điều kiện nữa, đó là phải nói tiếng Anh và chơi gôn.

 

Tôi trả lời nửa đùa nửa thật: “Tiếng Anh thì tôi cố gắng, nhưng đánh gôn thì khó quá, có lẽ còn khó hơn điều kiện ra nhập ASEAN”. Một đồng nghiệp khác liền đứng dậy: “Cầm ơi, trong ASEAN đánh gôn là một phương tiện làm việc, nhiều khi vấn đề được giải quyết không phải ở bàn họp mà là tại ở sân gôn”. Thực tiễn hoạt động trong ASEAN  tôi nhận thấy đúng như vậy. Do đó tôi phấn đấu tập gôn và khuyến khích các đồng chí trong Bộ ngoại giao đánh gôn. Đến nay đội ngũ chơi gôn đã khá đông đảo, ta đã có đội tuyển thi đấu quốc tế, số sân gôn cũng tăng lên nhanh chóng. Vì vậy tôi được anh em suy tôn là người khởi xướng phong trào chơi gôn ở Việt Nam.

 

Bạn đọc muốn được hiểu đôi nét về sinh hoạt đời thường, xin Chủ tịch cho biết công việc hàng ngày được sắp xếp thế nào để không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình?

 

Trong thời kỳ tôi giữ chức vụ trong Đảng và Nhà nước, do phải tập trung thời gian cho công tác, lại phải tiếp tục học tập để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ nên ít có điều kiện và thời gian quan tâm đến công việc gia đình, chủ yếu do vợ tôi lo, thỉnh thoảng tôi mới dành được một ít thời gian nói chuyện với con cái. Có lẽ thời kỳ Mỹ đánh phá miền Bắc tôi làm được nhiều hơn bằng việc cứ ngày chủ nhật, trừ những hôm có công tác đột xuất, đạp xe đến nơi sơ tán tiếp tế cho vợ con. Mấy năm nay từ khi không còn nhận nhiệm vụ nữa, tuy tôi vẫn giữ ngày làm việc như xưa nhưng đỡ bị động về công việc hàng ngày nên có thời gian tham gia công việc gia đình hơn.

 

Nhân dịp xuân Bính Tuất, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới toàn thể anh chị em cán bộ, phóng viên, biên tập viên và bạn đọc của báo. Tôi vui mừng trước bước phát triển nhanh của báo Khuyến học & Dân trí, đặc biệt là báo điện tử www.Dantri.com.vn hàng ngày đã được hàng triệu lượt bạn đọc trong nước cả nước và nước ngoài truy cập. Chúc Báo Khuyến học & Dân trí tiếp tục phát triển nhanh về mọi mặt để luôn xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội Khuyến học Việt Nam và Diễn đàn dân trí Việt Nam, góp phần tích cực vào việc phát triển phong trào khuyến học, sự nghiệp xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.

 

Xin  cảm ơn Chủ tịch và kính chúc Chủ tịch một năm mới tràn đầy sức khoẻ, thành đạt trên cương vị mới đầy trọng trách của mình.

 

Phạm Huy Hoàn (thực hiện)