TS Nguyễn Thiện Tống góp ý cho Dự thảo đổi mới giáo dục:

Phải là cải cách chứ không chỉ đổi mới!

(Dân trí) - Dự thảo đổi mới giáo dục tốt hơn trước. Có cải thiện nhưng vẫn cần phải tốt hơn nữa. Nên nói mạnh hơn là cải cách chứ không chỉ đổi mới. Bởi, nếu đổi mới thì chỉ dừng ở mức thay đổi và mang tính vá víu...

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Trường ĐH Bách khoa TPHCM), nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long với PV Dân trí khi bàn về vấn đề Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

TS Nguyễn Thiện Tống.
TS Nguyễn Thiện Tống.

Từng tham gia góp ý vào dự thảo Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiến sĩ đánh giá dự thảo lần này như thế nào?

 

So với những lần trước thì dự thảo lần này có những điểm mới được nhiều người đồng ý nhất là mục tiêu đào tạo. Dự thảo lần này cũng đánh giá tình hình thực tế và không tránh né những thực trạng của giáo dục. Tôi cho là việc nhìn nhận những hạn chế đang tồn tại là điều hay và đó cũng là thực tế nên cũng không thể chối bỏ mãi được.

 

Thưa TS, thực trạng mà đề án đã nhắc đến là gì?

 
Đó là vấn đề chất lượng. Có một giai đoạn rất sai lầm của giáo dục đại học (ĐH) là chạy theo số lượng mà hi sinh chất lượng. Trong khi nguyên tắc căn bản của giáo dục là tăng số lượng thì dễ mà bảo đảm chất lượng mới khó. Do đó, đổi mới đầu tiên là phải đảm bảo chất lượng!
 

Hiện nay, hầu hết các trường chỉ có một loại chương trình. Gần đây, có thêm một số chương trình tài năng, tiên tiến hay chất lượng cao nhưng những lớp như vậy không phát triển đại trà được. Trong khi, hiện nay cứ học hết trung cấp rồi lên cao đẳng rồi lên ĐH rồi cuối cùng thành ĐH hết...

Cũng như nhiều vấn đề xã hội khác, lâu nay mọi người vẫn luôn kêu ca giáo dục thời gian qua mắc "căn bệnh" trầm kha là chạy theo thành tích. "Căn bệnh” đó có thể tái diễn trong thời gian tới không khi mà vấn đề giáo dục được đổi mới theo hướng căn bản và toàn diện?

Mặc dù kêu ca gì chăng nữa nhưng tôi vẫn hi vọng mọi việc sẽ được cải thiện theo thời gian, cho dù là vá víu nhưng cũng có cái cải thiện một chút. Tất nhiên, cải tổ mạnh thì sẽ cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, mọi việc thành công hay không thì tùy thuộc vào con người. Cùng một chính sách, chủ trương nhưng nếu lãnh đạo cấp trường là người hiểu biết, có trình độ và mạnh dạn thì sẽ làm tốt hơn...

Trong môi trường ĐH, vấn đề này rất rõ, nhưng tôi nghĩ các nơi đều chung một bệnh đó là chính sách nhân sự nặng về chính trị quá. ĐH đáng lẽ là nơi phát huy khả năng trí tuệ thì những người lãnh đạo lại được chọn theo tính chất chính trị. Nó là sự lựa lọc bất lợi vì người giỏi không chắc đã thích tham gia chính trị ngược lại người không giỏi thì lại tìm đường tiến thân bằng chính trị. Đây là vấn đề khó giải quyết.

Mục tiêu của đề án tốt theo hướng phát triển. Mục tiêu là như vậy nhưng còn chương trình đào tạo vẫn sao đi, chép lại của thời bao cấp, giáo trình cũ. Thậm chí những vị lớn tuổi học chương trình ngày xưa giờ vẫn dạy lại cái đã học ngày xưa mà không bổ sung cái mới, còn người trẻ học cái mới nhưng vẫn đang ở vị trí thấp và gần như trở thành những “cu li” trí thức. 

Được đánh giá đã tiến bộ hơn những dự thảo trước nhưng TS có nghĩ rằng đề án đổi mới toàn diện giáo dục lần này có thể tạo được hiệu quả không?

 
Phải nhìn nhận là dự thảo đổi mới tốt hơn trước, có cải thiện ở mức độ nhất định, nhưng vẫn cần tốt hơn nữa. Nói mạnh hơn - là cải cách chứ không nên là đổi mới! Nếu là đổi mới thì chỉ thay đổi một ít và chỉ thực chất là vá víu.
 
Tôi cho là điểm làm cho giáo dục ĐH Việt Nam thua kém nước khác là đã tách rời việc nghiên cứu ra khỏi giáo dục ĐH và nằm ở một Bộ riêng. Ngoài ra, Bộ nào, Tổng cục nào cũng có viện nghiên cứu của riêng mình, trường ĐH thì cũng thuộc các Bộ khác nhau và những mô hình chồng chéo đó vẫn tồn tại đến hiện nay mà không có sự thay đổi.
 
Trong khi ở các nước tiên tiến thì vận động theo cơ chế tự nhiên, thích nghi nếu nơi nào làm hay thì nơi khác làm theo, nếu làm dở thì rút kinh nghiệm không lập lại. Còn ở mình là một hệ thống, làm cái gì thì các nơi đều như nhau. Hạn chế là vậy, tôi cho là thiếu tính cạnh tranh. Mọi thứ hàng loạt đều giống nhau như: dạy giống nhau, sách giáo khoa cũng giống nhau, mọi thứ tập trung làm theo và nó trở thành như máy móc.

Tôi thấy người ta cứ tránh né, có lẽ vì nó vĩ mô - tức là hệ thống tổ chức quản lý toàn bộ về GD-ĐT và nghiên cứu khoa học phải tổ chức lại. Có những nước, bộ khoa học và giáo dục là một và trở thành một bộ rất lớn, trường đại học có viện nghiên cứu, chứ không thể nào như ở nước ta trường ĐH lại thiếu viện nghiên cứu khoa học, trong khi các viện nghiên cứu khoa học lại thuộc Bộ Khoa học công nghệ, rồi viện nghiên cứu lại được đào tạo tiến sĩ.

Ở Việt Nam mình, viện nào thì đào tạo tiến sĩ riêng viện đó, mang tính "đồng huyết” rất cao. Trong khi đó, nếu cùng một viện thì dễ nâng đỡ và vì thế đã có rất nhiều bằng chứng là chất lượng nó không cao. Thậm chí, hướng dẫn thành công một tiến sĩ thì đó là điều kiện để được phong giáo sư và người thầy giúp đỡ học trò để được điểm chứ không phải hướng dẫn để đánh giá người học trò.
 

Lại nữa, viện nghiên cứu nằm riêng như ở ta hiện nay thì làm sao tác động được đến SV tham gia nghiên cứu khoa học. Đó cũng là lí do vì sao xét các bài báo khoa học thì ĐH Việt Nam luôn thấp. Vì vậy, tổ chức lại hệ thống giáo dục ĐH và viện nghiên cứu là điều tôi luôn hướng đến.

Xin trân trọng cảm ơn TS!

Lê Phương thực hiện