Phải nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT thừa nhận hiện có nhiều bất hợp lý trong quy định tiêu chuẩn chức danh GS,PGS; Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học cho rằng phải nâng cao tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, nếu không sẽ tụt hậu so với tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ GD&ĐT thừa nhận nhiều bất hợp lý trong tiêu chuẩn chức danh GS,PGS

Trước khi đưa ra dự thảo về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) Bộ GD&ĐT cũng đã thừa nhận quy định hiện nay đã nảy sinh nhiều điểm bất hợp lý.

Việc đổi mới tiêu chuẩn chức danh GS,PGS, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định cũng có những hạn chế, bất cập như: Giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng: phân biệt về điểm quy đổi đối với 02 đối tượng này là bất hợp lý.

Theo Bộ GD&ĐT, ngay cả về tên gọi và quy trình bổ nhiệm cũng chưa có quy định rõ ràng về tên gọi và chức danh: có chức danh GS, PGS nhưng chưa gắn với ngành khoa học và cơ sở đào tạo bổ nhiệm.

Thủ tục bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư bao gồm việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng chưa coi trọng việc bổ nhiệm, tổ chức vinh danh ngay sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn.

Đối với tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, nhiều tiêu chuẩn định tính, khó có minh chứng, kiểm chứng như đạo đức, uy tín nghề nghiệp, thành thạo ngoại ngữ …Tiêu chuẩn đạt tỷ lệ số phiếu tín nhiệm không hợp lý.

Đặc biệt, quy định hiện nay thiếu cập nhật với xu hướng, chuẩn quốc tế; Chưa thể hiện sự đặc thù của các nhóm ngành; Không quy định về tuổi của ứng viên (có ứng viên được xét xong không thể bổ nhiệm do tuổi quá cao).

Bên cạnh đó, phân cấp chưa mạnh mẽ, chưa quy định việc cơ sở giáo dục đại học quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm của đơn vị (thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học chỉ thực hiện quy trình bổ nhiệm).

Thủ tục hành chính còn nặng nề bởi 03 cấp Hội đồng (Cơ sở, Ngành, Nhà nước), không có sự khác biệt về quy trình xét giữa cấp cơ sở và cấp ngành.

Đối với công tác quản lý, Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định cũ chưa có chế tài rõ ràng đối với GS, PGS không hoàn thành nhiệm vụ; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện xét đạt tiêu chuẩn còn hạn chế.

Nâng số lượng bài báo khoa học quốc tế

Theo dự thảo mới, từ năm 2019, ứng viên GS nhóm ngành khoa học tự nhiên - công nghệ phải có ít nhất 2 bài báo, ứng viên nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn có ít nhất 1 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lại kiến nghị tăng số bài báo lên vì quy định như vậy quá ít cần tăng số lượng lên.

GS Ngô Việt Trung – Viện toán học kiến nghị, đến năm 2019, ứng viên giáo sư thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: 04 (bốn) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất 02 (hai) bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 01 (một) quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất 02 (hai) bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 01 (một) bằng độc quyền sáng chế.

Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 03 (một) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 01 (một) bài báo khoa học theo quy định.

Bên cạnh đó, GS Trung kiến nghị, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất 01 (một) sách giáo trình. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất 01 (một) sách chuyên khảo và 01 (một) giáo trình. Sách đã được hội đồng khoa học do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập thẩm định và sử dụng để đào tạo từ trình độ đại học trở lên.

GS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN cho rằng, cần coi tiêu chí chất lượng, điểm công trình nghiên cứu là quan trọng nhất giống với Quốc tế, bởi nó quyết định tới chất lượng của các nội dung tiếp theo nên cần đòi hỏi nâng cao dần chất lượng. "Số điểm từ bài báo chuẩn quốc tế, chứ không phải chỉ đặt mức 20 điểm hay cao hơn" - GS Chính nhấn mạnh.

Theo GS Chính, phải yêu cầu cứng tác giả chính 2 bài quốc tế ISI, Scopus – phải là của 5 năm gần nhất. Để từng HĐCDGS Ngành cụ thể quyết định đó là Scopus, ISI, hay thậm chí SCI.

Còn GS Võ Văn Hoàng thì cho rằng, ứng viên cho chức danh GS ít nhất phải là tác giả đầu (first author) của ít nhất 05 bài SCI, SCIE cho khoa học tự nhiên và kỹ thuật hoặc ISI và Scopus cho các ngành còn lại; hướng dẫn 01 tiến sĩ, viết 01 giáo trình.

TS. Phạm Thành Nam kiến nghị, cần giảm số lượng đào tạo tiến sĩ để tránh đào tạo ra hàng loạt tiến sĩ không có chuyên môn tốt, không có khả năng tự nghiên cứu và đóng góp cho sự phát triển của khoa học.

Hồng Hạnh