Phân ban sẽ thất bại!

(Dân trí) - Đó là khẳng định của nhiều Sở GD-ĐT trong cả nước về việc chuẩn bị triển khai đại trà chương trình phân ban trong các trường THPT vào tháng 9 tới.

Nguyên nhân của sự thất bại nằm ở chỗ, trong 3 ban: Ban khoa học tự nhiên, Ban khoa học xã hội và Ban cơ sở, hầu hết thí sinh đều chỉ đổ xô vào ban cơ sở trong khi kỳ vọng của Bộ vào mô hình 3 ban này phải là 40% vào Ban tự nhiên, 40% vào Ban xã hội và 20% vào Ban cơ sở.

 

Dân trí xin trích ý kiến của một số Giám đốc Sở GD-ĐT xoay quanh vấn đề này.

 

Tỉnh nghèo nên đành chọn... Ban cơ sở - Ông Nguyễn Văn Bền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn

 

Ngay từ khi Bộ có chủ trương phân ban 2006 - 2007, chúng tôi cũng đã thông báo cho các trường về chủ trương này cho thầy cô giáo, phụ huynh và đã báo cáo với UBND tỉnh chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Khi áp dụng chương trình phân ban thì quả thật điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của của chúng tôi đều còn thiếu thốn.

 

Đến đầu tháng 7 tới, chúng tôi cho tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường THPT và quyết định xem trường nào thực hiện theo phương án nào nhưng hướng chung vẫn là ban cơ bản là chính vì tỉnh Bắc Kạn rất nghèo!Đội ngũ giáo viên hoàn toàn thiếu thốn.

 

Khi điều kiện hết sức khó khăn nên chúng tôi chọn ban cơ bản vì ban này khi thực hiện không khó khăn. Bắc Kạn có 15 trường THPT thì 90% trường chọn ban cơ bản. Một số trường trung tâm có khả năng học 3 ban, khoảng 3 trường. Nhiều trường không đảm đương được ban tự nhiên vì nhiều trường không có phòng học bộ môn, thiết bị chủ yếu để trong kho, các thầy cô giáo đến mượn trong kho đưa ra lớp để giảng dạy.

 

90% học sinh theo Ban cơ sở - Ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định

 

Chúng tôi làm theo đúng quy trình của Bộ, Sở căn cứ vào đội ngũ thầy cô giáo, điều tra học tập của học sinh và dự kiến các lớp phân ban và tổ chức duyệt, thẩm tra. Phân ban của Nam Định thuận lợi vì chúng tôi kết hợp phân ban với tự chọn.

 

Tuy nhiên, học sinh của tỉnh chúng tôi chủ yếu tập trung vào ban cơ bản với 90% số lớp đăng ký vào ban cơ bản, ban tự nhiên có 9%  và chỉ có 1% theo ban xã hội. Hiện nay, Nam Định có 43 trường, trong đó 10 trường Dân lập, sang năm tới sẽ có thêm trường Dân lập và 2 công lập nâng tổng số trường là 46 trường.

 

Vùng sâu vùng xa đành theo Ban cơ bản! - Ông Nguyễn Sĩ Thư, Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum

 

Kon Tum là một trong những tỉnh thực hiện phân ban thí điểm lớp 10, 11. Đến nay, khi thực hiện của Bộ là thực hiện chủ trương phân ban mới. Phương án phân ban toàn diện lớp 10. Định hướng của học sinh THPTKon Tum đã phần các em học ban cơ bản chiếm tỷ lệ lớn vì đặc thù học sinh Kon Tum là vùng sâu, vùng sa nên chất lượng học tập bình thường.

 

Hiện nay toàn tỉnh có 15 trường THPT, khoảng 70% học sinh vào ban cơ bản, 20% học sinh vào ban tự nhiên và 10% vào ban xã hội. Những khu vực có vùng kinh tế thuận lợi như thị xã, thị trấn thì thực hiện đủ 3 ban.

 

Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là cơ sở vật chất là môn tin học không có phòng máy và máy chúng tôi đang cố gắng, các trường thị xã thì khắc phục được chứ các trường miền núi thì rất khó. Sở đang có phương án trình UBND tỉnh xin kinh phí. Vì ban nào cũng học tin học.

 

Cục Khảo thí đang trình phương án kết hợp thi tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2009 - năm bắt đầu có học sinh đại trà phân ban tốt nghiệp. Nếu phương án này được phê duyệt thì từ năm 2009, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn quốc sẽ dự một kỳ thi quốc gia.

 

Theo đó, mỗi thí sinh sẽ thi 5 môn, bao gồm 2 môn thi chung là toán và ngữ văn, 2 môn thi tự chọn theo khối cho thí sinh từng ban và 1 môn thi do bộ quy định hằng năm. Kết quả kỳ thi dùng xét tốt nghiệp phổ thông và tuyển vào các trường ĐH, CĐ và THCN.

 

Việc xét tốt nghiệp dựa vào kết quả thi 5 môn và kết quả học tập của học sinh trong quá trình học tập. Tuyển vào ĐH, CĐ và THCN dựa trên kết quả thi của thí sinh, các trường xác định các môn làm điều kiện tuyển vào từng trường, từng ngành. Như vậy, nếu phương án thi này được thông qua, thì ít nhất học sinh ban A vẫn phải “dè chừng” môn ngữ văn, và học sinh ban C thì “sợ” môn toán.

 

Do vậy, cách tốt nhất đối với phụ huynh và học sinh sẽ là chọn Ban cơ bản.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh