Phân ban THPT: Liệu có mất cân đối giữa ban A và C?

(Dân trí) - Chương trình phân ban THPT đã được triển khai tại 11 tỉnh thành và sắp tới sẽ triển khai tại tất cả các tỉnh trên toàn quốc. Tuy nhiên, khi đại trà thì ngành giáo dục phải thực hiện thế nào khi bức tranh phân ban đã có một vài biểu hiện hạn chế.

Phân ban THPT hiện nay được chia làm hai ban: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội và nhân văn. Ban Khoa học tự nhiên (KH –TN) yêu cầu học sinh có kiến thức và kỹ năng cao hơn ở các môn phân hoá: môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học. Ban Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) yêu cầu học sinh có kiến thức và kỹ năng cao hơn ở các môn ở các môn phân hoá: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Các môn còn lại học sinh ở cả hai ban đều học như nhau.

 

Khi thực hiện phân ban, một trong những con số mà Bộ đưa ra để thực hiện: Tỷ lệ giữa hai ban KH-TN và KHXH- NV là 60-40. Tuy nhiên, thực tế thì ở hầu hết các trường thí điểm, tỷ lệ này đang là 80-20! Một tỷ lệ mất cân đối trầm trọng!100 học sinh phân ban, chỉ có 20 em chọn ban KHXH-NV!

 

Tại Hà Nội, trường THPT Trần Phú là trường được chọn thí điểm thực hiện phân ban thì sau khi nhà trường đã phô-tô gần 800 bản giới thiệu về chương trình phân ban gửi tới các bậc phụ huynh để nghiên cứu chọn lựa thì nhà truờng chỉ nhận được 19 trường hợp đăng ký học học tại ban KHXH! Còn trường THPT Nguyễn Gia Thiều, trường phải dành riêng một buổi để gặp gỡ phụ huynh học sinh phổ biến, trao đổi, giải đáp thắc mắc liên quan đến chương trình học và con số đạt được sau chương trình này rất khả quan: 65% và 35%.

 

Nhưng, càng gần đến ngày khai trường, con số học sinh chọn ban KHXH càng giảm  và không thể thoát khỏi tỷ lệ 80-20! Ở Vĩnh Phúc, tỉ lệ này là 55% và 45% (nhưng nếu không cho học sinh đăng kí vào ban nào trước khi thi thì thỉ lệ có thể là 74% và 25%, thậm chí 90% và 10%)

 

Ở các tỉnh phía Nam, tỷ lệ cũng mất cân đối như vậy, đơn cử như TPHCM và Lâm Đồng ban A là 90% nhưng ban C chỉ có 10%; . Lý do đưa ra cho thấy, có tới 70% giáo viên và 62% giáo viên cho rằng, học ban A có thể thi vào nhiều trường ĐH hơn ban C. Theo một hiệu trưởng của một trường THPT thí điểm ở Hà Nội, đặt học sinh trước sự lựa chọn ở đầu lớp 10 là sớm và gây khó cho các trường. Việc có được điểm cao dễ dàng ở bậc THCS là một trong những nguyên nhân khiến không ít học sinh "ảo tưởng" rằng mình học được ban A, nên đã lựa chọn ban A khi vào lớp 10.

 

Hơn nữa, sự phân hoá rõ rệt ngay từ đầu đã tạo sức ép đối với cơ cấu giáo viên hiện có. Bởi vì, so với khi chưa phân ban, cần nhiều giáo viên dạy Toán hơn, cần ít giáo viên Văn và kỹ thuật hơn.

 

Mai Minh