Phân ban THPT: Sẽ có thêm ban Cơ sở

(Dân trí) - Sáng nay, 09/01, Hội đồng Giáo dục Quốc gia đã tổ chức phiên họp thảo luận về việc điều chỉnh phân ban THPT. Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì phiên họp.

Sau khi nghe các uỷ viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia thảo luận, căn cứ theo tình hình thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí theo phương án 2, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giáo dục phổ thông phải tuân theo Chương trình chuẩn.

 

Phương án này chia chương trình phân ban THPT thành 3 ban từ lớp 10, gồm ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội (với các môn nâng cao như ở phương án thứ nhất). Ngoài ra sẽ có thêm ban Cơ sở, tức là dạy và học theo chương trình chuẩn đối với tất cả các môn.

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã đọc tờ trình về phương án điều chỉnh phân ban. Theo Bộ trưởng, việc tổ chức phân hóa dạy học hiện nay cần được chia làm 2 giai đoạn:

 

Giai đoạn 1 (từ nay đến 2015) vẫn dạy theo phương thức phân ban đã điều chỉnh như vốn có.

 

Giai đoạn 2 là phân hóa bằng phương thức học sinh tự chọn để đáp ứng khả năng đa dạng của học sinh và phù hợp với xu hướng của thế giới.

 

Tờ trình đưa ra 2 phương án, đó là phân ban thành 2 ban từ lớp 10 như hiện nay (Ban Khoa học Tự nhiên và Ban Khoa học Xã hội nhân văn) và phương án chia thành 3 ban (thêm Ban Cơ sở so với phương án 1). Học sinh Ban Cơ sở có thể tự lựa chọn những môn học ưa thích, phù hợp với năng lực và có cơ hội vào các trường ĐH, CĐ cao hơn.

 

Sau khi nghe các uỷ viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia thảo luận, căn cứ theo tình hình thực tế, Thủ tướng kết luận: Nhất trí theo phương án 2, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giáo dục phổ thông phải tuân theo Chương trình chuẩn.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu việc ra đề thi phải gắn chặt với chương trình phổ thông và phải chú trọng đến tính hướng nghiệp. Bộ GD- ĐT cần nghiên cứu kỹ chương trình này và có kế hoạch cụ thể. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề giáo dục đạo đức, mà bắt đầu từ mầm non.

 

Theo kế hoạch, sắp tới học sinh THPT có thể lựa chọn những môn học phù hợp với năng lực và sở thích của mình, không nhất thiết phải theo Ban Tự nhiên hay Ban Xã hội như trước kia nữa.

 

Như vậy, sau nhiều tranh cãi, phương án 2 của Bộ GD-ĐT đã được Thủ tướng chấp nhận. Được biết, Bộ GD-ĐT cũng nghiêng về phương án này. Bởi qua thực tế thí điểm, có một số lượng lớn học sinh không có năng khiếu nổi trội về tự nhiên hay xã hội.

 

Theo thống kê, tỷ lệ học sinh theo học ban Khoa học Tự nhiên hiện nay là 80%, ban Khoa học Xã hội chỉ chiếm 20%. Trong khi đó, mục tiêu của ngành giáo dục là điều chỉnh về tỷ lệ 60% và 40%, con số này rất khó đạt được trong thực tế.

 

Với phương án điều chỉnh phân ban THPT mới, Bộ GD- ĐT đang đặt mục tiêu sẽ thu hút khoảng 25% học sinh không thật sự nổi trội về tự nhiên hay xã hội vào học ban Cơ sở này ngay từ lớp 10.

 

 

Trần Đức - Hồng Hạnh