Thanh Hóa:

Phản đối sát nhập trường, hơn trăm trẻ mầm non nghỉ học

(Dân trí) - Dù đã gần hết một học kỳ thế nhưng để phản đối việc sát nhập trường, hơn trăm trẻ Trường mầm non xã Hoằng Hà (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) không được phụ huynh cho đến lớp. Trong đó, có hàng chục trẻ sang năm lên lớp 1.

Thôn Ngọc Đỉnh là một thôn xa trung tâm xã Hoằng Hà và có số lượng đông dân nhất (khoảng 1.600 nhân khẩu) so với toàn xã. Chính vì thế đây là thôn có số lượng trẻ trong độ tuổi đến trường mầm non rất lớn. Tính số trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi thì riêng thôn Ngọc Đỉnh có tới 189 cháu, trong đó 37 cháu nằm trong độ tuổi sang năm lên lớp 1.

Trẻ ở thôn Ngọc Đỉnh bao năm qua học ở điểm trường lẻ có từ những năm 1960. Ngôi trường này trải qua thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Hoằng Hà đã làm tờ trình với phòng GD huyện Hoằng Hóa trình bày nội dung trên.

Công văn sát nhập trường của Trưởng Phòng GD huyện Hoằng Hóa.
Công văn sát nhập trường của Trưởng Phòng GD huyện Hoằng Hóa.

Đầu năm học 2013-2014, Phòng GD huyện đã có Công văn yêu cầu chuyển toàn bộ số trẻ đang học ở điểm lẻ thôn Ngọc Đỉnh lên điểm chính. Tuy nhiên, không đồng tình với quyết định này, phụ huynh thôn Ngọc Đỉnh đã “từ chối” đưa con đến trường. Không những thế, nhân dân ở thôn này đã có hai ngày xuống đường tuần hành phản đối việc sát nhập trường. Cho đến nay, gần 1 học kỳ trôi qua, hơn trăm trẻ ở Ngọc Đỉnh vẫn phải ở nhà.

Lý giải cho việc không đồng tình sát nhập trường, nhiều phụ huynh ở đây cho biết hầu hết những phụ huynh có con trong độ tuổi đi học đều là những  người đi lao động làm ăn xa, ở nhà giao cháu cho các ông bà già trông. Nhiều cụ trông đến 5-6 đứa cháu cho 2-3 cặp vợ chồng đi làm ăn. Trong khi con đường đến trường mầm non ở khu chính tính từ đầu làng cũng dài 3km. Các ông bà không thể đưa một lúc 5-6 cháu đi học với con đường xa và đặc biệt những hôm trời mưa gió, mùa đông rét mướt.

Ông Nguyễn Văn Trung (60 tuổi) thôn Ngọc Đỉnh cho biết: “Tôi đang trông 6 cháu cho 3 cặp vợ chồng. Những ngày trường cũ còn hoạt động, cứ sáng ra cho các cháu ăn uống rồi tôi dắt chúng nó đi học. Nhưng nay thì chịu rồi, trời lạnh như thế này mà đi vài chuyến đưa chúng nó đi học thì tôi không kham nổi. Nếu trẻ ở đây ít thì chúng tôi không nói làm gì nhưng đằng này gần 200 trẻ trong độ tuổi đi học mầm non mà lại không quan tâm cho tu sửa trường cũ cho các cháu tiếp tục học thì chúng tôi rất bất bình vì thế chúng tôi nhất quyết không cho các cháu đi học”.

Ngôi trường cũ hiện đã xuống cấp.
Ngôi trường cũ hiện đã xuống cấp.

Còn anh Nguyễn Văn Nhiên cũng ở thôn Ngọc Đỉnh thì khẳng định: “Nếu ngôi trường cũ này cho tu sửa lại để các cháu tiếp tục đi học rồi hạch toán hết bao nhiêu cả dân và xã cùng đóng góp thì chúng tôi nhất trí ngay chứ nếu bảo chúng tôi đưa con nhỏ đi học với con đường dài 3km trong thời tiết mưa lạnh như thế này thì chúng tôi thà để các cháu ở nhà còn hơn”.

Theo ghi nhận của PV, ngôi trường cũ mà trẻ ở Ngọc Đỉnh lâu nay đến học hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Hai phòng đã bị sập, không đủ điều kiện để cho trẻ tiếp tục học.

Cô Lê Thị Xen - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Hoằng Hà chia sẻ: “Vào đầu năm học, sau khi thấy những biểu hiện xuống cấp gây nguy hiểm cho trẻ khi học ở ngôi trường cũ, tôi đã làm tờ trình lên Phòng GD và được Phòng cho phép sát nhập trường. Đầu năm nhà trường cũng đã xuống địa phương trực tiếp gặp phụ huynh để tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh hiểu vấn đề sát nhập trường nhưng phụ huynh thôn Ngọc Đỉnh vẫn đưa ra nhiều lý do và nhất quyết không đưa con đến trường. Hiện trường có 90 trẻ đến học. Trong đó thôn Ngọc Đỉnh chỉ có 4 cháu đến học còn tất cả đều là trẻ ở những thôn khác trong xã”.

Cũng theo cô Xen thì mỗi lần họp Đảng bộ xã đã nhờ các tổ chức đoàn thể, dân vận, phụ nữ đến vận động phụ huynh nhưng cũng không có hiệu lực vì thế hiện trường không còn biện pháp nào để có thể khiến phụ huynh đưa trẻ đến lớp.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tú - phó Chủ tịch xã Hoằng Hà cho hay: “Việc sát nhập trường, đưa trẻ lên điểm chính là điều tốt cho các cháu. Ở đây các cháu được học trong một môi trường tốt có đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện học tập. Thế nhưng phụ huynh thôn Ngọc Đỉnh không chấp nhận. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh hiểu rất nhiều lần nhưng phụ huynh thì vẫn đưa ra những lý do không thuyết phục. Sắp tới chúng tôi tiếp tục thuyết phục phụ huynh đưa trẻ đến trường”.

Không biết cách mà trường và địa phương tuyên truyền đến đâu thế nhưng một thực tế đáng buồn là đã gần hết một học kỳ trôi qua, hơn trăm trẻ ở thôn Ngọc Đỉnh không được đến trường, trong đó có 37 trẻ trong độ tuổi sang năm lên lớp 1.

Nguyễn Thùy