Phân nửa cử nhân xứ Hàn vẫn sống phụ thuộc vào bố mẹ

(Dân trí) - Theo số liệu mới đây của Viện nghiên cứu về Đào tạo và Hướng nghiệp Hàn Quốc, có tới 51,1% trong số 17.376 người tốt nghiệp đại học từ năm 2010 đến năm 2011 vẫn phụ thuộc vào bố mẹ về tài chính và chỗ ở.

Park, 32 tuổi, sống với chị gái trong một căn hộ ở Seoul mà bố mẹ thuê cho họ. Từ khi tốt nghiệp đại học đến nay Park vẫn nhận trợ cấp của bố mẹ.

"Bố mẹ vẫn trả tiền thuê nhà cho chúng tôi và cho chúng tôi tiền chi trả phí sinh hoạt", Park cho biết. "Tôi cảm thấy có lỗi với bố mẹ nhưng tôi vẫn chưa kiếm được việc”.

Giống như chàng cử nhân Park, ở Hàn Quốc hiện có nhiều người ở độ tuổi 20-30 vẫn đang phụ thuộc vào bố mẹ về tài chính. Những người này được gọi là "bộ lạc kangaroo", một từ chỉ những người trưởng thành đang sống cùng bố mẹ hoặc phụ thuộc bố mẹ về tài chính.

Phân nửa cử nhân xứ Hàn vẫn sống phụ thuộc vào bố mẹ - 1
Người tìm việc xếp hàng chờ phỏng vấn tại một trung tâm triển lãm ở Busan (Hàn Quốc). (Ảnh: Korea Times)

Theo số liệu mới đây của Viện nghiên cứu về Đào tạo và Hướng nghiệp Hàn Quốc, có tới 51,1% trong số 17.376 người tốt nghiệp đại học từ năm 2010 đến năm 2011 vẫn không có sự độc lập về tài chính và chỗ ở.

Khoảng 10% sống với bố mẹ và được bố mẹ trợ cấp tài chính. Khoảng 35% cho biết họ sống với bố mẹ nhưng không được hỗ trợ tài chính; 5,4% hiện không sống cùng bố mẹ nhưng được hỗ trợ tài chính.

Khoảng 14% những cử nhân đã kết hôn cho biết họ vẫn được bố mẹ chu cấp hoặc đang sống cùng bố mẹ.

Số liệu của Viện nghiên cứu về Đào tạo và Hướng nghiệp Hàn Quốc cũng cho thấy 47,6% những cử nhân được khảo sát hiện có một công việc ổn định. Khoảng 34,6% hiện thất nghiệp, 14,7% làm các việc tạm thời và 3,1% tự kinh doanh.

Nhà nghiên cứu Oh Ho-young nhận định: "Điều này cho thấy nhiều người trẻ vẫn phụ thuộc vào bố mẹ kể cả khi đã có việc làm bởi vì họ không thể tự chi trả chi phí nhà ở”.

Lấy ví dụ, Kim, 34 tuổi ở Seoul, cho biết hiện anh đang sống cùng bố mẹ và không biết chắc liệu mình có thể ra ở riêng hay không.

”Mức lương của tôi không tệ lắm, nhưng vẫn quá ít để có thể thuê nhà dài hạn”, Kim nói. “Có thể tôi vẫn sống với bố mẹ sau khi kết hôn".

Con số những người trẻ ở vào hoàn cảnh như Kim đã tăng gấp tôi từ năm 2000 đến năm 2010.

Một báo cáo khác của chính quyền thủ đô Seoul cho thấy số lượng những người trưởng thành ở độ tuổi 30-49 sống cùng cha mẹ tăng từ 253.244 người vào năm 2000 đến 484.663 người vào năm 2010.

"Con số những người trưởng thành sống phụ thuộc vào cha mẹ liên quan mật thiết đến khủng hoảng thất nghiệp ở thanh niên”, nhà nghiên cứu Oh nhận xét. "Chính phủ cần tạo ra nhiều công việc chất lượng hơn nữa".

Nhà nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng những người có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng khi còn đang học đại học thì ít có nguy cơ rơi vào tình cảnh này.

"Chính phủ cũng cần cải thiện các chương trình giáo dục tại trường đại học để việc học ở trường có thể mang đến cơ hội việc làm tốt hơn”, nhà nghiên cứu Oh kết luận.

Xuân Vũ

Theo Korea Times

 

Phân nửa cử nhân xứ Hàn vẫn sống phụ thuộc vào bố mẹ - 2