Phân tầng, xếp hạng đại học: Đánh giá không minh bạch, hậu quả sẽ khó lường!

(Dân trí) - “Nếu các tiêu chí đưa ra không thể hiện đầy đủ về chất lượng đào tạo và nghiên cứu của cơ sở giáo dục đại học đó, nếu việc tổ chức đánh giá không minh bạch sẽ dẫn đến hậu quả khó lường...”.

Trao đổi với PV Dân trí trí về dự thảo phân tầng, xếp hạng đại học mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra để trưng cầu ý kiến với 3 tầng và 5 hạng với nhiều tiêu chí đánh giá, PGS.TS. Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: “Xếp hạng (xếp thứ tự từ cao đến thấp) các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) theo tầng (loại) là rất cần thiết, vì đây là nguồn thông tin chỉ dẫn quan trọng cho xã hội biết về chất lượng đào tạo, nghiên cứu của mỗi cơ sở GDĐH. Đồng thời với việc đánh giá và xếp hạng một cách minh bạch và chính xác, các cơ sở GDĐH sẽ biết mình đang ở đâu trong hệ thống GDĐH để có các giải pháp để nâng cao thứ hạng của mình.

Cho nên việc xếp hạng là cần thiết, nhưng việc này không đơn giản. Nếu các tiêu chí đưa ra không thể hiện đầy đủ về chất lượng đào tạo và nghiên cứu của cơ sở GDĐH đó, nếu việc tổ chức đánh giá không minh bạch sẽ dẫn đến hậu quả khó lường”.

Như ông nói, các tiêu chí đưa ra không thể hiện đầy đủ về chất lượng đào tạo và nghiên cứu của cơ sở GDĐH đó, nếu việc tổ chức đánh giá không minh bạch sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Vậy, cụ thể là như thế nào?

Tôi thấy, trong lúc nói về tiêu chí cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu thì dự thảo đưa ra con số về quy mô ngành nghề, trình độ đào tạo, chất lượng đào tạo, nghiên cứu quá cụ thể mà không rõ con số này lấy từ đâu ra và có cơ sở khoa học nào. Còn tiêu chí cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng thì rất chung chung, các tiêu chí đều dùng thước đo là “chủ yếu”.   Ví dụ: Chương trình đào tạo chủ yếu theo hướng ứng dụng; Đào tạo trình độ đại học và thạc sỹ là chủ yếu; Cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho CNH-HĐH.
 
PGS.TS. Lê Hữu Lập
PGS.TS. Lê Hữu Lập.

Khung xếp hạng cũng là những con số khô khan (%), thử hỏi cứ theo tiêu chí (có thể nói là rất cao) về cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu mà dự thảo đưa ra thì có bao nhiêu trường được xếp vào tầng này?

Bên cạnh đó, một số tiêu chuẩn đưa ra đánh giá chất lượng không có sở cứ khoa học. Tiêu chuẩn thiên về đánh giá số lượng, mà số lượng nhiều chưa hẳn đã tốt: Ví dụ: Tỷ số ngành đào tạo của trường so với ngành đào tạo trong danh mục cấp IV, rồi tỷ lệ chương trình đào tạo tiến sỹ so với chương trình đào tạo của trường… Quy mô lớn mà chất lượng kém còn nguy hiểm hơn nhiều.

Ngoài ra, một số tiêu chí đưa ra có thể chồng chéo, ví dụ quy mô đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ có thể suy từ số giảng viên là tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư mà ra, nên đưa cả 2 tiêu chí này ra đánh giá là chồng lấn. Nhiều tiêu chí không có mốc để so sánh. Ví dụ: số phòng thí nghiệm hoặc số cơ sở thực tập phải so với số sinh viên; số bài báo, công trình nghiên cứu, sáng chế, giải thưởng… cần phải so với số giảng viên.

Nói tóm lại rất nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn đưa ra cần phải thận trọng, không mâu thuẫn nhau, phải được thảo luận với các nhà quản lý giáo dục cũng như các tổ chức kiểm định, xếp hạng có uy tín, đặc biệt là các tổ chức quốc tế.

Về việc áp dụng mô hình của quốc tế vào việc đánh giá xếp hạng các trường đại học Việt Nam, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết trong điều kiện của Việt Nam hiện nay không thể áp dụng ngay chuẩn quốc tế?

Ta có thể không áp dụng hoàn toàn nhưng phải tham khảo, vì trong dự thảo có đề cập đến đánh giá của các tổ chức kiểm định quốc tế. Nếu các tiêu chí đưa ra khác biệt nhiều, chúng ta có đánh giá xếp hạng nhưng không biết mình đang ở đâu, các cơ sở GDĐH đang ở thứ hạng nào trong khu vực chưa nói đến thế giới.

Trên thế giới có rất nhiều tổ chức đưa ra các tiêu chí để xếp hạng các Trường đại học, nhưng đều có những tiêu chí cơ bản là giống nhau. Nhưng đa số họ đều có tiêu chí được công nhận rộng rãi về tầm quan trọng đối với sinh viên, như có có chỉ số “khảo sát sự hài lòng của sinh viên đối với cơ sở GDĐH”. Tuy nhiên, trong dự thảo của ta chưa đề cập vấn đề này.

Trở lại với các tiêu chí xếp hạng và phân tầng của dự thảo, với tiêu chí trong tầng cao nhất là đại học nghiên cứu quy định là ít nhất 80% các chương trình nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học công nghệ, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ hoặc tương đương có các nghiên cứu sinh tham gia; Có ít nhất một cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản chuyên sâu hoặc một trung tâm nghiên cứu phát triển các công nghệ nguồn... là người đã từng nhiều năm làm quản lý trường đại học thuộc lĩnh vực nghiên cứu, ông thấy tiêu chí quy định này thế nào?

Theo tôi, không nên dựa vào tiêu chí để phân tầng, mà phải dựa vào sứ mạng, chức năng nhiệm vụ của cơ sở GDĐH để phân tầng.

Có nghĩa là khi thành lập cơ sở GDĐH đó đã được xác định, hoặc bây giờ từ quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH Việt Nam xác định lại cho rõ. Có cơ sở GDĐH theo định hướng Nghiên cứu chưa đạt được các tiêu chí đề ra, nhưng nó vẫn được quy hoạch và phải nằm trong nhóm này. Vậy phân tầng đại học là cho công việc của các nhà quản lý giáo dục.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nếu theo tiêu chí của dự thảo thì có rất ít các cơ sở GDĐH đạt là cơ sở GDĐH theo định hướng nghiên cứu. Vậy các cơ sở này phải được Nhà nước tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, về con người… rất lớn. Có như vậy ta mới có các trường đại học lọt vào các top đầu trong châu lục và thế giới và các trường này sẽ cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng tốt nhất cho các nghiên cứu cơ bản của các lĩnh vực khoa học và công nghệ nguồn.

Đầu tư của Nhà nước phải tập trung, nhưng phải xác định đầu tư vào đâu. Nếu cứ để các cơ sở GDĐH tự phát thì chắc chắn chúng ta không có các trường theo định hướng nghiên cứu tầm cỡ trong khu vực và thế giới.

Vậy để phân tầng, xếp hạng các cơ sở GDĐH Việt Nam hiện nay cho tốt, theo ông nên thực hiện như thế nào?

Cần có đề án nghiên cứu khảo sát hiện trạng về các cơ sở GDĐH Việt nam, vì thực chất ta làm quy hoạch chưa tốt. Sau đó các cơ quan quản lý mới làm bài toán phân tầng.

Bài toán phân tầng này dựa trên mục tiêu phát triển quốc gia về kinh tế xã hội, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực cần thiết của đất nước trong từng giai đoạn. Từ đây, các trường xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực phù hợp với các tiêu chí đặt ra.

Về việc xếp hạng,  như ở trên đã nói là phải thảo luận thật kỹ các tiêu chí có liên quan đến chất lượng của cơ sở GDĐH, cần tham khảo các tiêu chí do các tổ chức quốc tế đưa ra xếp hạng đối với từng loại trường đại học (đào tạo đại học hay đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ là chính). Việc kiểm định đánh giá nên có yếu tố quốc tế, sao cho thật công bằng, khách quan và minh bạch.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)

  

Dòng sự kiện: Xếp hạng đại học