“Phập phồng” gửi con ở nhà trẻ tự phát

(Dân trí) - Vụ việc người trông trẻ đánh chết cháu bé 18 tháng tuổi tại Thủ Đức, TPHCM như ly nước tràn về mối nguy khôn lường của nhóm trẻ tự phát. Vậy nhưng, nhiều phụ huynh là công nhân, lao động nghèo vẫn buộc lòng “làm ngơ” trước những nguy cơ đó.

“Làm ngơ” trước các nguy cơ

Vụ việc trẻ 18 tháng tuổi bị người trông trẻ là hàng xóm trong khu trọ giẫm chết ở Thủ Đức, TPHCM làm nhiều lao động nghèo gửi con tại những nhóm trẻ tự phát giật mình, lo sợ. Biết rồi lo nhưng lo rồi để đó, vì nhiều lý do, họ vẫn phải “cắn răng” gửi con tại những nơi với đầy nguy cơ rình rập.

Chị Hoàng Thị Thắm, quê ở Nghệ An, làm việc ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, Q. Bình Tân cho hay chị gửi con tại một nhà trẻ tự phát gần chỗ trọ. Khu chị ở, có đến 3 nhà trẻ tự phát, còn quanh khu công nghiệp thì đếm không xuể. Người trông trẻ chủ yếu cũng là những người làm ăn xa quê, họ nhận trông trẻ ngay tại phòng trọ cho với chi phí rẻ, hợp túi tiền của công nhân và lao động nghèo.

Nhiều công nhân, lao động nhập cư tại TPHCM đành làm ngơ khi gửi con tại các nhóm trẻ.

Nhiều công nhân, lao động nhập cư tại TPHCM đành "làm ngơ" khi gửi con tại các nhóm trẻ.

“Tôi gửi con hàng tháng trả phí 1 triệu đồng. Mình cần thì gửi chứ không có ai kiểm soát hết, cũng không có một cam kết nào đảm bảo an toàn cho con. Biết là là nguy hiểm nhưng không gửi con ở đây, chúng tôi cũng không biết gửi ở đâu?”, chị Thắm nói.

Nghe thông tin bảo mẫu đánh chết trẻ, chị Nguyễn Thị Tươi, công nhân công ty Nissen Electric VN Q.9 lo lắng không yên. Mà rồi mỗi ngày chị vẫn đành chở hai con 11 tháng tuổi và 3 tuổi đến gửi tại một nhóm trẻ ngay gần nhà.

Con cái là tài sản quý giá nhất nhưng lúc này, dù biết con phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, chị Tươi cũng chẳng còn cách nào khác vì nếu không gửi trẻ ở đây, chỉ có nước gửi con về quê cho ông bà.

Trường mầm non công lập là nơi mà chị cũng như nhiều công nhân khác không bao giờ nghĩ đến. Thường các trường ưu tiên cho trẻ có hộ khẩu thành phố, trẻ 5 tuổi, và trường cũng chỉ trông trẻ trong giờ hành chính. Chi phí gửi con ở trường mầm non là khoản lớn mà thu nhập của họ không cáng đáng nổi.

Gửi con gái 2 tuổi tại nhóm trẻ ở Q. Bình Tân, TPHCM, vợ chồng anh Ng.V.T, quê ở Bắc Giang, cho hay do công việc phải tăng ca, làm đến đêm mới về nên vợ chồng anh không thể gửi con ở trường công. Nhiều hôm thấy người con nhiều vết thâm tím, con mách người trông trẻ đánh nhưng khi hỏi lại, họ nói do mấy đứa trẻ nghịch nhau xô ngã. Đã nhiều lần anh chị đổi chỗ gửi con nhưng toàn nhóm trẻ gia đình, cũng chẳng biết nơi nào hơn nơi nào.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổ trưởng tổ 9, khu phố 6, phường Linh Trung, Q.Thủ Đức - nơi xảy ra sự việc người giữ trẻ giẫm chết cháu bé 18 tháng tuổi - cho biết khu này có khoảng hơn 2.200 hộ dân, số dân nhập cư chiếm từ 70% - 80%, đa số là công nhân. Dân nhiều như vậy nhưng cả khu phố 6 không có nhà trẻ. Dân đã nhiều lần phản ánh, đề nghị xây dựng nhưng không được phép.

Lỏng lẻo quản lý nhóm trẻ

Tại TPHCM hiện có 15 khu chế xuất - khu công nghiệp với khoảng 270 nghìn công nhân, trong khi đó công nhân nữ chiếm khoảng trên 60%. Trước nhu cầu gửi con của công nhân, UBND TP đã thúc việc xây dựng trường mầm non cho con công nhân nhưng những công trình nhà trẻ lâu nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Thế nên hầu hết công nhân phải tự loay hoay tìm nơi gửi con tại những nhóm trẻ gia đình với đầy rẫy các nguy cơ.

TPHCM có khoảng 1.200 nhóm trẻ gia đình hoạt động có giấy phép, góp phần giải quyết nhu cầu gửi con rất lớn cho phụ huynh. Bên cạnh đó, còn rất nhiều nhóm trẻ tự phát, hoạt động không giấy phép, không đủ điều kiện. 

Tháng 5/2013, theo phản ánh của phụ huynh, cháu T.H, học tại Trường mầm non tư thục Đô Rê Mon, Bình Chánh, TPHCM bị cô giáo dùng cây đánh vào mặt vì tội uống sữa chậm. Sau vụ việc, phòng Giáo dục huyện Bình Chánh cho biết đây không phải là một trường mầm non mà chỉ là một nhóm trẻ hoạt động không phép.

Trước đó, ngày 26/2/2013, cháu Đ.C.Th bị sặc cháo dẫn đến tử vong khi đang được gửi tại một nhà trẻ không phép tại xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Ngày 16/11/2013, cháu Đ. N. L., 18 tháng tuổi, bị người trông trẻ tại nhà Hồ Ngọc Nhờ, ngụ tại phường Linh Trung, Q. Thủ Đức đánh đập, dẫm đạp lên người đến chết. 

Về phía ngành giáo dục, các quận huyện đều cho rằng việc quản lý các nhóm trẻ gia đình, ngay cả các nhóm trẻ có phép cũng cực kỳ phức tạp. Để thu hút người gửi, các nhóm trẻ đưa các mức thu cực kỳ thấp, không thể đảm bảo cho hoạt động chăm sóc trẻ. Như ở huyện Củ Chi, năm học này UBND cho phép thu tiền ăn 22.000 đồng/ngày nhưng thực tế nhiều nhóm trẻ chỉ thu 17.000 đồng.

Chưa kể đến các nguy cơ thiếu an toàn khác tại nhóm trẻ như cơ sở vật chất kém, đội ngũ trông trẻ không có chuyên môn, nhân sự thường xuyên thay đổi...

Về nhóm trẻ gia đình, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, việc cấp phép thuộc về chính quyền địa phương. Ngành giáo dục có nhiệm vụ hỗ trợ về chuyên môn, đồng thời động viên những nhóm trẻ có điều kiện xúc tiến thành lập trường.

Có một thực tế, nhiều quản lý bậc học mầm non các quận huyện ở TPHCM cũng thừa nhận là họ làm không xuể công tác chuyên môn ở nhóm trẻ gia đình vì nhân sự ở phòng quá ít, công việc lại quá nhiều. Về phía địa phương, các quận cấp phép nhưng khâu quản lý lại còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ xuống từng khu vực, tổ dân phố nên vẫn nhan nhản nhóm trẻ gia đình tự phát, không đủ điều kiện.

Thiếu trường lớp, đặc biệt ở bậc mầm non là thực trạng được đề cập từ lâu tại TPHCM. Gửi trẻ là một nhu cầu cấp thiết, mòn mỏi nhắc đi nhắc lại bao lâu nay, kế hoạch xây dựng nhà trẻ cho con công nhân vẫn rất ì ạch.

Trước bài toán thiếu trường, thiếu lớp như hiện nay, không thể thể phủ nhận vai trò của nhóm trẻ gia đình. Có cung có cầu, hình thức nhà trẻ này sẽ còn tồn tại nên vấn đề cấp thiết đặt ra là cần siết chặt việc cấp phép, quản lý các nhóm trẻ gia đình nhằm đảm bảo an toàn cho người học, giảm nỗi lo cho phụ huynh.

Khi nhóm trẻ gia đình còn bị thả nổi, nhiều nơi không phép với nhiều nguy cơ còn ngang nhiên hoạt động thì sẽ còn nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Việc xây dựng trường mầm non cho con công nhân hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Ngay từ khâu quy định về xây dựng khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất ở Việt Nam gần như chỉ tập trung hạn định điều kiện về vệ sinh, môi trường, diện tích cây xanh chứ chưa quy định rõ doanh nghiệp có trách nhiệm đối với đời sống người lao động và con em họ. Do đó, mặc dù TP cũng đã có kế hoạch xây dựng 6 nhà trẻ cho con công nhân nhưng đến nay chỉ mới có một nhà trẻ hoạt động ở KCN Hiệp Phước (phục vụ 130 trẻ em). Còn các dự án xây dựng khác như nhà trẻ ở KCX Tân Thuận và KCN Vĩnh Lộc còn đang xúc tiến các thủ tục giao đất… - Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng bản quan lý KCX-KCN TPHCM

Ở địa bàn Q.5 chỉ có một vài nhóm trẻ nhưng việc quản lý không hề đơn giản. Một trong những điều đáng lo nhất là giáo viên ở những nhóm trẻ này thay đổi thường xuyên, không làm việc lâu dài hoặc không có chuyên môn nên rất bất an đối với trẻ. Các nhóm trẻ chủ yếu thuê lại nhà dân để mở lớp nên họ không được thay đổi cấu trúc phù hợp đối với sinh hoạt của trẻ nên cũng có rất nhiều nguy cơ không an toàn - Bà Nguyễn Thị Mai Hương - phó Trưởng Phòng GD-ĐT Q.5, TPHCM

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Nhà trẻ tự phát