Phạt 60 triệu đồng những trường tuyển vượt trên 20% chỉ tiêu

(Dân trí)- Ông Trần Bá Giao, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ phạt tiền từ 2 triệu đến 60 triệu đối với các trường vượt quá chỉ tiêu được giao. Nếu đơn vị nào cố tình vi phạm, Bộ sẽ kiên quyết điều chỉnh theo hướng giảm hoặc tạm dừng tuyển sinh để củng cố.

Trao đổi với Dân trí, ông Giao cho biết, với các trường vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh sẽ phải chịu hình thức xử phạt theo Nghị định 49. Theo đó, mức phạt tiền thấp nhất từ 2 triệu - 5 triệu với các trường tuyển vượt chỉ tiêu dưới 5% và mức phạt tiền cao nhất từ 40 triệu - 60 triệu đối với các trường hợp vi phạm tuyển vượt trên 20% chỉ tiêu số lượng tuyển sinh được giao hoặc tuyển từ 31 người học trở lên không đúng đối tượng, tiêu chuẩn.

Trong năm vừa qua, đoàn kiểm tra Bộ GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 19 trường ĐH, CĐ thì có đến18 trường tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu đã được phê duyệt. Hầu hết các trường đều vượt trên 20% chỉ tiêu và nộp phạt gần 700 triệu đồng.

Ông Giao cho biết, trong những năm qua nhiều trường vượt chỉ tiêu đã đăng ký dẫn đến không đảm bảo các tiêu chí về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo như: ĐH Phú Yên, ĐH DL Cửu Long, CĐ Đức Trí, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Đông Du, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân, Trường CĐ Tài chính - Quản trị kinh doanh, CĐ Bách khoa Hưng Yên và ĐH Hồng Bàng cũng đào tạo và cấp bằng cho những ngành chưa được giao nhiệm vụ đào tạo hoặc cấp bằng khác với quyết định mở ngành ban đầu… Đặc biệt, trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TPHCM 3 năm liền đều vượt trên 70% chỉ tiêu.

Tuy nhiên, biết mức độ vi phạm và hình thức xử phạt nhưng trong tuyển sinh 2008 này, nhiều trường vẫn “xé rào” hạ điểm chuẩn, vượt chỉ tiêu tuyển sinh như trường CĐ Kinh tế công nghệ TPHCM và CĐ Kinh tế TPHCM…

Với các trường tuyển vượt chỉ tiêu hoặc đã giao chỉ tiêu tuyển sinh, nếu ngành nghề nào chưa bảo đảm điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, Bộ sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để xử phạt. Nếu đơn vị nào cố tình vi phạm, Bộ sẽ kiên quyết điều chỉnh theo hướng giảm hoặc tạm dừng tuyển sinh để củng cố. Chỉ khi đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất mới được phép tiếp tục tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề đó - ông Giao nói.

Hồng Hạnh