Phía sau công văn “giải cứu” thịt lợn

(Dân trí) - Công văn vận động mỗi giáo viên mua 10kg thịt lợn/tháng của Phòng GD-ĐT huyện Can Lộc đã được Hà Tĩnh thu hồi nhưng kịp lưu lại dấu ấn về một cách hành xử áp chế của cơ quan quản lý lên nhà giáo.

Mới đây, Phòng GD-ĐT huyện Can Lộc phát công văn gọi là vận động nhưng thật ra là yêu cầu khi đặt chỉ tiêu cụ thể mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục đăng ký mua ít nhất 10kg lợn hơi/tháng/người. Công văn còn quy định các trường phải thực hiện và báo cáo về Phòng.

Sau khi công văn được báo chí đăng tải, gây phản ứng đã được thu hồi nhưng đằng sau đó chứa không ít “uẩn khúc”. Mua 10 ký thịt lợn/tháng là chuyện nhỏ nhưng chuyện lớn là quyền hành, cách hành xử từ chính các cơ quan quản lý lên nhà giáo qua các công văn, chỉ thị, yêu cầu.

Công văn của Phòng GD-ĐT huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vận động yêu cầu giáo viên mua 10 kg thịt heo/tháng đã được thu hồi
Công văn của Phòng GD-ĐT huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vận động yêu cầu giáo viên mua 10 kg thịt heo/tháng đã được thu hồi

Cách đây không lâu, cũng ở Hà Tĩnh gây hoang mang dư luận bởi công văn của UBND thị xã Hồng Lĩnh được gửi nhiều lần đến Phòng GD-ĐT, các trường học từ mầm non đến THCS ở địa bàn về nội dung điều động cán bộ, giáo viên trong ngành tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn. Có thể họ phải bưng bê, lau dọn, bị quản lý chỉ tay như người giúp việc... trước mặt học trò.

Chưa dừng lại, sau các sự kiện như vậy, nhiều nữ giáo viên bị điều động “tiếp khách” khi đi ăn uống, hát hò bị ôm vai bá cổ. Đơn vị quản lý trực tiếp là Phòng GD-ĐT lẽ ra phải bảo vệ nhân viên của mình thì Trưởng Phòng lại phát biểu rằng... đây là chuyện bình thường.

Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, ông Nguyễn Văn Hổ còn nói rằng những người làm nhiệm vụ (đi làm lễ tân, dọn dẹp, bưng bê) là vinh dự, và họ sẽ tiếp tục điều động (giáo viên) làm nhiệm vụ khi có các lễ hội lớn.

Sau đó, Bộ GD-ĐT đã phải gửi công văn hỏa tốc gửi Hà Tĩnh yêu cầu kiểm tra, rút kinh nghiệm. Lãnh đạo Bộ đánh giá, việc bố trí giáo viên làm các công việc này có thể ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của người giáo viên và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là không phù hợp.

Rất nhiều nhà giáo bị tổn thương bởi việc “vận động” kiểu này từ các cấp quản lý bởi đây là một sự xúc phạm.

Một nhà giáo thẳng thắn chia sẻ, dường như các nhà quản lý đang xem nhà giáo là một công cụ. Khi gặp các vấn đề trong điều hành, quản lý..., họ nghĩ ngay đến việc gọi giáo viên “giải cứu”. Mà theo ông, một xã hội xem các nhà giáo làm công cụ thì rõ ràng xã hội ấy đang và sẽ tụt dốc về nhân cách.

Những văn bản, chỉ thị “vận động” nhà giáo cho thấy giáo viên bị quản lý rất chồng chéo, cả hàng ngang lẫn hàng dọc. Không chỉ về chuyên môn từ Sở, Phòng, hiệu trưởng, tổ chuyên môn, bộ môn... mà các cấp quản lý, các ban ngành khác, kể cả những lĩnh vực không liên quan, không hiểu rõ chuyên môn cũng có thể ra yêu cầu này nọ với nhà giáo.

Ngoài ra, phía sau những công văn yêu cầu mang tính “vận động” này cũng phần nào thể hiện sự im lặng, thậm chí là cam chịu của người thầy. Nhà giáo im lặng chấp hành, không phản biện trước những “đòi hỏi” không phù hợp, ảnh hưởng đến công việc lẫn danh dự.

Với những người làm công tác giáo dục, lại được trao thêm hai chữ “trồng người”, thứ cần nhất chính là sự tự chủ, tinh thần phản biện... thì người thầy đang bị “gò” đủ phía. Không chỉ trong chuyên môn, người thầy được xem như là “thợ dạy” mà trong nhiều vấn đề liên quan đến quản lý, người ta nghĩ ngay đến giáo viên khi cần... giải cứu.

Hoài Nam