Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: “Hội Khuyến học có sức lan tỏa và để lại dấu ấn mạnh mẽ”

(Dân trí) - Sáng nay 29/3, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tới thăm và làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và khẳng định Hội Khuyến học có đóng góp rất lớn cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, có sức lan tỏa mạnh mẽ, để lại dấu ấn lớn trong xã hội.

Chuyến thăm lịch sử đối với Hội Khuyến học

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - GS.TS Nguyễn Thị Doan cảm động, vui mừng phấn khởi vì đây là chuyến thăm lịch sử từ trước tới nay của một Phó Chủ tịch nước tới TƯ Hội Khuyến học Việt Nam.

Báo cáo với Phó Chủ tịch nước về công tác khuyến học trong thời gian qua, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết, Hội hoạt động theo Chỉ thị 11 - CT/TW của Bộ Chính trị "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Hội Khuyến học hiện nay đã phủ kín cả nước, 63 tỉnh thành phố đều có tổ chức Hội, các chi hội khuyến học đã có mặt ở cả các vùng xa xôi, miền núi, vùng khó khăn.

Hội Khuyến học có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc phối hợp thúc đẩy cả xã hội cùng làm khuyến học, khuyến tài, thực hiện một xã hội ai cũng học tập vì sự phát triển bền vững.

Công tác xây dựng và phát triển mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và đơn vị khuyến học ngày càng được nhân rộng, hoạt động sôi nổi trong cả nước, được nhân dân hưởng ứng rất tích cực.

Sáng nay 29/3, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tới thăm và làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
Sáng nay 29/3, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tới thăm và làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

Chủ tịch Doan cho biết, thời gian qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp cùng với Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí “Thành phố học tập” và “Công dân học tập” ở Việt Nam; Nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá công nhận “Đơn vị học tập” dành riêng cho các trường đại học, cao đẳng… Đặc biệt, Hội phối hợp cùng với Vụ Giáo dục thường xuyên của Bộ xây dựng xã hội học tập và học tâp của người lớn. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng.

Chủ tịch Doan cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta mới chỉ chú trọng giáo dục tới đối tượng trẻ là học sinh - sinh viên. Tuy nhiên, giai đoạn quan trọng nhất là giáo dục cho người lớn gồm tất cả các công chức, viên chức, người về hưu, người lớn tuổi… tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Với nhiệm vụ hết sức nặng nề như vậy, Hội đã ký kết với Đoàn Thanh niên, Hội Người Cao tuổi, Liên Đoàn Lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ và sắp tới sẽ ký Mặt trận Tổ quốc VN để phát triển tổ chức Hội ở trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy việc học tập cho các đối tượng là đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức của các tổ chức này thông qua việc thành lập các ban khuyến học, quỹ khuyến học để dành sự quan tâm, tạo điều kiện cho những người nghèo, cán bộ công chức nghèo tiếp tục được học tập.

Theo Chủ tịch Doan, Quỹ Khuyến học phát triển mạnh mẽ từ TƯ tới địa phương. Nhiều tỉnh có Quỹ Khuyến học lên tới 100 tỷ đồng như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam… với mục đích phát học bổng tạo điều kiện cho trẻ em đi học. Trong thời gian tới, Quỹ Khuyến học các cấp sẽ cấp phát học bổng cho các đối tượng người lớn học tập.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam GS.TS Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam GS.TS Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi làm việc.

Nhắc đến các phong trào thi đua khuyến học hiện nay ở các địa phương như “tiếng kẻng khuyến học”, “cây bưởi khuyến học”, “nuôi heo đất”…, đặc biệt là giải thưởng mang tầm cỡ quốc gia là “Nhân tài Đất Việt”. Chủ tịch Doan mong muốn kết nối thi đua phong trào khuyến học, khuyến tài như gia đình học tập, dòng họ khuyến học gắn với các cuộc thi đua như gia đình văn hóa ở Mặt trận Tổ quốc, hoặc gắn với cuộc thi đua ở Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi.

Tại buổi làm việc, báo cáo với Phó Chủ tịch nước, ông Phạm Huy Hoàn - Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam, Tổng biên tập báo điện tử Dân trí cho biết, thông qua Quỹ Khuyến học nhiều độc giả của báo, nhiều nhà hảo tâm, nhiều cơ quan doanh nghiệp, nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài như Mỹ, Nhật, Hàn... đã quan tâm ủng hộ trao tặng học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi, các hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Đặc biệt, trong những năm qua, Quỹ Khuyến học đã xây dựng 16 cây cầu mang tên khuyến học.

Ngoài ra, mỗi tuần bạn đọc thông qua Quỹ Nhân Ái của báo ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn trên cả nước trên 1 tỷ đồng. Cuộc thi thường niên “Nhân tài Đất Việt” tôn vinh nhiều lĩnh vực như Công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên, y tế... đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm tới dự.

Ông Phạm Huy Hoàn - giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam, Tổng biên tập báo điện tử Dân trí tại buổi làm việc.
Ông Phạm Huy Hoàn - giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam, Tổng biên tập báo điện tử Dân trí tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, rất vui mừng được đến thăm Hội Khuyến học Việt Nam. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Nhà nước, Phó Chủ tịch nước gửi đến Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan và các đồng chí lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam sức khỏe.

Chúc mừng và biểu dương kết quả đạt được trong 22 năm qua của Hội Khuyến học, Phó Chủ tịch nước cho biết, bản thân bà cũng đã có thời gian trực tiếp chỉ đạo công tác khuyến học nên rất hiểu công tác khuyến học.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch nước khẳng định: “Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức lớn trong các tổ chức hội. Một tổ chức có dấu ấn lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và có đóng góp rất lớn cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nước ta. Điều này chắc chắn ai cũng phải thừa nhận bởi Hội có số lượng hội viên đông đảo nhất với hơn 16.700 nghìn hội viên chiếm 18,44% dân số, hoạt động trong 11.183 cơ sở hội và hơn 158.479 chi hội”.

Phó Chủ tịch nước cho rằng, thời gian qua, Hội Khuyến học đã làm đúng chức năng nhiệm vụ, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Công tác Hội đã đi vào chiều sâu và hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, từ trung ương đến cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, làng, ấp bản, các trường đại học, tổ chức, đơn vị đều có tổ chức Hội và hoạt động khuyến học… đã được cả xã hội đồng tình hưởng ứng vì học tập suốt đời.

Đặc biệt, Hội có website tuyên truyền, có báo chí điện tử, chuyên trang chuyên mục thông tin tuyên truyền tốt về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến mọi người dân, thúc đẩy học tập tại các gia đình, dòng họ, đơn vị, trường học… đáp ứng nền công nghiệp 4.0.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Hội Khuyến học Việt Nam bức ảnh Bác Hồ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Hội Khuyến học Việt Nam bức ảnh Bác Hồ.

Phó Chủ tịch nước cũng mừng vì Quỹ Khuyến học của Hội Khuyến học rất lớn với trên 3.357 tỷ đồng ở quỹ địa phương và trên 7,2 tỷ đồng ở quỹ Khuyến học TƯ và hỗ trợ trên 7.000 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Phó Chủ tịch nước mong muốn Hội tập trung xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập, hướng đến học tập người lớn tất cả mọi người kể cả cán bộ công chức, viên chức để nâng cao trình độ.

Về khó khăn và kiến nghị của Hội Khuyến học, Phó Chủ tịch nước ghi nhận và mong muốn Hội Khuyến học tiếp tục thực hiện chức năng tham gia tư vấn phản biện xã hội, các chủ trương, chương trình giáo dục… đây là nhiệm vụ quan trọng vì hiện nay giáo dục có quá nhiều “lùm xùm” như giáo viên quỳ, bạo lực học đường… "Tôi tin Hội phát huy thực hiện tốt chức năng của mình và phát triển bền vững Quỹ Hội Khuyến học."

Về công tác thi đua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng Hội Khuyến học có nhiều phong trào tốt với nhiều nội dung phong phú. Sắp tới, Nhà nước tuyên dương nhiều tập thể cá nhân tiêu biểu xuất sắc cả nước. Hội Khuyến học cần giới thiệu các điển hình tiêu biểu xuất sắc như gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học.

Thay mặt, Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thị Doan đã cám ơn Phó Chủ tịch nước đã tới thăm và làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam và mong Phó Chủ tịch quan tâm, ủng hộ tới các hoạt động của Hội Khuyến học, đặc biệt là công tác thi đua khuyến học.

Hồng Hạnh

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục