Phó Giám đốc với đôi chân không lành lặn

(Dân trí) - “Nếu tạo hoá lấy đi của tôi thứ này thì sẽ bù đắp cho tôi thứ khác. Nó cũng giống như tôi không có một đôi chân lành lặn nhưng bù lại tôi có đôi bàn tay và trí óc sáng suốt. Tôi cứ làm việc, cứ vươn về phía trước với niềm tin vào một tương lai tươi sáng”, anh Phạm Đình Uyên tâm sự.

... với đôi chân không lành lặn

 

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ, khoá 26 - khoa Anh Trung, chàng trai sinh năm 1973 không khỏi bỡ ngỡ trước những ngả rẽ việc làm. Anh là người có khả năng chuyên môn nhưng với hình hài ốm nhách, đi xiêu vẹo, để xin làm ở một trường là điều vô cùng khó khăn. Anh quyết định ở nhà dạy tư và dịch tài liệu theo nghiệp của người bố nổi tiếng – dịch giả Phạm Đình Cầu.

 

Vốn liếng ngoại ngữ của anh Uyên ngày càng phong phú và chắc chắn. Anh muốn mình làm được điều gì đó lớn lao và thoả trí người đàn ông hơn. Anh đưa ra ý kiến thành lập Công ty Dịch thuật - Du lịch - Thương mại Hà Thành, được bố và người anh thứ hai ủng hộ nhiệt liệt.

 

Trong quá trình dịch tài liệu cho các công ty, tiếp xúc với những người khách du lịch nước ngoài, anh mới nảy ra ý tưởng kết hợp dịch thuật với du lịch. Kết hợp được hai yếu tố đó, công ty của anh không chỉ thu hút được nhiều khách nước ngoài mà các công ty trong nước chắc chắn cũng muốn liên kết làm ăn.

 

Trên danh nghĩa, bố anh là Giám đốc, là người điều hành toàn bộ cơ cấu của Công ty, trụ sở chính tại ngõ 187 - phố Mai Dịch - Hà Nội. Anh trai thứ hai và anh là phó Giám đốc. Người anh thứ hai phụ trách về mảng Du lịch còn anh điều phối về mảng dịch thuật. Công việc của anh khá bận rộn và vất vả. Hầu như suốt ngày anh phải ngồi trên chiếc xe máy dành riêng cho mình. Đi giao dịch ai cũng ngạc nhiên trước sức dẻo dai và khả năng quản lý của anh phó Giám đốc Công ty. Anh  Uyên nói, ngoài công việc chính ở Công ty, anh còn nhận lời mời của NSND Tường Vi làm giáo viên giảng dạy ngoại ngữ cho Trung tâm Nghệ thuật tình thương.

 

Biến cái không thể thành có thể

 

Nhìn anh cười nói, hỏi chuyện và hài hước, nhưng tôi hiểu những gì một chàng trai 30 tuổi khiếm khuyết về cơ thể làm được là điều không dễ dàng. Anh không muốn nói nhiều về những năm tháng tuổi thơ hay khởi nguồn của mọi sự bất hạnh đối với mình.

 

Khi mang thai anh, mẹ vẫn phải dìm người với ao chuôm, đồng ruộng nơi quê nghèo nên bị trận cúm kéo dài. Sinh ra anh, bố mẹ đã khóc cạn cả nước mắt trước hình hài thằng con út bé bỏng. Anh nhỏ xíu, tay chân càng lớn càng teo tóp. Không hiểu sao những bất hạnh luôn đổ xuống đầu những đứa con út. Cho đến giờ tôi mới thấy thấm thía hết câu nói được đúc kết từ ngày xưa: “Giàu con út khó con út” và nghiệm ra tình cảm của những bậc cha mẹ dành cho đứa con út thật đặc biệt.

 

Những ngày tháng đi học nơi quê nghèo là những ngày anh đi học trên đôi tay nhăn nheo của mẹ. Bố đi làm ngoài Hà Nội, mẹ và các anh dồn hết tình yêu thương cho thằng em kém may mắn.

 

Uyên từ bé đã là một cậu bé gan góc. Anh đã biết đi xe đạp từ những năm học cấp ba - điều mà mọi người không dám nghĩ tới. Những lần ngã toạc cả chân tay, lấm lem mặt mũi cũng không làm anh nản lòng. Anh muốn đi học, muốn đạt được kết quả tốt như tấm gương người bố và các anh. Và anh Uyên đã làm được. Kết quả học tập suốt thời phổ thông của anh  đếu đạt loại giỏi. Anh không nhớ nổi số bằng khen, giấy khen của mình. Học hết phổ thông anh quyết tâm khăn gói ra Hà Nội để thi đại học mặc dù biết mẹ rất lo nơi đất lạ bố con anh có chăm sóc nhau được cẩn thận hay không? Và trời đã không phụ lòng người, anh vào nhập học với số điểm khá cao: 26 điểm.

 

“Tôi biết ơn gia đình”

 

“Gia đình là chốn nương thân an toàn nhất để tránh mọi tai ương của số mệnh”, anh không nhớ câu nói đó của ai chỉ biết mình nghiệm ra điều đó từ máu thịt. Nếu không có sự hi sinh, yêu thương của mẹ, tấm gương làm việc của người bố và sự đùm bọc, động viên của các anh trai thì anh Uyên không có ngày hôm nay. Một phó Giám đốc đối với các bạn trẻ bây giờ không phải là điều gì quá ghê gớm, nhưng đối với hoàn cảnh của anh thì đây là thành quả của cả một quá trình phấn đấu.

 

Anh hiểu mình may mắn có một mái ấm gia đình trọn vẹn. Mình được những bàn tay nâng đỡ của mọi người ruột thịt. Anh hiểu giá trị hạnh phúc gia đình chính vì thế mục đích cuộc sống của anh bây giờ là tương lai của hai cậu nhóc con trai anh – một đứa 5 tuổi, một đứa vừa tròn 3 tháng. Anh yêu chúng hơn báu vật và mong mỏi từng ngày chúng lớn khôn. Anh nói giờ anh đã có tất cả: một mái ấm hạnh phúc, một công việc yêu thích, một cuộc sống chắc chắn. Giờ anh đang vô cùng hạnh phúc...

 

 

Hàn Nguyệt