Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các trường chưa dùng hết quyền tự chủ của mình!

(Dân trí) - Sáng 18/3, Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 đã diễn ra với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tại buổi làm việc, nhiều trường đại học thực hiện thí điểm tự chủ đã kiến nghị nhiều vấn đề giáo dục đang còn vướng mắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các trường chưa dùng hết quyền tự chủ của mình! - 1

Nhiều vướng mắc trong triển khai tự chủ

Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017. Đến nay, đã có 13 trường đại học công lập tham gia thực hiện thí điểm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, thời gian thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017, trong khi đó các trường xây dựng đề án và trình phê duyệt còn chậm. Có trường đến cuối năm 2015 mới xây dựng xong đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, thời gian thực tế thực hiện đề án thí điểm còn rất ngắn, chưa đủ thời gian để thực hiện kế hoạch dài hạn đặt ra.

Bên cạnh đó, một số quy định tại Nghị quyết 77 chưa rõ, đồng thời chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai còn nhiều lúng túng, đặc biệt chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của các trường, dẫn đến còn nhiều quan điểm khác nhau giữa trường và các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.

Tại hội nghị, đại diện các trường đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các các cơ sở giáo dục đại học công lập được giao tự chủ.

Lãnh đạo trường ĐH Hà Nội cho rằng, chưa có hướng dẫn cụ thể quyền tự chủ trong việc quyết định các mức chi; chưa quy định tự chủ về chế độ làm việc của giảng viên, về giờ chuẩn và nghĩa vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học; thiếu hướng dẫn về việc sử dụng nguồn lực tham gia liên doanh, liên kết để tăng nguồn thu cho các trường…

Mặc dù được quyết định thu mức học phí cao theo đề án được Chính phủ phê duyệt cao hơn mức học phí quy định chung đối với trường đại học khác nhưng để thu hút sinh viên, một số trường vẫn duy trì mức học phí bằng mức quy định chung của nhà nước áp dụng cho các trường chưa thực hiện cơ chế tự chủ vì vậy chưa tích lũy để đầu tư công trình, dự án lớn phục vụ công tác đào tạo. Do đó, lãnh đạo trường ĐH Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị được tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư có tổng mức đầu tư lớn để đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các trường chưa dùng hết quyền tự chủ của mình! - 2

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ nhiều quy định còn vướng mắc trong thực hiện tự chủ

Trường ĐH Mở TP.HCM kiến nghị cần có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu lãi từ tiền gửi ngân hàng được sử dụng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên. Bên cạnh đó, đề nghị được ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo chuyên giam được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển.

Vấn đề mà nhiều trường quan tâm là đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT, xem xét, nghiên cứu áp dụng tỷ lệ nhất định đối với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng/sinh viên để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh vì đội ngũ này đóng góp rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy.

Đối với công tác tuyển sinh, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, việc xét tuyển vào đại học chính quy như hiện nay khiến cho các trường đại học thí điểm tự chủ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Điều này đòi hỏi các trường cần cân nhắc có phương án xét tuyển riêng, phù hợp với đặc điểm của ngành đào tạo. Do đó, đề nghị Bộ GD-ĐT có đơn vị chuyên môn đảm nhận cung cấp dịch vụ đề thi, tổ chức thi lấy kết quả nhiều đợt trong năm. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần xem xét, cân nhắc điều chỉnh yêu cầu về trình độ tiến sĩ khi mở ngành mới trong quy định mở ngành.

Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiến nghị với Chính phủ, xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 77 đến hết năm học 2019 – 2020 để có đủ thời gian thực hiện và đánh giá cơ chế thí điểm một cách toàn diện vì phần lớn các trường được phê duyệt Đề án vào giữa năm 2015, thời gian thực hiện còn ngắn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung, mức độ tự chủ theo từng lĩnh vực. Đề xuất Chính phủ giao cho các Bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể hơn các nội dung thí điểm tự chủ được quy định tại Nghị quyết 77 theo từng lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Ngay trong buổi làm việc, các thắc mắc, kiến nghị của các trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đại diện các Bộ, ngành liên quan đã trả lời trực tiếp và làm rõ những tồn tại, hạn chế, đồng thời giải quyết ngay những vướng mắc cho các trường để sau 1 năm thực hiện, sẽ báo cáo Chính phủ để đánh giá vấn đề tự chủ cho các trường.

Các trường vẫn chưa dùng hết quyền tự chủ của mình

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng , sau 1 năm thực hiện, phần lớn các trường đại học (tham gia thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập) vẫn chưa dùng hết quyền tự chủ của mình.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là con đường tất yếu mình phải làm, làm không vội vàng nhưng phải khẩn trương, quyết liệt với quan điểm lớn nhất là nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Sau buổi làm việc này, vấn đề tự chủ học thuật và tự chủ về tài chính được cơ bản tháo gỡ. Ngoài ra, các trường tự chủ mong muốn có cơ chế hỗ trợ của nhà nước về tài chính, tín dụng.

Phó Thủ tướng cũng cho biết sẽ ưu tiên vốn một số dự án ODA cho các trường đang tiến hành tự chủ và sẽ tự chủ. “Tự chủ không có nghĩa là nhà nước buông để trường muốn làm gì thì làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị

Phó Thủ tướng cho rằng, việc tự chủ của các trường đại học không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao của các học sinh nghèo.Việc này sẽ được giải quyết bằng cách cấp học bổng có giá trị cho những học sinh, sinh viên nghèo, học giỏi.

Theo Phó Thủ tướng, đi kèm với tự chủ là trách nhiệm phải giải trình rõ. Ở đây có câu chuyện về kiểm định. Hôm nay, Bộ GD-ĐT cũng thống nhất ban hành quy định cho tất cả các trường phải tự kiểm định và công khai trên website của nhà trường.

“Tập trung kiểm định chặt chẽ các trường được giao tự chủ. Xin được tự chủ ở nhiều mặt thì phải gương mẫu, phải làm thật sự tốt.Trường khác vi phạm thì bị xử lý nhẹ, trường tự chủ vi phạm thì bị xử nặng hơn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về tổ chức bộ máy, Phó Thủ tướng Đam cho rằng, việc giao tự chủ thì đồng nghĩa vai trò của bộ chủ quản sẽ bớt đi. Như vậy, hội đồng trường phải tăng cường trách nhiệm giải trình. Việc này đã có quy định nhưng các trường thực hiện chưa nghiêm túc.Vấn đề này có trách nhiệm của Bộ chủ quản và của các trường. Trong thời gian tới, các Bộ chủ quản phải kiện toàn các hội đồng trường. Cần phân định rõ trách nhiệm hội đồng trường cả hướng phát triển, đầu tư, nhân sự và có cơ chế giám sát và phân định chức năng điều hành của hiệu trưởng, ban giám hiệu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ GD-ĐT phải ra quy định bắt các trường tự chủ phải công khai, không được giấu giếm. Chúng ta phải nói thật, có gì vướng mắc thì tiếp tục tháo gỡ.

Hồng Hạnh (ghi)