Vụ việc trường tiểu học Hải Bối:

Phòng GD-ĐT huyện Đông Anh khẳng định chi trả đầy đủ chế độ cho HS hộ nghèo

(Dân trí) - “Từ năm học 2015-2016 đến nay, Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với các đối tượng thuộc diện được hưởng hỗ trợ chi phí học tập tại các trường Mầm non, Tiểu học, Chuyên biệt và THCS công lập và ngoài công lập trên địa bàn huyện.”, báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết.

Sau khi nhận được phản ánh của báo Dân trí về việc một số người dân thông tin trường tiểu học Hải Bối có thông báo học sinh hộ gia đình nghèo thì làm đơn xác nhận để được hỗ trợ nhưng không hiểu sao lại quy định mỗi lớp chỉ được tối đa hai học sinh, Phòng GD-ĐT huyện Đông Anh đã tiến hành rà soát toàn địa bàn và báo cáo UBND huyện Đông Anh.

Phòng GD-ĐT huyện Đông Anh khẳng định chi trả đầy đủ chế độ cho HS hộ nghèo - 1

Theo báo cáo của phòng GD-ĐT huyện Đông Anh, thực hiện công văn số 3875/LS:GD&ĐT-LĐTBXH-TC ngày 17/10/2016 của Liên sở: Giáo dục và Đào tạo - Lao động Thương binh xã hội - Tài chính về việc thực hiện Thông tư 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016; phòng GD&ĐT Đông Anh đã có công văn số 498/PGD&ĐT ngày 02/11/2017 về việc thực hiệc chế độ hỗ trợ chi phí học tập học kỳ I năm học 2017-2018 và triển khai tới 100% các trường Mầm non, Tiểu học, Chuyên biệt và THCS (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn huyện; nội dung công văn nêu rõ:

Đối tượng thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập học kỳ I năm học 2017-2018 như sau: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh Tiểu học, THCS mồ côi cả cha lẫn mẹ; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh Tiểu học, THCS bị tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh Tiểu học, THCS có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (có xác nhận số hộ nghèo của UBND xã, thị trấn); Mức kinh phí: 100.000đ/học sinh/tháng.

Đến ngày 9/11/2017, Phòng GD&ĐT đã tiếp nhận 1.403 hồ sơ đề nghị của 1.403 học sinh thuộc 92 trường MN, TH, Chuyên biệt và THCS trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, cả 1.403 em đều thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập học kỳ I năm học 2017-2018 theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Ngày 07/12/2017, Phòng GD&ĐT đã chi trả xong kinh phí hỗ trợ chi phí học tập học kỳ I năm học 2017-2018 cho 1403 em học sinh của 92 trường MN, TH, Chuyên biệt và THCS trên địa bàn huyện thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập học kỳ I năm học 2017-2018 theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Riêng trường Tiểu học Hải Bối có 16 học sinh thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập học kỳ I năm học 2017-2018 theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ; trong đó có 15 em có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo và 1 em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Đến hết ngày 12/12/2017, trường TH Hải Bối đã chi trả xong tiền hỗ trợ chi phí học tập cho phụ huynh học sinh của 16 em (nêu trên).

Để xác minh tính xác thực của việc triển khai này, ngày 13/12, phóng viên Dân trí đã trực tiếp trao đổi với một số gia đình hộ nghèo có con đang theo học ở trường công lập thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập học kỳ I thì được thông tin ngày 12/12 đã được nhà trường gọi lên để ký nhận tiền hỗ trợ.

Trong khi đó thông tư 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH quy định: Phương thức chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập đối với các đối tượng đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập: Phòng Giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả, quyết toán với phòng giáo dục và đào tạo.

Kinh phí hỗ trợ chi phí học tập được cấp không quá 9 tháng/năm học và chi trả 2 lần trong năm: Lần 1 chi trả 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11; Lần 2 chi trả 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4; Trường hợp cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo và học sinh chưa nhận tiền hỗ trợ chi phí học tập theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.

Như vậy việc triển khai, chi trả hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh là có chậm hơn so với quy định.

Trong quá trình tìm hiểu, một số gia đình hộ nghèo có con đang theo học tâm sự: Tiền đóng góp đầu năm luôn là nỗi ám ảnh của gia đình. Mọi khoản đóng góp vẫn phải thực hiện, nhà trường chỉ miễn giảm một số khoản như tiền học hai buổi/ngày, tiền học Tiếng Anh; tiền học Kỹ năng sống; tiền Khuyến học… Chính vì thế mà mỗi cháu đi học đầu năm vẫn phải đóng góp cả mấy triệu đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Ban giám hiệu trường tiểu học Hải Bối đang thực hiện chính sách miễn 100% quỹ khuyến học (quỹ tự nguyện) cho các học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo; các đối tượng này cũng được miễn 50% tiền học Tiếng Anh; miễn 50% tiền học hai buổi/ngày (một số trường hợp miễn 100%). Những khoản đóng góp khác như xã hội hóa giáo dục các gia đình hộ nghèo vẫn phải tham gia bởi theo họ dường như đó là quy định bắt buộc.

Điều đáng nói ở trường tiểu học Hải Bối là thực hiện chính sách miễn giảm không công bằng. Chẳng hạn như, có trường hợp hộ cận nghèo thì được miễn tiền 2 buổi/ngày 100% còn hộ nghèo thì lại được miễn giảm 50% ...

Trong khi đó, rất nhiều trường tiểu học ở nội thành Hà Nội thực hiện chính sách thiết thực, thắm đượm tình người như: Miễn tiền học 2 buổi/ngày 100%; miền tiền ăn bán trú 100%, miễn tiền phục vụ bán trú 100%, yêu cầu Ban phụ huynh không vận động các gia đình hộ nghèo tham gia đóng góp các khoản tự nguyện … Đây cũng là chủ trương đúng đắn và thực hiện nghiêm túc yêu cầu của UBND Thành phố Hà Nội đó là: Có chế độ miễn giảm phù hợp đối với học sinh có khó khăn về kinh tế. Tuyệt đối không được để học sinh vì gia đình khó khăn không có tiền đóng góp mà phải bỏ học.

Nguyễn Hùng